Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi

Viêm phổi là bệnh đường hô hấp rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trong thời điểm thời tiết chuyển lạnh như hiện nay.

bé bị viêm phổi

 Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do vi khuẩn và virus hoặc do những nguyên nhân chủ quan như bố mẹ cho bé tắm quá lâu, bé bị nhiễm lạnh do thời tiết,… Làm thế nào để nhận biết và kịp thời chữa trị cho bé cũng như chăm sóc cho bé trong giai đoạn này như thế nào cho đúng? BSnhi sẽ cùng mẹ tìm lời giải cho những vấn đề này qua bài viết này nhé!

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi

Khi phát hiện thấy các dấu hiệu bé bị viêm phổi, mẹ cần cho bé đến cơ sở y tế để được khám và chữa trị một cách kịp thời và đúng cách. Tuyệt đối không được tùy tiện dùng các loại thuốc hạ sốt, cắt cơn ho, hoặc kháng sinh cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ, mẹ nhé! Mẹ có thể tham khảo các dấu hiệu cụ thể của 2 trường hợp viêm phổi như dưới đây:

Viêm phổi do vi khuẩn

Thường do các chủng vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae gây ra, với triệu chứng tiêu biểu và đột ngột như:

– Sốt cao

– Thở gấp

– Ho

– Nôn/ trớ

– Tiêu chảy

– Một số biểu hiện hiếm gặp là cứng cổ, đau bụng

Viêm phổi do virus

Viêm phổi do nguyên nhân này có các dấu hiệu giống như cảm lạnh, chúng diễn tiến chậm rãi nhưng thường có nguy cơ trở nặng. Các dấu hiệu chính là:

– Sốt cao: 38, 39⁰C

– Ho nặng

– Khò khè, khó thở

– Thở gấp

– Nôn/ trớ

– Tiêu chảy

2. Chăm sóc cho bé thế nào

Giữ ấm cho bé

Mẹ cần giữ ấm cho bé bằng cách cho bé mặc quần áo ấm, dài tay nhưng vẫn đảm bảo thấm hút mồ hôi và thoáng khí. Vì quần áo quá kín có thể làm mồ hôi thấm ngược khiến tình trạng của bé tệ hơn. Ngoài ra, mẹ cũng cần điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp với tình trạng của bé, tránh gió lùa mà vẫn không quá ngộp. Lưu ý cuối cùng là mẹ không cho bé uống dầu gió để giữ ấm bởi dầu có thể làm bé bị phỏng và tổn thương vùng họng, thực quản.

Vệ sinh cho bé bị viêm phổi

Mẹ cần vệ sinh mũi và họng của bé để làm sạch phần đàm, nhớt (nếu có) bằng các dung dịch nước muối sinh lý và dụng cụ bơm hút mũi. Mẹ không nên dùng miệng để hút cho bé, vì vi khuẩn từ miệng người lớn có thể lây sang và gây hậu quả xấu cho bé.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần duy trì tắm cho bé kể cả khi bé bị viêm phổi. Vì tắm có thể giúp bé bị sốt cần giải tỏa nhiệt lượng trong cơ thể và qua đó hạ sốt nhanh hơn. Để tắm cho bé đang bị bệnh, mẹ cần thực hiện các bước sau:

– Chuẩn bị phòng tắm kín gió, có thể xịt nước trong phòng trước để tăng nhiệt độ vả ẩm độ trước khi cho bé vào.

– Tắm cho bé sạch và nhanh, không cho bé ngâm mình.

– Lau người bé với khăn bông, có thể ủ ấm khăn trước khi quấn cho bé.

Trường hợp thời tiết quá lạnh, bé quá yếu không thể tắm, mẹ có thể dùng khăn lau người cho bé. Mẹ cũng có thể tham vấn ý kiến bác sĩ để được tư vấn về việc này tùy theo thể trạng cụ thể của bé.

3. Chế độ dinh dưỡng cho bé bị viêm phổi

Những cử ăn hàng ngày

Mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vì sữa mẹ chứa nguồn dinh dưỡng và chất đề kháng cần thiết. Chế độ ăn của mẹ trong giai đoạn này cũng cần được chú ý đầu tư thêm các chất dinh dưỡng, vi chất để tăng sức đề kháng cho bé.

Với các bé lớn hơn, có thể ăn bột, cháo, cơm, mẹ cần chú ý một vài điểm sau khi chăm sóc dinh dưỡng cho bé:

– Không nên kiêng cữ, vì bé cần dưỡng chất và năng lượng để “chống lại” bệnh tật và hồi phục sức khỏe.

– Duy trì đầy đủ chất dinh dưỡng cả bốn nhóm: chất đạm, đường, chất béo và các vitamin.

– Cho bé ăn thức ăn loãng, uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho.

– Bổ sung thêm trái cây và rau quả, vì đây là nguồn cung cấp hàng đầu các chất vitamin và các chất kháng khuẩn tự nhiên.

– Bổ sung các loại bột từ ngũ cốc nguyên hạt vì chúng cũng cung cấp dồi dào các vitamin nhóm B, selen,… tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.

– Bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như các loại cá dầu cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

Dinh dưỡng bên ngoài

Khi bé bị bệnh, mẹ cần bổ sung các loại dưỡng chất cũng như vi chất cần thiết cho hệ miễn dịch của bé. Tuy nhiên, những chất này nếu chỉ hấp thu qua thực phẩm hàng ngày có thể không đủ cho quá trình hồi phục của bé. Do đó, mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cần thiết đúng cách và hợp lý, mẹ nhé!

Với những cơn mưa kéo dài, thời tiết này dễ dàng “đánh bại” sức đề kháng non yếu của bé yêu. Chính vì vậy, mẹ cần thực hiện các biện pháp “phòng bệnh” như giữ ấm cho bé, tránh cho bé đi mưa hoặc tắm quá lâu,… Đồng thời, hỗ trợ hệ miễn dịch của bé với các thực phẩm và vi chất thích hợp. Ngoài ra, một số loại viêm phổi đã có thuốc ngừa, thế nên mẹ cần theo dõi lịch tiêm chủng và cho bé tiêm đầy đủ các loại vac-xin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Chúc bé khỏe, mẹ vui ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or