Cha mẹ thường nói “nhà mình nghèo lắm” dễ khiến con cái thất bại trong tương lai
ừ nhỏ cha mẹ thường xuyên dạy bảo con theo hướng than nghèo kể khổ khiến suy nghĩ “nghèo khổ” ăn sâu vào tiềm thức của con.
Tin chắc rằng, nhiều bậc cha mẹ khi con đòi mua đồ chơi giống chúng bạn sẽ bảo với bé rằng: “Nhà mình nghèo lắm, không có tiền mua đâu!”. Phần vì họ muốn con rèn luyện đức tính tiết kiệm hoặc đơn giản sợ nuông chiều con sẽ sinh hư. Từ đó mà thường xuyên than nghèo kể khổ với bé.
Cha mẹ hẳn cho rằng việc làm ấy chẳng ảnh hưởng gì tới con. Nhưng về lâu về dài, hành vi đó của cha mẹ lại gây nên những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí mang tính “hủy diệt” con mình.
1. Khiến con trở nên tự ti
Lâu dần bé ắt cho rằng mọi thứ tốt đẹp, quý giá mình không xứng đáng có được. (Ảnh minh họa)
Từ nhỏ cha mẹ thường xuyên dạy bảo con theo hướng đó khiến suy nghĩ “nghèo khổ” ăn sâu vào tiềm thức của con. Bé nhìn những đồ vật mình yêu thích mà mong muốn được sở hữu nhưng lại không có được, dần dần tâm lý trở nên buồn bã và bất an.
Lâu dần bé ắt cho rằng mọi thứ tốt đẹp, quý giá mình không xứng đáng có được, chỉ là mơ ước xa vời mà thôi. Bé trở nên tự ti, cảm thấy bản thân vì không đủ giỏi giang, ưu tú nên mới không có được. Sự tự ti cắm rễ trong lòng con, càng lớn càng trở nên trầm trọng.
2. Trẻ nảy sinh tâm lý buông xuôi
Mỗi lần con thích thú trước món đồ gì đó, cha mẹ đều nói rằng: “Mua làm gì đồ đắt tiền như vậy, chỉ cần dùng được là được rồi”. Hẳn cha mẹ nghĩ rằng, nói như vậy trẻ sẽ biết tiết kiệm, tránh hoang phí. Song thực chất, chính điều đó lại triệt tiêu đi khát vọng và nỗ lực của con để giành lấy những thứ ngày càng tốt đẹp hơn.
Cuộc sống luôn cần hướng về phía trước, một khi trẻ cho rằng “thế nào cũng được, chỉ cần dùng được là được”, trẻ sẽ mất dần động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống.
3. Khiến trẻ thiếu tinh thần trách nhiệm
Cha mẹ thường xuyên “than nghèo kể khổ” với con, mỗi ngày sự thiếu thốn sẽ bị khắc họa và phóng đại trong lòng đứa trẻ. Từ đó xuất hiện tình trạng trẻ vin vào cớ “hoàn cảnh khó khăn” để trốn tránh những việc làm chưa tốt của mình.
Ví dụ như thành tích học tập không tốt, trẻ sẽ thoái thác: “Nhà nghèo không được đi học thêm nhiều”. Hoặc các môn năng khiếu kết quả kém, trẻ lập tức biện bạch: “Bố mẹ nghèo không có gene nghệ thuật”…
Tình hình như trên kéo dài sẽ chỉ khiến trẻ trở thành một đứa trẻ thiếu trách nhiệm, không dám đối mặt với những thất bại và sửa chữa sai lầm của mình.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ
Cha mẹ cần làm trẻ hiểu rõ một điều, để có được thứ mình muốn không gì khác là bản thân cần phải nỗ lực. (Ảnh minh họa)
1. Đòi hỏi của trẻ là điều hoàn toàn bình thường
Trẻ yêu cầu cha mẹ mua cho chúng những món đồ đẹp đẽ, đắt tiền là điều hết sức bình thường. Ai cũng mong muốn cuộc sống sinh hoạt ngày càng nâng cao, ý thích đó của trẻ không hề nói lên trẻ hư hay xấu tính.
Việc cha mẹ cần làm chính là nỗ lực làm việc để điều kiện kinh tế của gia đình ngày càng khá hơn. Bạn có thể chăm sóc con tốt hơn, qua đó chứng minh và thuyết giảng cho con hiểu giá trị của lao động, phấn đấu, khiến con là người có chí hướng trong tương lai.
2. Để con hiểu rõ vật chất không phải là tất cả hạnh phúc
Cha mẹ hãy thể hiện cho con cảm nhận sâu sắc tình yêu thương của mình với trẻ. Qua đó con sẽ hiểu rằng dù gia đình điều kiện vật chất chưa tốt, chưa thể mua cho con được các món đồ đắt tiền nhưng hạnh phúc và sự ấm áp thì không bao giờ kém hơn so với người khác.
Cha mẹ cũng cần giúp con hiểu rằng, vật chất không phải là tất cả hạnh phúc, đôi khi nên bằng lòng với những gì mình có.
3. Định hướng cho con thấy nỗ lực mới có được điều mình muốn
Nếu trẻ đòi gì được nấy, muốn gì luôn có cha mẹ sẵn sàng đáp ứng thì trẻ sẽ ngày càng ngang ngược, không biết quý trọng công sức của cha mẹ.
Do đó, cha mẹ cần làm trẻ hiểu rõ một điều, để có được thứ mình muốn không gì khác là bản thân cần phải nỗ lực. Từ đó kích phát tinh thần phấn đấu, tích cực vươn của con.