Cách nhận biết và xử lý đau ở trẻ em

Làm thế nào để nhận biết và xử lý đau ở trẻ em? Mẹo nuôi con xin chi sẻ bài phỏng vấn trực tuyến về “Cách nhận biết và xử lý đau ở trẻ em” trên VnExpress để các mẹ biết cách xử lý để bảo vệ sức khỏe trẻ tốt hơn nhé 🙂

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ đau đớn nhiều thường toát mồ hôi, tay chân lạnh và biểu hiện mệt mỏi. Trẻ con ít giả vờ nên khi thấy dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa con đi khám ngay đề phòng nguy khốn.

pvtt-bacsi.jpg

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – thần kinh, BV Nhi đồng 1 và bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2 chụp ảnh lưu niệm tại Tòa soạn báo VnExpress, Văn phòng Sài Gòn.

– Thưa bác sĩ, con trai 3 tuổi thường làm cả nhà lo lắng vì cháu hay bị đau họng, nhất là mỗi khi cháu uống nước đá. Làm sao để biết con tôi bị đau họng là do cảm lạnh, viêm họng hay viêm Amiđan? Nếu bị viêm Amiđan, theo bác sĩ có nên đưa cháu đi cắt Amiđan không? (Phuong Thuy, 30 tuổi, 1169/7A Le Duc Tho, Go Vap)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2:

Chào bạn!

Đau cảm lạnh có yếu tố tiếp xúc với lạnh, ví dụ như nằm máy lạnh, uống nước đá lạnh, ăn kem và thường có kèm theo nghẹt mũi hay sổ mũi. Viêm họng hay viêm amidan thường do virus hay do vi khuẩn cũng có thể kèm với yếu tố lạnh, nhưng khởi phát đột ngột và đa số là sốt cao. Thường cảm lạnh thì 1-2 ngày hết. Tuy nhiên do niêm mạc họng bị tổn thương, sau đó trẻ có thể viêm họng hoặc viêm amidan, lúc đó xuất hiện sốt cao, khó hạ. Nếu sau hai ngày bé vẫn còn sốt cao, bạn nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị thuốc cần thiết. Khi bị viêm amidan, mỗi 2 tháng có thể có chỉ định cắt. Tùy trường hợp, chỉ định cắt sẽ do bác sĩ Nhi khoa Nội kết hợp với bác sĩ Tai – Mũi – Họng quyết định.

– Bác sĩ cho em hỏi nhìn vào dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị đau bụng? (vu thi anh tuyet, 28 tuổi)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1:

Chào bạn!

Tùy theo lứa tuổi mà trẻ có biểu hiện đau bụng khác nhau, đôi lúc trẻ đầy bụng nhưng diễn tả thành đau bụng. Nếu trẻ cho biết mình đau ở vùng dưới xương ức thì đó là biểu hiện của đau bụng vùng thượng vị, còn những vùng khác thường kèm theo tiêu chảy hay nôn ói.

Trẻ nhỏ không biết nói thì có thể có những cơn khóc thét, kèm gồng cứng cơ bụng, đôi khi co hai chân gập về phía bụng hoặc đi lom khom. Đây là những dấu hiệu các mẹ nên lưu ý vì có thể bé bị đau.

Tuy nhiên, trong thực tế, có một số trường hợp trẻ lớn vì không muốn đi học nên cũng lấy lý do đau bụng để khỏi phải đến trường.

– Con trai tôi chỉ mới 9 tháng tuổi và cháu khóc rất nhiều lần trong ngày. Ban đầu tôi nghĩ là cháu thường khóc khi đói, nhưng đôi khi cháu khóc cả sau khi được cho ăn và khóc vào buổi tối nữa. Làm mẹ lần đầu nên tôi thường rất khó khăn để biết mỗi lần cháu khóc là vì lí do gì: cháu đói, khó chịu hay đang bị đau? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên? (Nguyễn Thị Thanh Tuyền, 36 tuổi, 64A Trịnh Khắc Lập, Q2)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Tuyền thân mến!

Khóc ở trẻ có thể là biểu hiện của bất an trong cơ thể, cũng có thể biểu hiện là bất an trong tâm lý, do đó phải đưa cháu đi khám để biết rằng cháu phát triển về thể chất bình thường, không có bệnh lý. Có nhiều trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, gây đau rát thực quản, nên có thể khóc. Nếu cháu phát triển về cân nặng và chiều cao tốt và không có bệnh lý khác kèm theo thì phải khám tâm lý cho bé. Sự thiếu vắng chăm sóc hoặc chăm sóc thái hóa cũng có thể làm cho trẻ bất an và khóc nhiều.

Dù gì chăng nữa, bạn cũng nên theo dõi biểu đồ phát triển thể chất, tâm thần vận động của trẻ mỗi tháng và xem sự thích nghi của trẻ đối với môi trường xung quanh như thế nào. 9 tháng, trẻ biết lạ, quen, biết cười với bố mẹ, biết hợp tác, đùa giỡn. Nếu cháu hay khóc, nhưng những vận động và phát triển tâm lý tốt thì có thể là do cháu được nuông chìu và khóc là thói quen để đạt được mục đích của cháu. Tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám như trên để loại trừ bệnh lý về thực thể.

– Con tôi 4 tuổi, cháu thường khó chịu và hay bảo tôi là nhức, đau chân. Tôi dẫn cháu đi kiểm tra thì không phát hiện gì cả. Vậy cháu nhà tôi bị gì vậy thưa bác sĩ? Hay chỉ là cháu khó chịu trong người và không thích vận động? Xin cám ơn (Ngọc Lan, 28 tuổi)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Thông thường, trẻ đến tuổi phát triển chiều cao (từ sau 4 tuổi) hay than đau nhức khớp chân, bắp chân, đôi khi tới mức độ khó chịu, đòi mẹ xoa bóp chân, nhất là vào buổi tối. Tình huống này, mẹ cần cung cấp thêm sữa cho bé vì đây là một dạng đau khớp do tăng trưởng, chứ không cần uống thuốc giảm đau. Ngoài ra, có một số trường hợp trẻ bị ngứa do dị ứng nhưng không biết diễn tả nên nói là đau. Nếu là tình huống này thì bạn nên xem lại chế độ ăn cho con có gây cảm giác ngứa hoặc xổ giun cho con.

– Chào bác sĩ, làm thế nào để xác định ngưỡng đau của trẻ? (Yến Nguyên, 30 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Tùy theo lứa tuổi, thể hiện đau ở trẻ khác nhau. Ở trẻ dưới 2 tuổi thường không nói, các cháu chỉ biểu hiện bằng nét mặt, đôi khi bỏ ăn, bỏ chơi. Ở trẻ 3-7 tuổi, đôi khi các cháu đau, nhưng tuổi này có tâm lý là hay từ chối chăm sóc, muốn tự làm và chưa xác định rõ điểm đau, nên đôi khi đau, các cháu khóc, bỏ ăn, bỏ chơi. Ở trẻ lớn hơn thì có sự hợp tác, thể hiện bằng lời nói.

Ngưỡng đau mỗi trẻ mỗi khác nhau. Có trẻ chỉ đau chút ít, nhưng khóc rất nhiều; nhưng có trẻ đau nhiều, lại chịu đựng biểu hiện bằng nhăn nhó, mệt mỏi, không hợp tác. Do đó, ở trẻ có biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc vẻ mặt mệt mỏi, thờ ơ, phụ huynh nên theo dõi sát các cháu và gợi ý hỏi các cháu để phát hiện kịp thời đau ở các cháu, nhất là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

– Cháu trai tôi năm nay 10 tuổi, cháu bị đau đầu không chính xác là đau ở đâu. Cháu nói là đau ở trong đầu và khi cho cháu ngậm kẹo thì cơn đau giảm. Thời gian đầu ít bị nhưng sau này thì đau thường xuyên hơn. Xin bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của cháu, xin cám ơn bác sĩ. (Phạm Quỳnh Hoa, 44 tuổi, Quận 1, TPHCM)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Hoa mến!

Đau ở trẻ 10 tuổi có nhiều nguyên do. Nguyên nhân do thể chất, có thể cháu bị viêm xoang, sốt, có vấn đề về mắt, hiếm hơn có trẻ bị cao huyết áp hoặc có bệnh lý về hệ thần kinh trung ương. Nếu cháu đau thường xuyên nên đi tầm soát những bệnh trên. Nếu đã tầm soát tất cả đều bình thường có thể cháu thiếu ngủ, thức khuya, hoặc có vấn đề về tâm lý. Bạn nên tham khảo thêm ở trường cháu có hay bị đau không và những mối liên hệ với bạn bè xung quanh cháu.

live_interview-1408522804_480x0.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh.

– Xin chào bác sĩ. Con em là bé trai, cháu được 21 tháng 10 ngày, cân nặng: 13kg, cao: 85cm. Không hiểu vì sức đề kháng của cháu yếu hay sao mà cháu rất hay đau, chủ yếu là các bệnh liên quan về hô hấp (viêm họng cấp, viêm thanh quản cấp…). Cháu chưa nói rõ, chỉ nói gió thôi cho nên khi cháu đau em chỉ nhận biết được qua các bệnh lý như: sốt, ho, sổ mũi, thở khò khè, cổ họng có nhiều đờm… Hiện cháu đau hơn 15 ngày rồi (đã đi khám và uống thuốc 10 ngày) mà vẫn chưa bớt. Đi khám ở Kon Tum, bác sĩ phát hiện thêm triệu chứng ở cháu nữa mà đến giờ em vẫn chưa tin được đó là cháu chậm phát triển, khuyên gia đình nên chú ý chăm sóc cháu nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng và phát triển ngôn ngữ vận động cho cháu. Em rất băn khoăn chưa hiểu rõ được bệnh tình của cháu nên em muốn nhờ các bác sĩ có thể tư vấn cho em. Em muốn tới bệnh viện mình khám để hiểu rõ hơn về bệnh tình của cháu thì em có thể tới gặp bác sĩ nào, chuyên khoa nào để có thể hiểu hơn về sự phát triển cũng như tình trạng bệnh bệnh của con em. Em xin chân thành cảm ơn. (Hoàng Yến, 28 tuổi, Phường Duy Tân – Thành Phố Kon Tum)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Bé 21 tháng nhưng cân nặng 13 kg là dấu hiệu của chậm tăng cân. Do vậy, bạn nên chú ý về dinh dưỡng cho bé. Trẻ nhỏ thường hay mắc bệnh về hô hấp, để phòng bệnh này, bạn nên cho trẻ uống đủ nước, tránh những sinh hoạt gây giảm sức đề kháng (như: tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày, sử dụng quạt máy và máy lạnh không đúng cách), khi có điều kiện phải chích ngừa đầy đủ các loại văcxin.

Nếu trẻ đã bệnh hơn 15 ngày thì nên xem lại các sinh hoạt và tham vấn thêm với bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa hô hấp. Có khả năng trẻ bị suyễn nên bệnh hô hấp thường kéo dài.

Còn việc bé chậm phát triển vận động ngôn ngữ theo như đánh giá của bác sĩ ở Kon Tum thì bạn có thể tự kiểm tra như sau: trẻ 21 tháng phải chạy chơi được, nói thành câu. Nếu con bạn không đạt những yếu tố này thì nên khám thêm bác sĩ chuyên khoa về thần kinh nhi để đánh giá mức độ chậm phát triển và có chế độ điều trị, theo dõi thích hợp.

– Thưa bác sĩ, làm sao để nhận biết là các bé đau thật hay giả vờ đau? (Hòa Thu, 35 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Khi trẻ đau thường có toát mồ hôi, tay chân lạnh và biểu hiện mệt mỏi. Đây là biểu hiện đau đớn nhiều. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay. Biểu hiện đau thường ở trẻ là ăn kém, chơi ít hoặc bỏ ăn, bỏ chơi, khóc, lo lắng, ngủ khó, quấy khóc, có rối loạn về cảm xúc, sụt cân. Trẻ nhỏ ít khi giả vờ. Nếu có thì thoáng qua. Trẻ vẫn chơi và vẫn ăn sau khi nói đau là không đáng ngại.

– Thưa bác sĩ, bé nhà em được 28 tháng rất hiếu động thường chạy nhảy và hay bị té. Bé bị té úp mặt xuống, bị dập môi và chảy máu răng và răng hơi bị rung rinh. Em phải làm sao, có nên dẫn bé di khám nha sĩ không, cám ơn bác sĩ nhiều. (Hoang quan, 23 tuổi, 163 thành thái , q10)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Trẻ hiếu động là chuyện bình thường và khả năng bị té cũng thường xuyên xảy ra. Sau khi trẻ té, tùy độ cao và tư thế té, phụ huynh nên hình dung tới khả năng vùng bị chấn thương để có xử trí hợp lý. Nếu trẻ không té cao, không đập đầu thì khả năng chấn thương sọ não là không có.

Trường hợp này, bé dập môi, chảy máu răng thì mẹ nên cầm máu bằng cách dùng băng bông sạch ép chặt nơi vùng chảy máu khoảng 5-10 phút. Nếu thấy răng bị gãy hoặc có nguy cơ gãy thì mẹ nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để bảo tồn răng. Vì theo quan niệm của y học hiện nay, răng gãy ở trẻ em vẫn phải bảo tồn (nếu được), vì nếu mất răng đó thì khả năng bị lệch của 2 răng bênh cạnh là rất cao và gây mất thẩm mỹ cho hàm răng.

live_interview-1408522777_480x0.jpg
Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

– Chào bác sĩ, bé nhà em được 7,5 tháng, bé ngủ võng và bị té xuống đất, bé khóc thét một hồi sau mới nín, em rất lo lắng không biết bé có bị ảnh hưởng gì không. (Thu Huong, 28 tuổi, 58/7 Bùi Thị Xuân , quận Tân Bình)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Đúng là không may cho con bạn, nhưng bạn cũng nên chú ý trẻ sau khi biết lật sẽ rất dễ bị té, chỉ một chút sơ sót là trẻ có thể bị té giường, té võng. Do đó, phụ huynh không nên nghĩ rằng bé không thể té mà bỏ đi làm việc khác rồi mới quay lại. Sau khi té, bé sẽ khóc vì đau và sợ, tuy nhiên cũng có thể bé bình thường, không có chấn thương gì nghiêm trọng. Việc quan trọng là theo dõi sau té bé có ói không, sờ xem vùng đầu có sưng không. Việc theo dõi này phải kéo dài 24 tiếng. Nếu thấy bé ói nhiều, chảy máu mũi, không còn lanh lợi thì nên mang trẻ đến bệnh viện để kiểm tra chấn thương sọ não.

– Con trai tôi được 4 tuổi, dạo gần đây hay kêu đau bụng và ăn ít hơn bình thường, có phải bé nhà tôi bị nhiễm giun không, và bao lâu thì mới cho bé uống thuốc xổ giun lần nữa. (Đào Thị Thắm, 32 tuổi, Trần xuân Soạn, quận 7)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Chào bạn!

Nếu cháu hay kêu đau bụng và ăn ít hơn bình thường, cũng có khả năng cháu bị nhiễm giun, bạn có thể xét nghiệm, soi phân, tìm ký sinh trùng đường ruột và xổ giun cho cháu, sau đó lăp lại liều thứ 2 vào 2 tuần sau để ngừa tái nhiễm và có thể lặp lại liều điều trị sau mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, các trẻ bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) cũng phổ biến. Nên nếu cháu đã xổ giun rồi mà vẫn còn bị đau thì nên đưa cháu đi khám.

– Con trai tôi 3 tuổi nhưng cháu hay kêu bị đau bụng khi gần ăn xong. Có thể nào cháu bị đau bao tử? Có loại xiro hay thuốc nào có thể chữa bệnh này ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Le Bao, 32 tuổi, 74 Lê Văn Sỹ, Quận 3, TP HCM)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Bảo thân mến!

Cháu đã kêu đau bụng khi gần ăn xong có thể biểu hiện là cháu đã no và không muốn ăn nữa. Nếu cháu vẫn lên cân tốt và không kêu đau những lúc khác thì không cần can thiệp. Thuốc chỉ dùng khi thật cần thiết. Bạn có thể làm cho cháu yên tâm bằng cách xoa bụng cho cháu bằng dầu hoặc cho cháu uống nước gừng ấm.

live_interview-1408523830_480x0.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh.

– Bé nhà em bị ngã xuống sàn nhà, em có kiểm tra bên ngoài thì không thấy có vết thương nào, nhưng bé liên tục khóc rất to, em phải làm thế nào, có nên đưa bé đi khám ngay không? Cám ơn bác sĩ (Hoàng Bích Ngọc, 27 tuổi, 271/35D thích quảng đức, quận Phú Nhuận)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ khóc thét, sau đó dừng khóc và không thấy vết thương, không kèm ói hay than nhức đầu thì bạn nên theo dõi con. Khi phát hiện trẻ ói nhiều, nhức đầu, biếng chơi thì bạn cần đưa con đi khám ngay vì có khả năng bị chấn thương sọ não. Hoặc sau đó trẻ yếu, khó vận động, than đau tay, chân hoặc vùng nào khác trên cơ thể thì nên đến khám bác sĩ để phát hiện tổn thương phần mềm hay xương, khớp.

– Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em được gần 8 tháng, dạo gần đây hay quấy khóc đặc biệt vào ban đêm. Trước khi ngủ bé vẫn bú sữa như thường lệ, nên em không biết bé bị đau gì. (Hoa dương, 27 tuổi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Quấy khóc vào ban đêm có thể là một biểu hiện đau ở trẻ. Có thể cháu bị đau tai hoặc đau bụng. Có thể trẻ bị hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, nên quấy khóc về đêm, nhất là trước khi ngủ được bú sữa no. Vì thế bạn nên xem xét cháu ăn uống và chơi như thế nào vào ban ngày. Nếu có biểu hiện bỏ ăn hoặc tiếp tục quấy khóc thì phải đưa bé đi khám.

– Chào bác sĩ, bé gái nhà em được 4 tuổi, hiện đang học mẫu giáo, dạo gần đây bé hay kêu đau đầu, em có sờ đầu bé nhưng không thấy gì lạ, bé ăn ít và uể oải. Em không biết có phải bé muốn gây sự chú ý hay không, em có nên cho bé uống thuốc bổ không. (Tiểu muội, 34 tuổi, 69/123 le van tho, quan go vap)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Khi trẻ nhỏ than đau đầu mà không có chấn thương thì có nhiều khả năng xảy ra:

– Có thể bé bị tật khúc xạ không nhìn rõ và cố gắng nhìn sẽ làm trẻ đau đầu.

– Trẻ ngủ không đủ cũng làm trẻ đau đầu và uể oải

– Nếu trẻ kèm sổ mũi kéo dài nên khám thêm tai mũi họng vì bệnh lý này cũng gây đau đầu

– Cũng có khả năng trẻ không muốn đi học nên than đau đầu

– Nếu trẻ đau đầu ngày càng nhiều kèm nôn ói thì nên đưa trẻ đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý về não.

Bạn có thể cho con uống thuốc bổ nếu thấy tình trạng dinh dưỡng không đủ.

– Bé nhà em được 25 tháng, bé hay có biểu hiện sau mỗi lần sốt là lại ăn không tiêu và đầy bụng. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em, em phải làm thế nào ạ?(vu thi minh, 27 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Chào bạn!

Khi bé sốt, chuyển hóa trong cơ thể cũng thay đổi, ăn khó tiêu hóa hơn, do đó không nên ép ăn lúc trẻ sốt. Chỉ nên ép cháu uống nước nhiều và khi cháu đã bớt sốt hơn thì nên ăn thức ăn lỏng. Từ từ tập ăn đặc dần tùy theo khả năng của cháu.

– Con gái em 6 tuổi, thi thoảng cháu kêu buồn bàn chân tay và cảm thấy tê nhức khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị làm sao ạ (Minh Thư, 34 tuổi, Hà Nội)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Trẻ khoảng 6 tuổi rất khó diễn đạt cảm giác đau mỏi hay tê. Khi bé than buồn bàn chân và cảm giác tê nhức, khó chịu, mẹ nên quan sát thêm bé có vận động bình thường không. Nếu trẻ không có hạn chế vận động, vẫn chạy chơi bình thường thì nhiều khả năng là do đau nhức chân do tăng trưởng ở trẻ đang phát triển. Bạn nên cho trẻ bổ sung thêm sữa vì đây là thời gian trẻ cần dinh dưỡng để phát triển chiều cao.

– Con trai em 5 tuổi, hôm trước con em bị đau bụng vào buổi tối (có vẻ khá đau, gập người đi không được), nhưng trước đó 5 phút cháu vẫn chơi nghịch bình thường, thấy con chỉ đau bụng mà không có thêm biểu hiện gì nên tôi nướng gừng hãm nước ấm cho cháu uống, cháu uống có đỡ đau và ngủ, đến sáng hôm sau thì bình thường không đau nữa,vì vậy tôi không đưa cháu đi khám. Xin hỏi bác sĩ những trường hợp như vậy tôi nên xử lý thế nào cho đúng và như con tôi, có phải cho đến viện kiểm tra nữa không.
Cám ơn bác sĩ!
 (Thanh Hòa, 36 tuổi, Tp HCM)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Trường hợp của con bạn có thể là do nhu động ruột thắt lại, nên làm cho trẻ đau thoáng qua. Việc bạn làm rất tốt cho trẻ vì sẽ làm hệ tiêu hóa ấm lại, giúp nhu động ruột điều hòa hơn. Nếu cháu hết đau thì không cần đi khám lại và để ý xem tình trạng này có tái diễn hoặc phân cháu có bất thường gì không. Nếu có thì bạn nên cho bé đi khám.

– Chào bác sĩ, bé nhà em được 3 tuổi mới bị té u đầu được một ngày, trên trán sưng một cục to, em phải làm gì để giúp bé bớt đau và nhanh hết cục u trên đầu. (Bap Ngo, 32 tuổi, Le quang sung, Q6)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Khi bé bị té u đầu, sưng trán thì việc làm giảm sưng nhanh không quan trọng. Điều nên làm là vệ sinh vùng sưng vì có thể bé bị trầy để tránh nhiễm trùng, sau đó dùng thuốc giảm đau và theo dõi dấu hiệu của tổn thương sọ não như: nôn ói, đau đầu ngày càng tăng, ngủ nhiều, lừ đừ…

live_interview-1408526640_480x0.jpg
Bác sĩ Trương Hữu Khanh

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Sau khi té chắc chắn bé sẽ khóc vì đau, khóc lâu hay mau thì tùy từng bé. Trường hợp con nhà bạn môi vều lên, mũi đỏ lên, nước mũi chảy ra hơi có chút chút màu đỏ của máu là do mũi và hàm trên đập thẳng vào cửa kiếng. Sơ cứu bằng cách chườm đá là đúng nhưng phải bảo đảm đá này sạch để tránh nhiễm trùng về sau. Nếu chảy máu mũi ít thì mẹ không cần phải làm gì ngay nhưng nếu chảy máu mũi nhiều mà không tự cầm được thì nên mang bé đến bác sĩ. Sau đó bé vẫn ngủ ngon giấc, không nôn ói, không than đau đầu thì không đáng lo.

– Bé nhà em bị 2 cái nhọt to trên đỉnh trán phía bên phải và một cái sau mang tai trái. Bác sĩ Khanh cho em hỏi khi bị nhọt như vậy phải làm cách nào, có nên chữa theo dân gian là để nhọt to rồi vỡ, sau đó giã lá táo đắp lên nhọt để hút mủ không? Chữa bằng cách nào thì hiệu nghiệm nhất? Thi thoảng bé có quấy khóc vì đau. (Phạm Thị Thu Hải, 29 tuổi, 118/14 Miếu gò xoài,Q.Bình Tân,HCM)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Nhọt to là tình trạng nhiễm trùng da tới mức gây khối nhọt. Khi mới bắt đầu ửng đỏ vùng da, mẹ nên khám bác sĩ để chỉ định dùng kháng sinh chứ không nên chờ đến hóa nhọt rồi mới xử trí. Nhưng nếu đã lỡ thành nhọt thì mẹ cũng không nên dùng các phương pháp dân gian như đắp lá hút mủ, đặc biệt là nhọt vùng mặt, vì nếu làm không vô trùng có thể sẽ khiến vi trùng tấn công vào não. Cần phải dùng kháng sinh cho những trường hợp đã nổi nhọt. Một số trường hợp kháng sinh không thể làm tiêu nhọt thì cần đến bác sĩ để rạch, tháo mủ, vì làm như vậy sẽ bảo đảm vô trùng, tránh được vi trùng tấn công vào máu.

– Chào bác sĩ, bé nhà em 8 tuổi, học lớp 3, bé thường xuyên kêu đau đầu, xin bác sĩ hướng dẫn giúp, cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Bảo Thu, 33 tuổi, 35/2 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Bé 8 tuổi thường xuyên than đau đầu là có vấn đề. Các khả năng xảy ra:

– Tật khúc xạ, cần quan sát thêm khi trẻ học hoặc xem tivi có phải ngồi gần hoặc dí sát mặt vào bàn không. Nếu có thì khả năng này rất cao. Nên cho bé đi đo thị lực để xác định xem có tật khúc xạ hay không.

– Trẻ có thể đau đầu do chơi game nhiều, thức khuya, xem tivi quá nhiều.

– Trẻ cũng có thể bị viêm xoang gây đau đầu

Cả 3 tình huống này đều phải được phát hiện và điều trị vì đau đầu sẽ làm giảm khả năng giảm học tập của con.

– Theo như tôi biết, dấu hiệu của viêm họng, viêm phổi và viêm màng não ở trẻ khá giống nhau như trẻ sẽ bị sốt, ho, tiêu chảy, nôn ói… Cháu trai nhà tôi 13 tháng tuổi và thường hay bị đau họng, do đó tôi rất lo không biết cháu bị các bệnh nào trong số trên. Xin bác sĩ cho biết làm cách nào để biết trẻ bị viêm màng não và cách phòng bệnh ra sao? (Minh Trang, 28 tuổi, quận 3)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Viêm màng não có đường vào từ những viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng không được điều trị thích đáng. Do đó khi trẻ bị viêm vùng này, bạn nên đưa cháu đi khám. Ở những trẻ có những biểu hiện thần kinh như quấy, khóc thét, sợ hãi, sốt cao, cần phải nghĩ đến hội chứng não màng não. Tốt nhất bạn nên đưa cháu đi khám nếu như sốt không thuyên giảm, có biểu hiện bất thường như trên.

Phòng bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ: bú sữa mẹ ngay từ lúc mới sanh đến 2 tuổi, ăn dặm đúng cách, chích ngừa đầy đủ để có miễn dịch và dinh dưỡng tốt. Chú ý vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Điều trị các bệnh lý về tai – mũi – họng, bệnh về da theo đúng hướng dẫn, không tự tiện dùng kháng sinh, có thể làm mất đi những triệu chứng quý báu ban đầu để chẩn đoán viêm màng não.

live_interview-1408526827_480x0.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh

– Xin chào các bác sĩ, tôi có bé gái năm nay 2 tuổi, 3 ngày qua miệng cháu có hiện tượng bị lở. Gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện Nhi đồng 1 để khám, bác sĩ kết luận là bị tay chân miệng, cần uống thuốc và theo dõi, vì gia đình ở xa, nên 2 ngày sau khi hết thuốc, chúng tôi đến khám tại phòng khám ở Bình Dương (cũng toàn là bác sĩ ở Nhi đồng 1 khám), sau khi khám bác sĩ không cho thuốc và nói rõ, bé có dấu hiệu tay chân miệng nhưng không cần uống thêm thuốc, vì không có thuốc nào uống cho bệnh tay chân miệng, chỉ cần giữ bé sạch sẽ, theo dõi các triệu chứng nóng, sốt, co giật… nếu có thì chuyển ngay đến bệnh viện. Xin cho hỏi bác sĩ khám và tư vấn như vậy có đúng hay không? Chúng tôi rất lo lắng là bé khóc quấy suốt đêm không ngủ, chỉ uống được sữa nhưng rất ít, rất cáu gắt… Theo bác sĩ khám thì nói bé sẽ có hiện tượng này từ 7-10 ngày, tuy nhiên tôi hết sức lo lắng. Rất mong nhận được các tư vấn của bác sĩ. Cám ơn! (Nguyễn Tấn Công, 34 tuổi, Khánh Lộc , Tân Phước Khánh , Tân Uyên, Bình Dương)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Giải thích của bác sĩ về tay chân miệng như trên là đúng vì bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày nếu không có biến chứng. Các thuốc dùng trong tay chân miệng chỉ được chỉ định khi cần giảm đau, hạ sốt hay có kèm bội nhiễm.

Nếu trẻ quấy khóc suốt đêm và uống rất ít sữa có khả năng do đau miệng. Bạn nên cho bé uống sữa đã bỏ trong ngăn mát tủ lạnh thì bé sẽ dễ uống hơn, dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ không có giật mình và không lừ đừ hay quấy khóc tới mức không ngủ được sau khi dùng thuốc giảm đau thì nên đưa bé đến khám lại.

– Con tôi 30 tháng, nặng 12,5 kg, bé ăn hay bị ói, bé hay kêu đau bụng dưới khi nôn, vậy bé có đau bao tử không. Làm cách nào để bé ít bị ói, tôi có cần đi bệnh viện khám không ạ? (Nguyên Thuý Phương, 34 tuổi)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Bé 30 tháng rất khó diễn đạt chính xác là bé đang đau bụng vùng nào. Đau bụng dưới thì không phải đau bao tử vì bao tử thuộc vùng bụng trên. Khi đau có kèm nôn ói thì nên siêu âm bụng để tìm thêm nguyên nhân. Nếu trẻ chưa được tẩy giun thì nên tẩy giun theo định kỳ. Một số trường hợp trẻ bị nhiễm trùng tiểu cũng than đau bụng dưới. Tình huống nhiễm trùng tiểu thường kèm theo đi tiểu lắt nhắt. Muốn biết có bị nhiễm trùng tiểu hay không cần phải đi khám bác sĩ để xác định. Có một số trẻ táo bón, khó đi tiêu cũng làm trẻ đau bụng dưới.

– Thưa bác sĩ, con trai em 10 tháng tuổi, cháu hay khóc đêm, ra nhiều mồ hôi, trằn trọc, khó ngủ. Mong bác sĩ chỉ dẫn giúp. (Đỗ Thị Trang Nhung, 25 tuổi, quận Hải An, Hải Phòng)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Chào Nhung!

Khóc đêm, ra nhiều mồ hôi, trằn trọc, khó ngủ, có thể là những triệu chứng của bệnh còi xương, trào ngược dạ dày thực quản. Nếu cháu có sụt cân hoặc có biểu hiện khác như sốt về chiều thì cần loại trừ bệnh lao sơ nhiễm. Do câu hỏi của bạn thiếu nhiều dữ kiện nên không thể chẩn đoán chính xác được. Tuổi của cháu nên bổ sung thêm vitamin D hoặc phơi nắng cho cháu. Bạn nên đưa cháu đi khám để phát hiện những biểu hiện ban đầu của bệnh lý trên.

– Con trai tôi được 29 tháng, hiện tại bé đang bị sốt và bị lở miệng nên không muốn ăn uống gì, tôi rất lo lắng không biết phải cho bé ăn uống như thế nào? (Thuỳ Vi Trần, 29 tuổi, 76/23 Kha Vạn cân, phường Linh Trung, Thủ Đức)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ đang sốt và có lở miệng thì điều cần làm là xem trẻ có bị tay chân miệng không. Bạn nên xem ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối của con có nổi mụn nước không. Nếu có thì chắc chắn là tay chân miệng.

Nếu là tay chân miệng thì phải có kế hoạch khám và điều trị ít nhất 7 ngày để tránh những biến chứng. Một số trường hợp tay chân miệng cũng chỉ sốt và lở miệng chứ không nổi bóng nước nơi khác. Do vậy, bé này cần đi khám bệnh để loại khỏi tay chân miệng.

Bé không phải bệnh tay chân miệng nhưng lở miệng do nhiễm trùng cũng gây sốt và bỏ ăn nên cho bé ăn nhiều bữa bằng thức ăn lỏng, không nóng, không cay, nhưng tốt nhất là đi khám bác sĩ để có điều trị hợp lý.

– Con gái tôi 8,5m tháng. Cháu bú mẹ hoàn toàn và đã ăn dặm. Khi được 4.5m cháu bị viêm họng. điều trị kháng sinh đủ liều theo toa của bác sĩ. 2 tháng sau cháu lại bị lại. và cũng đã điều trị kháng sinh đủ liều. Hôm nay đúng 2 tháng cháu lại bị lại. Bác sĩ cho tôi hỏi tôi cần làm gì để phòng bệnh cho cháu tốt hơn. Và cứ định kỳ 2 tháng bị 1 lần như vậy có bất thường không. Tôi biết viêm họng là do virus nhưng thấy định kỳ như vậy cũng lo. tôi cho cháu ngủ điều hòa 28 độ, mặc áo quần dài tay nhưng vải thoáng. Cháu sinh mổ. Cảm ơn bác sĩ. (lê thị ánh nguyệt, 30 tuổi, Tân bình)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Để tránh viêm họng cho trẻ, nên cho trẻ uống nước sau khi ăn hoặc bú để tráng miệng. Ngoài ra, bú mẹ, chích ngừa đầy đủ, ăn dặm đúng cách, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhận là những biện pháp phòng ngừa viêm họng. Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên là do virus, không cần dùng kháng sinh. Do đó, bạn nên cẩn thận chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết. Nên mặc quần áo bằng cotton cho trẻ và nhiệt độ phòng vừa phải khi ngủ. Một số trẻ có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản nên sẽ bị viêm họng thường xuyên hơn, do đó phải được chẩn đoán sớm và điều trị để phòng ngừa viêm họng.

Trẻ sanh mổ và không được bú mẹ, bú bình và bú đêm nhiều, thường bị viêm họng hơn nhưng trẻ khác.

– Nhờ bác sĩ tư vấn làm sao nhận biết dấu hiệu đau ruột thừa và đau bụng do rối loạn tiêu hoá.  (Nguyen Thi Mong Thuy, 35 tuổi, 985/5 Âu Cơ, quận Tân Phú)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Muốn biết trẻ đau ruột thừa hay không cần phải khám và theo dõi. Trẻ lớn có thể biết đau vùng hố chậu phải (khu vực bụng gần vùng hông bên phải) liên tục, ấn vào vùng này gây đau nhiều hơn, có thể do đau nên đi lom khom nghiêng về bên phải. Trẻ viêm ruột thừa thường kèm sốt và bỏ ăn trong khi đau bụng do rối loạn tiêu hóa thường đau từng cơn có kèm tiêu chảy hoặc nôn ói. Trẻ nhỏ không biết diễn tả có thể quấy khóc liên tục.

Nếu nghi ngờ viêm ruột thừa thì phải theo dõi sát, nếu đau bụng diễn tiến ngày càng nhiều thì tốt nhất bạn nên đưa con đi khám bác sĩ, thậm chí có thể phải siêu âm để phát hiện viêm ruột thừa vì đây là bệnh cần mổ gấp càng sớm càng tốt.

– Thưa bác sĩ, con em được 4 tháng tuổi nhưng cháu hay đi ngoài phân lỏng ngày 7-8 lần thì liệu bé có phải bị đau bụng không ạ? Bé vẫn lên cân bình thường tháng đầu lên 1,8kg. 2 tháng sau thì bé lên được 2 kg. Hiện tại cháu được 7,4kg cao 75cm? Dấu hiệu như thế nào để nhận biết bé bị đau bụng ạ? (nguyen thi thiep, 25 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Tùy theo bú mẹ hay bú bình mà tính chất phân thay đổi. Nếu cháu đi ngoài 7-8 lần, phân lỏng nước thì bạn nên đi xét nghiệm phân và nên cân cháu mỗi ngày xem có tình trạng mất nước không. Thông thường, trẻ đi tiêu 2-3 lần trong ngày, phân sệt. Ở trẻ bú mẹ, có thể đi 7-8 lần, phân lợn cợn. Nhưng nếu lỏng nhiều nước thì là bất thường.

4 tháng tuổi, 7,4 kg, cao 75 cm là con bạn hơi bị quá chuẩn. Trẻ suy dinh dưỡng và béo phì đều có nhiều nguy cơ biến chứng khi bị tiêu chảy.

Khi bé bị đau bụng, bé sẽ khóc, bỏ bú hoặc nôn ói. Nếu tình trạng phân lỏng nhiều 7-8 lần trong ngày, bạn nên đưa bé đi khám.

– Chào bác sĩ.
Tôi có cháu gái năm nay 6 tuổi. Mấy tháng gần đây cháu rất hay kêu đau bụng, nhất là lúc trong bữa ăn. Trước đây cháu cũng kêu đau, đưa cháu đi khám thì không có vấn đề gì cả. Nhưng gần đây cháu đau liên tục, hỏi cháu đau ở đâu thì cháu ôm phần giữa bụng. Xin bác sĩ cho biết cháu đau như thế liệu có vấn đề gì không?
 (Trần Thị Hồng Hải, 37 tuổi, P211, ngõ 55, Ngụy Như Kon Tun, Thanh Xuân, Hà Nội)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Để xác định nguyên nhân đau bụng qua một vài lần khám là rất khó, ngoại trừ viêm ruột thừa là cần phải phát hiện sớm, do vậy khi đi khám, bác sĩ nói không có vấn đề gì cũng đúng.

Gần đây cháu đau liên tục vùng giữa bụng thì nên siêu âm để tìm thêm nguyên nhân, tuy nhiên có thể siêu âm cũng không thấy được gì. Nếu siêu âm bình thường thì nên xem lại chế độ ăn, có thể bé uống quá nhiều nước trái cây, nước ngọt làm bé đầy bụng rồi gây cảm giác đau, chú ý xem sau khi ăn thức ăn gì làm trẻ đau bụng nhiều hơn thì nên tránh những thức ăn đó. Trẻ táo bón cũng có thể làm đau bụng. Ngoài các nguyên nhân trên, yếu tố tâm lý cũng làm trẻ đau bụng như: sợ đi học, sợ sử dụng nhà vệ sinh ở trường…

– Bé tôi được 7 tháng tuổi, ở cổ hay bị nổi mục có mủ (5 tháng trước đã mổi do bị apxe). Mỗi lần có mủ, tôi dùng kim chích lấy mủ ra. Xin hỏi bác sĩ em có bị bệnh gì không và hướng dẫn tôi cách xử lý. (Trần Tạ Quân, 28 tuổi, Khánh Hòa)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Con bạn bị nhiễm trùng da, nổi nhọt, tái đi tái lại, có thể do tình trạng đổ mồ hôi ở cổ nhiều, vệ sinh tại chỗ chưa đúng. Một số trẻ suy dinh dưỡng hoặc có tình trạng thiếu máu nên thường dễ bị nhiễm trùng ngoài da hơn, nhất là giai đoạn con bạn 7 tháng tuổi là có tình trạng thiếu máu sinh lý, nên phải lưu ý bổ sung chế độ ăn dặm tốt và điều trị nhiễm trùng ngoài da triệt để. Bạn không nên lấy kim chích vì dễ bị nhiễm trùng và không lấy hết được chỗ mủ. Nên đến cơ quan y tế để rạch mủ và dẫn lưu nếu chỗ áp xe rộng. Tránh tình trạng có biến chứng về sau như viêm tái đi tái lại tại chỗ, áp xe hóa, viêm cầu thận…

– Chào bác sĩ. Con em điều trị tại khoa nhiễm- thần kinh BV Nhi đồng 1. Bác vui lòng cho em hỏi vấn đề như sau: con em lúc sinh bị thiếu oxy não, khoảng tuần nay bé bị động kinh, một ngày bị 2 lần vào 2,5h-3,5h khuya và 7h sáng. Kết quả đo điện não cho thấy có bất thường- neurophotan chậm ưu thế sau thái đương trái, nhưng kết quả siêu âm não lại bình thường. Em muốn biết thật ra con em bị bệnh gì, có chữa được không, việc điều trị có dứt điểm được hay không hay bé phải uống thước suốt đời. Xin cảm ơn và chào bác sĩ. (Nguyễn Thị Ngân Bình, 29 tuổi, Tân Thạnh – Tân Hội – Cai Lậy- Tiền Giang)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Thông thường, bé bị bệnh não do thiếu oxy lúc sinh sẽ để lại di chứng về sau. Di chứng nặng nhất là chậm phát triển tâm thần vận động, nếu như vậy trí tuệ và vận động của trẻ sẽ không bằng các bé cùng trang lứa. Một số trường hợp có di chứng động kinh thì sẽ phải điều trị khó khăn và lâu dài.

Theo mô tả của bạn thì con bạn đã bị động kinh, đo điện não thì thấy động kinh vì động kinh là dạng phát sóng, còn siêu âm thì không thể thấy các sóng này. Điều quan trọng hiện nay là bé này cần phải được theo dõi và điều trị lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ, trong đó việc uống thuốc động kinh phải đúng liều, tăng hay giảm tùy theo diễn tiến của bệnh. Bên cạnh đó, việc tập vật lý trị liệu để giảm tối đa các di chứng từ nhỏ là rất quan trọng.

– Bé nhà em đang mọc răng, và thường bé bị sốt, mệt trong người. Tôi phải làm gì để giúp bé bớt đau. (Dương Hoàng Yến, 28 tuổi, Biên Hòa, Đồng nai)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh:

Khi trẻ mọc răng thường bị sốt và mệt trong người, bạn có thể cho trẻ uống nhiều nước, uống thêm trái cây, không được ép trẻ ăn. Nếu trẻ muốn ăn, bạn nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, từ từ tăng dần. Bạn có thể cho thêm thuốc giảm đau để trẻ bớt đau và có thể thoa trên nướu những thuốc bôi giảm đau tại chỗ. Nên lưu ý không để trẻ bị lạnh hoặc bị nóng quá hay cho trẻ đi chơi nhiều trong lúc đang mọc răng.

Bạn có thể giải thích với cháu về việc mọc răng hoặc có thể làm cháu giảm đau bằng cách cho cháu tập trung vào đồ chơi hoặc ru hát cho cháu, kể chuyện cho cháu. Đó cũng là những biện pháp làm giảm đau cho trẻ nhỏ.

VnExpress

One thought on “Cách nhận biết và xử lý đau ở trẻ em

Leave a Reply

Or