Bé nói gì với mẹ qua ngôn ngữ cơ thể?

Các chuyên gia tâm lý cho rằng ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 70 % của hệ thống giao tiếp, trong khi đó ngôn ngữ nói chỉ chiếm có 30% mà thôi.

Trước khi bé học nói, bé vẫn chưa thể truyền đạt toàn bộ ý muốn của mình với người lớn, bé chỉ có thể dùng nét mặt để biểu cảm hoặc nhửng cử chỉ của cơ thể để nói cho người lớn biết bé muốn gì.

Đối với các bậc cha mẹ, việc có thể hiểu được hoàn toàn mong muốn của bé qua ngôn ngữ cơ thể là rất khó khăn. Những điều mà các ông bố bà mẹ mang lại thường không đúng với mong muốn của bé, chính vì vậy mà bé hay quấy khóc. Bởi vậy, việc hiểu những thông điệp mà bé mang lại sẽ giúp các bậc phụ huynh mang đến cho con mình sự chăm sóc tốt nhất.

Bé mút ngón tay

Mút ngón tay được các chuyên gia tâm lý cho là “hành vi an ủi”, hành vi này nói rằng bé đang rất căng thẳng và muốn được bố mẹ chú ý hơn. Thông thường, bé chỉ mút ngón tay trong thời kỳ bú sữa mẹ, đây là một hành động bản năng. Nếu như một đứa bé bình thường hàng ngày không mút ngón tay, nhưng thời gian gần đây bạn lại thấy bé mút ngón tay, như vậy rất có thể là bé muốn được quan tâm nhiều hơn.

Lúc này, các ông bố bà mẹ nên bế bé lên và vỗ về để bé cảm thấy mình được yêu thương.

Bé dụi hoặc che mắt

Có nghĩa là: Bé đang cố gắng kéo bạn cùng chơi với bé. Hành động dụi mắt của bé khiến bạn phải chú ý và đó chính là “âm mưu” của bé đấy. Nhưng bé cũng dụi mắt khi mắt bị khô, có bụi vào mắt hoặc bé đang cảm thấy buồn ngủ.

Phản ứng của bạn: Nếu bé thích bạn chơi cùng, hãy cùng chơi với bé. Còn nếu bé dụi mắt vì mắt bị khô và ngứa bụi thì bạn phải nhẹ nhàng nâng đầu và kiểm tra mắt cho bé. Còn nếu bé đang buồn ngủ thì chẳng có cơ gì bạn không đọc cho bé nghe một câu chuyện ngắn hoặc hát ru nhẹ nhàng. Bé sẽ chìm ngay vào giấc ngủ và quên đi hành động dụi mắt.

Hoạt động chân nhiều hơn

Khi cho bé ăn hoặc chơi với bé, bạn nhận thấy chân của bé hoạt động nhiều hơn và có xu hướng muốn đi ra phía cửa. Điều này cho thấy rằng bé muốn ra ngoài và chơi đùa. Lúc này, bạn có thể nói với bé rằng hãy ăn hết chỗ thức ăn này thì có thể đi chơi.

Khi thấy đôi chân của bé hoạt động nhiều hơn và muốn nhảy lên, chứng tỏ bé đang rất phấn khích hoặc vui mừng. Điều này thể hiện rất rõ các trạng thái tâm lý của trẻ. Bạn có thể nói với bé rằng “con có thể cho mẹ biết con vui điều gì không?”. Lúc này dù bé chưa biết nói nhưng bé sẽ cảm nhận được rằng bạn hiểu bé.

Tóm lại, nếu như hiểu được ngôn ngữ cơ thể của bé thì chúng ta sẽ hiểu được đời sống nội tâm của trẻ và dễ dàng mang lại cho trẻ sự quan tâm tốt nhất.

 (theo aFamily)

Leave a Reply

Or