Bé nói lắp, bố mẹ nên làm thế nào?

Mỗi người làm bố mẹ đều trông ngóng đến lúc bé con nhà mình bập bẹ tập nói. Khi mới tập nói, bé nào cũng ngọng líu ngọng lô, lắp bắp một chút nghe thật dễ thương. Nhưng sau một thời gian rồi mà một từ hay một câu con vẫn phải lặp lại mấy lần mới xong thì mẹ cũng hơi ngại, tuy rằng tình trạng này dường như không phải là hiếm gặp ở trẻ nhỏ.

Nói lắp được định nghĩa là tình trạng âm thanh nói ra thường xuyên bị ngắt quãng, lặp lại âm, kéo dài âm hoặc dùng rất nhiều từ đệm (à…, ờ…, ừm…) chen vào giữa các từ trong câu. Trong đầu của một đứa trẻ luôn có rất nhiều câu hỏi, rất nhiều ý nghĩ thoắt đến rồi đi; khi tập biến những suy nghĩ của mình thành lời nói, bé sẽ dễ phạm phải sai lầm, nhất là khi bé mệt, buồn hoặc đang phấn khích… bạn sẽ thấy con rất dễ nói lắp. Tình trạng này là hoàn toàn bình thường và sẽ tự hết mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào.

Các chuyên gia cho biết: “Cứ khoảng 5 đứa trẻ thì có 1 bé bị nói lắp vào lúc nào đó trong đời, và cứ 20 bé thì có 1 bé bị nói lắp kéo dài hơn 6 tháng”. Nếu trong gia đình có người từng nói lắp, khả năng đứa trẻ nói lắp cũng cao hơn; các bé trai nói lắp nhiều hơn bé gái; những bé bị các rối loạn về phát âm và ngôn ngữ khác, chẳng hạn như nói ngọng, cũng thường bị nói lắp hơn… Độ tuổi của bé cũng là một yếu tố liên quan, nhiều đứa bé bị nói lắp nhiều trong giai đoạn tập nói nên các chuyên gia khuyên bạn hãy kiên nhẫn chờ đến khi con qua 3 tuổi hẵng nghĩ đến việc can thiệp. Và bạn hãy lưu ý rằng điều này hoàn toàn không có liên quan gì đếntrí thông minh của bé hay khả năng làm bố mẹ tốt.


(Ảnh: Internet)


Bố mẹ cần làm gì khi con nói lắp?

Nếu bạn nghe con nói lắp, hãy cố gắng kiềm chế việc chỉnh sửa phát âm của con, nói nốt câu giúp con, hoặc nhắc nhở kiểu như “nói chậm lại nào,” “hít thở nào,” “con nói lại xem nào…”. Bạn có thể có ý tốt nhưng việc này có thể sẽ chỉ khiến bé căng thẳng hơn, kéo theo càng nói lắp nhiều hơn. Thay vào đó, hãy:

– Kiên nhẫn đợi con tự hoàn thành câu nói của mình, để bé biết kể cả khi nói lắp thì bé vẫn có thể giao tiếp với mọi người. Trẻ con (và cả người lớn) thường dễ nói lắp khi tâm trạng không ổn định (có thể là quá căng thẳng hay quá vui), hãy để bé tự nhiên, bé sẽ nói lại bình thường khi tâm trạng cũng đã dịu đi.

– Bình tĩnh nói chuyện lại với con bằng giọng chậm rãi, biểu hiện thoải mái, vì nếu bạn bị nói nhanh, bé cũng sẽ tiếp tục bị cuốn theo. Đừng để con thấy việc nói lắp của bé khiến bạn phiền hay lo lắng, vì điều đó không có ích gì cả;

– Dành thời gian cùng con đọc thơ, hát những bài đơn giản để giúp bé cải thiện phát âm và khả năng ăn nói;

Tuy nhiên bên cạnh cũng có những trường hợp phải lo lắng hơn. Chẳng hạn như nếu đứa trẻ nói lắp đi cùng với những chuyển động bất thường của cơ mặt và cơ thể thì đó có thể là dấu hiệu của những bất thường nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như hội chứng Tourette (Tourette Syndrome – là chứng rối loạn thuộc hệ thần kinh thường khởi phát nhất trong hạn từ 2 đến 21 tuổi và kéo dài suốt đời) cần được khám và điều trị. Nếu thấy con bị nói lắp nhiều, không cải thiện sau 3-6 tháng thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Bạn cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn nếu con bị ảnh hưởng bởi tình trạng của mình, trở nên kém tự tin, lầm lì, ít nói đi.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or