Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị
Bệnh quai bị âm thầm diễn ra và thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Nếu người bệnh lơ là, chủ quan và không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nặng nề.
Thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi thuộc nhóm paramyxovirus gây ra. Siêu vi gây bệnh quai bị có ái tính đặc biệt với hệ thống thần kinh, tuyến nước bọt, tinh hoàn, buồng trứng, tụy và có thể gây viêm màng não. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi. Dịch quai bị thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè. Đường lây lan chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân khi ho hay hắt hơi. Thời gian ủ bệnh là từ 17 – 28 ngày.
Trong giai đoạn đầu mới nhiễm, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, sợ gió, nhức đầu và đau vùng trước tai. Sau đó một bên tuyến mang tai bắt đầu sưng lên, rồi 2 – 3 ngày hôm sau lan sang bên còn lại. Vùng da chỗ sưng đau không tấy đỏ và không hoá mủ mà chỉ hơi bóng lên, ấn không lún. Họng bệnh nhân hơi đỏ, lỗ ống Stenon ở mặt trong niêm mạc má bị sưng lên. Các tuyến nước bọt khác cũng có thể có viêm. Bệnh nhân có thể bị sốt cao (39 – 400C) trong 3 – 4 ngày, đau khi ăn. Lúc đầu, bệnh nhân có biểu hiện chảy nước bọt do đau nhưng sau đó sẽ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.
Có thể gây biến chứng nguy hiểm
Bệnh quai bị không chỉ gây lo ngại cho cộng đồng vì khả năng lây lan cao mà còn vì những biến chứng nguy hiểm có thể gặp như viêm màng não (chiếm 10 – 35% trường hợp mắc bệnh), viêm não (chiếm 0,5%), tổn thương thần kinh sọ não (điếc, mù, viêm tủy sống cắt ngang…), viêm tụy cấp (3 – 7%). Các biến chứng khác ít gặp hơn như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm gan, viêm đường hô hấp dưới, viêm cầu thận cấp, viêm đa khớp, xuất huyết giảm tiểu cầu, biến chứng ở hệ sinh dục.
Điều quan trọng nhất là viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, chiếm khoảng 20 – 30% trường hợp mắc bệnh. Viêm tinh hoàn xảy ra sau khi viêm tuyến mang tai 7 – 10 ngày. Bệnh nhân sốt cao, lạnh run, tinh hoàn sưng to, đau, đỏ 1 hoặc 2 bên. Bệnh kéo dài 7 – 10 ngày. Khoảng 30 – 40% trường hợp viêm tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn sau 2 – 4 tháng và dẫn đến vô sinh. Viêm buồng trứng, chiếm khoảng 7% trường hợp nhưng rất hiếm khi xảy ra vô sinh.
Khi trẻ bị quai bị nên cho nằm nghỉ trong suốt thời gian còn sốt và sưng để tránh gây tổn thương tuyến sinh dục. Vệ sinh miệng bằng nước muối ấm hoặc nước sát trùng miệng, cho bệnh nhân ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu nuốt khó), có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, an thần nhẹ. Không đắp cao dán, không chườm nước nóng, nếu có viêm tinh hoàn, phải nằm yên, mặc quần sịp cho trẻ để nâng tinh hoàn cho khỏi bị sa xuống và cho uống thuốc chống viêm giảm đau theo y lệnh của bác sĩ. Cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện biến chứng. Cần cách ly bệnh nhân cho đến khi khỏi hẳn.
Hiện nay, quai bị có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm ngừa văcxin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella) khi trẻ được 12 tháng và nhắc lại khi trẻ được 4 – 6 tuổi.
BS Dư Minh Trí (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM)
Theo Kienthuc.net.vn