Chuyên gia đầu ngành mách mẹ cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch cho bé
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, sản phẩm hữu cơ từ động vật như trứng, sữa… cần tuần thủ quy định chuẩn hữu cơ của các tổ chức uy tín thế giới, ví dụ như việc sử dụng nguồn thức ăn (rau, cỏ hữu cơ) và tiêu chuẩn sống (độ ẩm, ánh sáng, diện tích sinh hoạt…) cho động vật cần được quản lý nghiêm ngặt.
Ngày nay, có thể thấy mối quan tâm hàng đầu của chị em khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình đó là ưu tiên về mức độ an toàn và giá trị dinh dưỡng tác động đến sức khỏe. Chính vì vậy, xu hướng lựa chọn sữa cho trẻ cũng đang dần thay đổi với việc họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để hướng sự ưu tiên đến những sản phẩm ít đường/không đường, những sản phẩm bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và đặc biệt là nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ và sữa hữu cơ (sữa organic) cũng đang tăng lên đáng kể.
Vậy nhưng có một thắc mắc chung của nhiều bà mẹ đó thực phẩm hữu cơ có đặc điểm gì nổi trội? Thực phẩm tự nhiên, thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ khác nhau như thế nào? Có cách nào để phân biệt những loại thực phẩm này không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Trần Minh Điển (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) để giúp các mẹ hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa bác sĩ, có thể thấy ngày nay thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng được rất nhiều mẹ Việt lựa chọn cho gia đình và đặc biệt là cho con trẻ. Vậy bác sĩ có thể cho biết thực phẩm hữu cơ mang lại lợi ích gì nổi trội với sức khỏe con người?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm hữu cơ đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng tối ưu, đặc biệt là các loại vitamin A, B, C, D, E và khoáng chất như canxi, kẽm, sắt…. Trẻ nhỏ sử dụng trên 90% sản phẩm hữu cơ trong khẩu phần ăn hai năm đầu đời có thể giảm nguy cơ mắc dị ứng da, hỗ trợ thay đổi cân nặng theo chiều hướng tích cực. Riêng với trái cây và rau hữu cơ chứa nhiều chất chống oxy hóa, tăng lượng axit béo omega-3 hơn 18%.
Mặc dù xu hướng lựa chọn thực phẩm hữu cơ tăng cao nhưng rất nhiều bà mẹ vẫn chưa hiểu rõ thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch khác nhau như thế nào? Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể không?
Dễ dàng thấy thực phẩm đạt tiêu chuẩn “sạch” vẫn có thể sử dụng một số hóa chất nhân tạo như: phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay các loại thuốc kháng sinh cho gia súc với liều lượng cho phép, trong ngưỡng quy định. Đặc biệt, thực phẩm sạch vẫn có thể sử dụng sản phẩm biến đổi gene GMO. Nhìn chung, sản phẩm sạch vẫn có những tiêu chuẩn riêng, nhưng các tiêu chuẩn này hoàn toàn khác so với các tiêu chuẩn “hữu cơ” gắt gao.
Còn thực phẩm hữu cơ là thực phẩm hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, không dư lượng thuốc trừ sâu, không chất kích thích tăng trưởng, không hóa chất bảo quản, không thức ăn công nghiệp, không sử dụng sản phẩm biến đổi gene GMO… nên sẽ tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường và giữ được độ “tự nhiên” nhất có thể.
Sự khác biệt giữ hai dòng sản phẩm này còn đến từ quá trình: tiêu chuẩn hữu cơ có quy định về nguồn đất không phơi nhiễm các loại hóa chất trong một thời gian nhất định (vài năm) trước sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi. Nếu là sản phẩm hữu cơ từ động vật (trứng, sữa,..) thì tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn, ví dụ việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật, nguồn thức ăn (rau, cỏ hữu cơ), tiêu chuẩn sống (độ ẩm, ánh sáng, diện tích rộng,..),… cũng được quản lý nghiêm ngặt.
Thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường và thơm ngon hơn. (Ảnh minh họa)
Nhiều bà mẹ thắc mắc vậy liệu họ tự trồng thực phẩm tại nhà (các loại rau củ quả) không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hay phân bón… thì đây có thể gọi là thực phẩm hữu cơ không, thưa bác sĩ?
Khác biệt cơ bản nhất giữa thực phẩm nhà trồng và hữu cơ nằm ở việc có tiêu chuẩn quy định hay không. Thực phẩm nhà trồng do chúng ta tự mua hạt giống, đất,.. và trồng dưới điều kiện bình thường, không theo bất kì tiêu chuẩn trồng trọt nào như các tiêu chuẩn về hữu cơ đã được đề cập bên trên.
Trong trường hợp không sử dụng thuốc và hóa chất tổng hợp thì thực phẩm nhà trồng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn giống, đất, nước, chất lượng không khí, bụi bẩn, và không có tiêu chuẩn nào giám định được mức độ “tự nhiên” của các thực phẩm nhà trồng.
Sữa hữu cơ là một trong những thực phẩm hữu cơ được các mẹ bỉm sữa quan tâm thời gian gần đây, bác sĩ có thể cho biết sữa hữu cơ khác sữa thông thường thế nào?
Sữa hữu cơ được thu hoạch từ đàn bò được chăn nuôi tự nhiên, khỏe mạnh đáp ứng các tiêu chí organic nghiêm ngặt về: chọn lọc sinh sản, chăn thả tự nhiên – tiếp cận khí trời, sử dụng thức ăn hữu cơ không thuốc trừ sâu, không phân bón tổng hợp, không dư lượng kháng sinh và mật độ nuôi rộng rãi – chăn thả xoay vòng…
Thêm nữa, nhà sản xuất phải đăng ký với cơ quan uy tín có thẩm quyền về hữu cơ phê duyệt, cập nhật chất lượng liên tục và chịu sự kiểm tra thường xuyên.
Sữa hữu cơ là sữa đến từ đàn bò được chăn thả tự nhiên, với mật độ phù hợp và được cung cấp nguồn thức ăn hữu cơ đảm bảo.
Các dưỡng chất trong sữa hữu cơ tác động như thế nào đến hệ tiêu hóa, sức đề kháng của trẻ thưa bác sĩ?
Lợi ích của sữa hữu cơ đã được chứng minh chứa hàm lượng Omega 3 – một axit béo thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng của tế bào và tích trữ năng lượng cho cơ thể – cao hơn sữa thông thường. Thêm nữa, trong sữa hữu cơ được bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin C, kẽm, canxi, vitamin K và D hỗ trợ trẻ tăng chiều cao và củng cố sức đề kháng cho trẻ.
Các mẹ cũng cần biết rằng hệ tiêu hóa của con trẻ còn non yếu nên không nên để trẻ tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong thức ăn. Do vậy, việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ trong giai đoạn phù hợp giúp đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hóa của trẻ hơn.
Khi lựa chọn sữa hữu cơ cho con, bác sĩ có lời khuyên nào để các mẹ chọn được sản phẩm chuẩn hữu cơ, an toàn và đạt chất lượng tốt cho trẻ?
Để chọn được một hộp sữa hữu cơ đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng tốt và an toàn cho con yêu, mẹ cần ghi nhớ sản phẩm đó phải đảm bảo 3 tiêu chí sau:
– Đạt chứng nhận của tổ chức đánh giá sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ uy tín như Hiệp hội Quốc gia về nông nghiệp bền vững Australia (NASAA), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)…
– Đơn vị sản xuất, hệ thống phân phối đáng tin cậy
– Chú ý đến thời hạn sử dụng ngắn ngày
Xin cảm ơn Bác sĩ về những thông tin hữu ích này!