Bé đã sẵn sàng ăn thô theo phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning (BLW)?

Liệu bé của mẹ đã sẵn sàng để ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) chưa? Phương pháp ăn dặm BLW mang lại cho bé nhiều lợi ích.

Tác dụng của phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW

Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW giúp bé ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, bé ăn theo bản năng khi đã sẵn sàng. Bé khám phá thức ăn theo nhịp độ riêng của mình, bé sử dụng tay và miệng theo bản năng để tìm hiểu về mọi loại vật thể, bao gồm cả thức ăn.

BLW giúp bé học cách tận hưởng và tin tưởng thức ăn, bé biết khám phá những vị khác biệt, học cách nhận biết thức ăn, giảm các yếu tố nghi ngờ và xây dựng thú vui ăn uống lâu dài.

BLW giúp bé học cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng và độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu trên nguyên tắc tự xử lý và đưa vào miệng. Bé sẽ trở nên khéo léo khi tiếp cận nhiều loại thức ăn. Bé học được cách dùng lưỡi điều khiển thức ăn trong miệng và biết mình có thể đưa vào bao nhiêu là an toàn. Bé sẽ biết cách cắn thành miếng nhỏ để nhai. So với phương pháp ăn dặm khác, những em bé lớn hơn đã quen với việc được đút muỗng thường nhét quá đầy vào miệng khi lần đầu tiên được phép tự ăn. Việc học nhai hiệu quả tạo điều kiện cho bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và cũng hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa của bé. Tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết khi bé học nói.

BLW còn giúp bé tìm hiểu thế giới qua các khái niệm ít, nhiều, kích cỡ, hình dạng, độ nặng, độ thô mịn… chỉ bằng cách “chơi” với thức ăn của mình.

BLW giúp bé phát triển khả năng tiếp cận qua việc để bé tập điều phối tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Bên cạnh đó, việc mẹ thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ và độ thô mịn khác nhau hàng ngày sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.

BLW giúp bé được tham gia bữa ăn gia đình, tạo niềm vui cho bé qua việc bắt chước hành vi người lớn, cách chia sẻ và cách giao tiếp.

BLW giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, điều này đòi hỏi ba mẹ phải có chế độ ăn uống khoa học để ảnh hưởng tốt đến bé ngay từ giai đoạn này.

BLW giúp ba mẹ chuẩn bị bữa ăn dễ dàng và đơn giản, đặc biệt công cuộc cho con ăn cũng vô cùng nhẹ nhàng và thú vị.

Ảnh minh họa: yummity

Những tín hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm theo phương pháp BLW

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách đáng tin cậy nhất để chứng minh rằng bé đã sẵn sàng ăn dặm chính là sự quan sát tổng thể các dấu hiệu xuất hiện cùng lúc với những thay đổi quan trọng của cơ thể bé để có thể đương đầu với thức ăn thô. Đó chính là sự phát triển của hệ miễn dịch và hệ tiêu hoá, sự tăng trưởng và phát triển của khoang miệng. Đó là khi bé có thể ngồi mà không cần hoặc có thêm chút xíu trợ giúp thôi hay là khi bé có thể giơ tay với, chộp đồ vật rồi đưa nó lên miệng nhanh và chính xác hoặc là khi bé có thể gặm đồ chơi và có các động tác như nhai chúng, tự nhét thức ăn vào miệng…

Tổ chức Y tế Thế giới khuyên rằng tất cả các bé nên được ăn sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi tròn 6 tháng, sau tuổi này thì nên cho bé tập ăn thức ăn thô.

Những tín hiệu cho thấy bé chưa sẵn sàng

Có 7 tín hiệu cho thấy bé chưa sẵn sàng cho quá trình ăn dặm:

– Thức dậy vào ban đêm: Nhiều bậc cha mẹ muốn bắt đầu cho con ăn dặm sớm với hy vọng sẽ giúp các con ngủ trọn đêm. Họ cho rằng con thức dậy vì đói, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính xác. Nếu bé thực sự đói, các bé dưới 6 tháng cần được ăn sữa chứ không phải thức ăn thô.

– Cân nặng tăng chậm: Đây là lý do phổ biến khiến cha mẹ được khuyên nên cho bé ăn dặm sớm, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng chậm tăng cân thường diễn ra vào khoảng 4 tháng tuổi, đó là điều bình thường, đặc biệt đối với các bé ăn sữa mẹ.

– Quan sát cha mẹ ăn: Từ khoảng 4 tháng, các bé bị mê hoặc bởi các hoạt động hàng ngày của gia đình, như mặc quần áo, cạo râu, đánh răng và ăn. Nhưng chúng không hiểu những điều đó nghĩa là gì – chúng chỉ tò mò mà thôi.

– Gây ra tiếng đánh lưỡi: Những bé đang học cách sử dụng miệng rất hứng thú thực hành những kỹ năng này, bé hào hứng học nói cũng nhiều như học ăn vậy. Một phần trong bé cũng đang dần chuẩn bị sớm cho việc tiếp nhận thức ăn thô, nhưng điều đó không có nghĩa là bé đã sẵn sàng mẹ nhé.

– Không ngủ ngay sau khi ăn sữa: Các bé khoảng 4 tháng tuổi cảnh giác và tỉnh táo hơn các bé nhỏ; chúng đơn giản là không cần ngủ nhiều như trước nữa.

– Bé thể hình nhỏ: Khi các bé có thể hình nhỏ có nghĩa bẩm sinh bé nhỏ nhắn, hoặc là bé cần nhiều dưỡng chất hơn. Nhưng nếu bé dưới 6 tháng tuổi, cái bé cần để lớn lên là sữa chứ không phải đồ ăn thô.

– Bé có thể hình to: Những bé sinh ra đã to (hoặc tăng cân rất nhanh) không cần đến thức ăn ngoài. Bé to do gen di truyền, hoặc bé được cho ăn nhiều sữa hơn nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, hệ tiêu hoá và sức đề kháng của các bé không hề trưởng thành hơn bất kỳ em bé nào khác, do đó sức khoẻ của bé cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu được cho ăn dặm trước 6 tháng tuổi.

 Theo ebe

Leave a Reply

Or