Chiêu khử thuốc trừ sâu trên rau quả cho con siêu hiệu quả
Chần nước sôi mở vung, phơi nắng…là những mẹo nhỏ giúp mẹ loại bỏ 60%-90% dư lượng thuốc trừ sâu.
Rau củ quả như: bông cải xanh, rau bina, táo, chuổi, khoai tây, xoài, rau đay, cà rốt, rau ngót…là thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe và sự tăng trưởng của bé.
Tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại, đó là việc rau củ quả ngày nay được phun, tẩm quá nhiều hoá chất, thuốc trừ sâu độc hại. Thuốc trừ sâu trong rau quả gây hại rất lớn đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch, sức đề kháng của các con chưa thực sự tốt. Chính điều này đã khiến nhiều chị em băn khoăn lo lắng.
Việc lựa chọn mua rau cho bé ngoài cửa hàng rau sạch hay siêu thị vẫn không thể đảm bảo được chất lượng “xanh” tuyệt đối của thực phẩm.
Xin mách mẹ những phương pháp loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau quả cho con cực hiệu quả:
Đối với hoa quả
+ Các loại hoa quả có chứa thuốc trừ sâu như táo, ổi, dưa chuột…, trước khi cho bé ăn, tốt nhất mẹ nên rửa sạch, gọt hết vỏ ngoài.
+ Khi đi mua, mẹ nhất định phải chọn quả còn tươi, toàn vẹn, không bị trầy xước, bị héo úa, giập nát, hoặc dính các chất lạ. Mẹ hãy để mắt tới những loại có hình dạng bên ngoài bình thường, có màu sắc tự nhiên, giòn chắc, cầm nặng tay. Trên thực tế, có một số loại quả bên trong hư hỏng nhưng bên ngoài vẫn còn tươi do sử dụng hoá chất bảo quản, do đó phải xem kĩ trước khi mua.
+ Không nên mua quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước ở ngoài chợ vì không đảm bảo tính vệ sinh
Đối với rau
+ Trước khi nấu mẹ nên ngâm rau trong nước sạch khoảng 5-10 phút, sau đó rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm. Cách này sẽ làm trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.
+ Dùng nước muối 5% rửa rau.
+ Mẹ nên nhớ rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá, nhất là các loại rau bắp cải, rau đay, rau dền, rau bia…. Rửa ít nhất 3 – 4 lần trong chậu nước đầy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi.
+ Với các thức phẩm cho bé ăn, đảm bảo phải được nấu chín, bởi vì làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải. Một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần…sau khi rửa sạch, mẹ chần qua bằng nước nóng 2 phút.
+ Ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.
Các mẹ nên nắm bắt rõ dấu hiệu nhận biết các loại thực phẩm có thuốc trừ sâu. Trong quá trình chế biến, mẹ đảm bảo phải chấp hành tốt nguyên tắc sạch sẽ, nấu chín và an toàn để loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau quả
Trao đổi về vấn đề khử thuốc trừ sâu trên thực phẩm, bác sĩ Lập (Viện an toàn thực phẩm Công ty Vinacert, Nguyên chuyên viên cao cấp, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế) cho biết thêm một số thông tin về các cách loại bỏ thuốc trừ sâu ra khỏi thực phẩm:
Tuỳ theo mỗi cách mà tỷ lệ % lượng tồn dư được loại bỏ, theo các Tài liệu đã công bố
– Cách ngâm nước: theo viện Dinh Dương Bộ Y tế: rau mua về, ngâm ngập trong nước 15-20 phút, sau do rửa lại nhiều lần (ít nhất 3-4 lần) với nhiều nước sạch, hoặc xối dưới vòi nước có thể loại bỏ được 80-90% lượng tồn dư (LTD).
– Trần qua nước sôi: Đối với rau quả chịu được nhiệt như đỗ, xúp lơ, rau cần.., sau khi rửa sạch, trần qua nước nóng trong 2 phút, đã có thể loại bỏ được 30% LTD, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, kết hợp mở nắp vung để hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) bay ra, có thể làm giảm được trên dưới 90% LTD.
– Phơi nắng: Hoá chất bảo vệ thực vật, nhất là loại có gốc Phospho, Clo…rất dễ bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời, do đó phơi nắng trong 5 phút, có thể loại được 60% LTD
– Các phương pháp đơn thuần dùng nước muối, hoặc ngâm rửa bằng KMnO4 1% tuy có tác dụng loại bỏ LTD nhưng chưa thấy công bố tỷ lệ % loại bỏ.
Ngoài các cách trên, có các cách khác như đối với loại củ, quả, rửa sạch rồi gọt vỏ rất đảm bảo an toàn. Các loại rau, quả mua về, để trong nhiệt độ phòng cũng đã giảm được 5% LTD
Cách nhận biết sơ bộ rau quả có thuốc bảo vệ thực vật:
– Nhìn hình dáng bề ngoài xem rau, quả còn nguyên vẹn, lành lặn, không trầy đước, không dập nát, có thâm nhiễm ở núm cuống không.
– Cảnh giác với quả quá mập, quá phổng phao, “quá đẹp mắt” so với bình thường vốn có; xem màu sắc có đúng như mầu tự nhiên không, có héo, úa không.
– Rau quả có màu bất thường như xanh, xanh đen là do nhiễm đạm nitrat (NO3)..; cầm quả thấy nặng tay, chắc ròn, không như loại có HCBVTV thì tuy rất tươi, nhưng cầm thấy nhẹ; nhìn xem núm cuống có đọng phấn lạ và ngửi có mùi hắc, hôi của HCBVTV hay không.
Theo eva