Có một thời điểm vàng để rèn con ngủ xuyên đêm, nếu bỏ lỡ mẹ sẽ phải vật vã dỗ con ngủ mỗi ngày

Càng lớn sẽ càng khó luyện ngủ cho trẻ. Vậy nên rèn con ngủ vào giai đoạn nào là thích hợp và dễ thành công nhất?

Không ngoa khi các mẹ nuôi con nhỏ nói rằng mỗi lần đặt con ngủ như đặt bom nổ chậm. Mất bao thời gian, công sức ru ngủ, vỗ về, con vừa say sưa được một lát liền nhẹ nhàng đặt xuống giường hoặc cũi, thế mà vừa rón rén đặt xuống, bé đã tỉnh như sáo. Cảnh tượng ấy rất nhiều bố mẹ từng được nếm trải.

Tình trạng trên kéo dài, nếu vào các giấc ngủ ngày thì mẹ còn cố gắng được. Trái lại, khi trẻ thường xuyên thức giấc vào ban đêm, người mẹ sẽ cảm thấy kiệt sức vì thiếu ngủ. Các mẹ nuôi con nhỏ rất thấu hiểu những đêm trằn trọc với nhịp khóc – ngủ – khóc – ngủ của con.

Dẫu biết rằng trẻ sơ sinh thường không ngủ thẳng giấc khi mới sinh, song từ kinh nghiệm của các mẹ nuôi con nhỏ và cũng là khuyến cáo của các chuyên gia, bố mẹ cũng không nên bỏ mặc bé ngủ vặt như thế bởi nó sẽ hình thành thói quen ngủ xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Có một thời điểm vàng để rèn con ngủ xuyên đêm, nếu bỏ lỡ mẹ sẽ phải vật vã dỗ con ngủ mỗi ngày - Ảnh 1.
Trẻ ngủ vặt, ngủ không ra giấc sẽ không tốt cho sự phát triển thể chất của bé (Ảnh minh họa).

Theo khuyến cáo, có một thời điểm vàng để rèn con ngủ xuyên đêm, bố mẹ nên nắm bắt lấy cơ hội này để giúp con hình thành thói quen ngủ lành mạnh. Một khi bỏ lỡ thời điểm vàng này, trẻ càng lớn sẽ càng khó luyện ngủ.

Giai đoạn vàng đó chính là thời điểm trẻ 3 – 4 tháng tuổi.

Thực tế, có những em bé 2 – 3 tuổi vẫn không thể ngủ ngon suốt đêm, thường xuyên thức giấc 1 – 2 lần trong đêm. Những mẹ nuôi con nhỏ đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để bước vào “cuộc chiến” nuôi con dài hơi này, song đó là do các mẹ chưa biết nắm bắt thời điểm thích hợp để rèn con ngủ ngoan.

Đối với một đứa trẻ khoảng 3 tháng tuổi, bé thức giấc giữa đêm hầu hết là do nhu cầu tâm lý, bé muốn được dỗ dành, vỗ về hơn là bị đói và cần thức dậy để được ăn.

Vậy làm thế nào để luyện cho bé ngủ xuyên đêm?

Trước hết, mẹ hãy tập cho con ăn – ngủ ra giấc, tức là giờ ăn là giờ ăn – giờ ngủ là giờ ngủ, không cho bé bú để ngủ và bằng mọi cách hãy giúp bé tỉnh táo khi đang bú sữa. Tách biệt giờ ăn và giờ ngủ sẽ giúp bé hình thành nếp sinh hoạt khoa học như người lớn. Muốn vậy, mẹ hãy quan sát các tín hiệu buồn ngủ của con và cho bé đi ngủ vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, tuyệt đối không cho bé bú vặt, hãy hình thành giờ ăn quy củ để bé quen dần.

Có một thời điểm vàng để rèn con ngủ xuyên đêm, nếu bỏ lỡ mẹ sẽ phải vật vã dỗ con ngủ mỗi ngày - Ảnh 2.

Sau khi đã tìm ra lịch ăn – ngủ thích hợp với bé nhà mình, bạn có thể sắp xếp các hoạt động khác cho bé vào những khoảng thời gian còn lại (trước khi bé đi ngủ và sau khi tỉnh dậy).

Thứ hai, khi bé thức giấc quấy khóc giữa đêm, mẹ cần kiên nhẫn vỗ về. Để bé dần bỏ thói quen tỉnh giấc vào ban đêm, mẹ không nên bế bé lên ngay, hãy để bé tự trấn an bản thân và chạm vào bé vỗ về một lúc để bé cảm thấy an toàn. Biết được có bố mẹ ở bên cạnh sẽ không khóc nữa. Ngoài ra, nên giảm dần các bữa ăn vào ban đêm cho đến khi cắt hẳn. Hầu hết trẻ nhỏ khoảng 3 – 4 tháng tuổi đều có thể ngủ mà không cần ăn đêm, việc bé thức giấc gần như là thói quen mà thôi.

Thực tế, chỉ cần đáp ứng được nhu cầu tâm lý của bé thì trẻ sẽ không thức giấc giữa đêm thường xuyên. Làm được hai việc trên, số lần bé tỉnh giấc trong đêm sẽ giảm dần hoặc bé có tỉnh giấc cũng tự ngủ lại được, bố mẹ không phải mất ngủ vì dỗ con trong đêm nữa.

Một vấn đề cần lưu ý khi luyện con ngủ xuyên đêm là thời gian đầu, cha mẹ nên ở bên cạnh để hỗ trợ, trấn an con giúp bé luôn cảm thấy an toàn. Nếu bỏ mặc con khóc ngay từ đầu và không có sự chuẩn bị kĩ càng, việc luyện ngủ cho bé sẽ khó thành công và còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Có một thời điểm vàng để rèn con ngủ xuyên đêm, nếu bỏ lỡ mẹ sẽ phải vật vã dỗ con ngủ mỗi ngày - Ảnh 4.
Trẻ nhỏ thức giấc giữa đêm đa số vì tâm lý chứ không phải vì đói (Ảnh minh họa).

Ngoài vấn đề về tâm lý, trẻ vẫn thường xuyên khóc trong đêm thì bố mẹ cần xem xét đến một số vấn đề thể chất sau:

1. Bé bị thiếu canxi

Khi bị thiếu canxi, trẻ thường đổ mồ hôi trộm nhiều, ngủ không yên giấc và thường xuyên quấy khóc về đêm. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa bé đi khám khi thấy con hay khóc về đêm và đổ mồ hôi trong đêm, không nên phán đoán và tự ý bổ sung canxi cho con.

2. Bé bị đầy bụng, khó tiêu

Trẻ nhỏ không thể nói hoặc diễn đạt thành lời nên khi bị đầy bụng, khó tiêu, bé chỉ có thể biểu hiện thông qua tiếng khóc. Có phụ huynh hay sợ con bị đói nên ép trẻ ăn nhiều hơn, ăn quá lượng ăn được khuyến cáo theo độ tuổi dẫn đến tình trạng bé đầy bụng khi đi ngủ.

Để bé ngủ ngon giấc trong đêm, nên kiểm soát lượng ăn của bé trước khi đi ngủ, không nên cho bé ăn quá no.

3. Bé ngứa ngáy, khó chịu

Khi trẻ bị nhiễm giun kim, bố mẹ sẽ khó phát hiện ra nhưng nó lại khiến trẻ vô cùng ngứa ngáy, khó chịu, nhất là khi ngủ đêm.

Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh bị mắc các bệnh về da như chàm da, nẻ, hăm da, trẻ cũng hay khóc vì khó chịu khi ngủ. Bố mẹ hãy xem xét các biểu hiện bên ngoài của trẻ để tìm ra nguyên nhân và biết cách xử lý chúng.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or