Có nên cho trẻ ăn bột ngọt?

Nhiều bà mẹ thường sử dung bột ngọt như một loại gia vị để tạo vị ngon cho món ăn, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn. Liệu bột ngọt có an toàn cho trẻ hay không và khi nào nên cho trẻ ăn bột ngọt?

Bột ngọt có tên khoa học là Monosodium Glutamate (viết tắt là MSG), là muối natri của axít glutamic, một axít amin rất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất đạm (protein) của cơ thể. Axít glutamic tồn tại phổ biến trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa… và các loại rau củ quả như cà chua, bí đỏ, đậu Hà Lan… Hiện nay, bột ngọt được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như tinh bột khoai mì, mật mía đường, bắp,… bằng phương pháp lên men vi sinh tự nhiên – tương tự như phương pháp sản xuất bia, giấm, nước mắm…

Có nên cho trẻ ăn bột ngọt?

Tại Việt Nam, Bộ Y Tế đã chính thức xếp bột ngọt là phụ gia thực phẩm thuộc nhóm điều vị an toàn và được phép sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, những người nội trợ cần hiểu rõ bột ngọt chỉ là một phụ gia thực phẩm có tác dụng điều vị làm cho thực phẩm ngon và hấp dẫn hơn tương tự như các gia vị khác, chứ bản thân bột ngọt và các gia vị nói chung không phải là chất dinh dưỡng. Vì thế, không nên dùng bột ngọt để thay thế cho các chất dinh dưỡng có trong thịt, cá, trứng, sữa…

BSCK2. Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, quá trình chuyển hóa glutamate trong các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ như sau:

Ở giai đoạn bào thai, nhau thai sử dụng glutamate như nguồn năng lượng chủ yếu và đóng vai trò như một “hàng rào” ngăn sự di chuyển của glutamate từ người mẹ vào bào thai.

Ở giai đoạn trẻ bú mẹ, các nghiên cứu cho thấy khi người mẹ ăn một lượng glutamate lớn thì cũng không làm tăng hàm lượng glutamate trong sữa mẹ. Ở trạng thái tự nhiên, bản thân glutamate đã là một axit amin tự do có hàm lượng lớn nhất trong sữa mẹ.

Ở giai đoạn trẻ cai sữa và ăn thức ăn thông thường, các nghiên cứu cho thấy cơ thể trẻ có khả năng chuyển hóa glutamate tương tự như người lớn. Theo đó, hơn 95% glutamate được hấp thụ hoàn toàn tại ruột, được các tế bào ruột sử dụng để sinh năng lượng. Do vậy, glutamate từ thức ăn không thể di chuyển vào máu và vào não.

Ngoài ra, cơ thể người tồn tại cấu trúc là hàng rào máu-não, là một cấu trúc chặt chẽ ngăn các chất không cần thiết cho hoạt động của não, di chuyển vào não. Nhờ có cấu trúc này nên glutamate cũng không di chuyển vào não.

Như vậy, ở các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, glutamate hay bột ngọt an toàn cho sức khỏe của trẻ em.

Hiện nay, các tổ chức uy tín trên thế giới không có khuyến cáo về việc sử dụng bột ngọt cho trẻ. Có thể sử dụng bột ngọt với liều lượng vừa đủ để làm bữa ăn của trẻ ngon miệng hơn, qua đó kích thích tiêu hóa. Cần lưu ý bột ngọt chỉ là gia vị, không thể thay thế được các chất đạm (thịt, cá, trứng ….) , đường bột, chất béo, các vitamin và chất khoáng trong khẩu phần ăn, nên cần đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo lời khuyên dinh dưỡng hợp lý khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Trong thực tế, nếu dùng quá nhiều hoặc dùng không đúng cách, bột ngọt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau từ người này đến người khác. Các tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêu thụ bột ngọt có thể bao gồm cảm giác nóng rát ở khuôn mặt, cánh tay hoặc ngực, ngứa ran ở mặt, cánh tay hoặc cổ, nhức đầu, ngực đau, buồn nôn, tim đập nhanh, buồn ngủ, khó thở và suy yếu….

Theo các chuyên gia cho biết, không phải bột ngọt không có tác dụng. Ngoài tác dụng là gia vị làm tăng thêm độ ngọt của thức ăn mà không làm thay đổi mùi vị của thức ăn, bột ngọt còn tác động vào thần kinh vị giác, kích thích dạ dày tiết dịch dồi dào và tăng cuờng sự hoạt động của các men, do đó tăng cường sự hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể.

Tuy nhiên, bột ngọt chỉ có tác dụng sau khi hòa tan vào thức ăn nóng. Với từng loại thức ăn khác nhau có phương pháp dùng bột ngọt phù hợp.

Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyên rằng, bạn nên hạn chế ăn ngoài hàng vì bạn không thể kiểm soát được lượng bột ngọt sử dụng trong thức ăn.

Đối với những người bị mỡ máu, tiểu đường, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người béo phì, đau đầu kinh niên, hen suyễn rất dễ dị ứng với bột ngọt. Nhưng hầu hết các nhà hàng đều dùng bột ngọt để chế biến món ăn,.. Do vậy, chúng ta khó tránh bột ngọt trong các thực phẩm phẩm hiện nay vì tất cả các thực phẩm đều có bột ngọt.

Lưu ý một số điều sau khi dùng bột ngọt:

Không nấu ở nhiệt độ cao: Khi cho thêm bột ngọt vào thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao sẽ xảy ra thay đổi hóa học, khiến bột ngọt trở nên có hại cho sức khỏe. 70 – 90 độC là nhiệt độ thích hợp nhất để hòa tan bột ngọt. Vì vậy nên gia giảm bột ngọt khi thức ăn đã chín và bắc khỏi bếp.

Không cho trực tiếp vào thực phẩm nguội: Bột ngọt hòa tan kém ở nhiệt độ thấp. Nếu bạn muốn sử dụng bột ngọt để tăng vị ngon cho món nguội thì nên hòa tan bột ngọt trong nước ấm rồi mới trộn vào thức ăn nguội.

Không cho vào các thực phẩm ngọt: Tuyệt đối không nên thêm bột ngọt vào thực phẩm có vị ngọt tự nhiên (cà chua, tôm….) vì sẽ làm mất hương vị, độ ngọt của món ăn và gây vị khó ăn.

Không nên dùng quá nhiều: Cũng như các gia vị khác, lượng bột ngọt dư thừa sẽ khiến món ăn bị mất vị và còn có hại cho sức khỏe.

Không nên dùng với trứng: Trong trứng có nhiều bột và khi kết hợp với muối natri clorua rồi đun nóng sẽ tạo ra thứ bột ngọt tinh khiết, giúp trứng có hương vị thơm ngon. Vì thế cho bột ngọt vào trứng là thừa và còn không tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các loại mì chính giả nhái nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng và pha thêm những chất có hình dáng tương tự như hàn the, phèn. Các chất này là tác nhân gây tổn hại cho dạ dày, gan, làm cho con người kém ăn, khó chịu toàn thân và có thể gây ung thư bàng quang.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or