Bé bị sốt tay chân lạnh: Xử sao cho đúng?

Thay vì cơ thể nóng hổi, nhiều bé bị sốt nhưng tay chân lạnh ngắt làm mẹ lo lắng không biết xử lý sao cho đúng. Chăm sóc bé bị sốt tay chân lạnh như thế nào? Mẹ tham khảo bài viết sau nhé!

Không phải tất cả trường hợp trẻ bị sốt đều đáng lo. Sốt đôi khi chỉ là biểu hiện của cơ thể đang chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi có tác nhân lạ xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của bé sẽ ngay lập tức tạo ra các kháng thể nhằm ngăn cản sự xâm nhập này. Đồng thời, trung tâm điều khiển nhiệt của hệ thần kinh trung ương sẽ ra một tín hiệu cho cơ thể giải thoát nhiệt ra ngoài bằng phản ứng sốt.

Nhiều trường hợp trẻ sốt cao nhưng bàn chân, tay lạnh cóng. Sợ con bị lạnh, mẹ cố gắng trùm thêm nhiều chăn cho bé để giữ ấm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách làm này chẳng những không giúp bé khỏe hơn mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe bé cưng, làm bệnh thêm nghiêm trọng hơn.

Mẹ phải xử sao trong trường hợp bé bị sốt tay chân lạnh? Nếu vẫn còn băn khoăn về vấn đề này, tham khảo ngay bài viết sau của MarryBaby mẹ nhé!

Bé bị sốt tay chân lạnh: Xử sao mới đúng?

Dù tay chân bé bị lạnh, nhưng mẹ cũng không nên trùm kín chăn cho bé

Vì sao bé sốt cao nhưng tay chân lạnh?

Đa phần những trường hợp bé bị sốt cao đều do sự tấn công của các loại vi-rút, vi khuẩn gây bệnh như: thuỷ đậu, siêu vi gây bệnh cúm, sốt xuất huyết, chân tay miệng… Một số trẻ cũng sốt do mọc răng, cảm nắng hoặc sốt sau khi tiêm phòng.

Ngoài những triệu chứng thông thường của một cơn sốt như: lừ đừ, thiếu lực, ra mồ hôi nhiều, quấy khóc, nóng ở vùng trán, nách, bụng…, mẹ sẽ nhận thấy tay chân trẻ lạnh toát trong một số trường hợp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân bé bị sốt tay chân lạnh là do vi-rút đã tấn công vào mao mạch, gây rối loạn vận động mạch, dẫn đến hạ nhiệt độ tứ chi.

Chăm sóc bé bị sốt tay chân lạnh, mẹ cần lưu ý gì?

Những trường hợp trẻ sốt dưới 38 độ C, mẹ không nên lo lắng quá và cũng không cần sử dụng thuốc hạ sốt. Đây chỉ là cách cơ thể phản ứng nhằm tạo ra các kháng thể giúp ngăn cản các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể. Mẹ chỉ cần giữ cho cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát bằng cách lấy khăn ấm lau khắp cơ thể và cho bé uống nhiều nước hơn. Đồng thời, mẹ nên kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý và luôn theo dõi thân nhiệt cho trẻ.

Đối với những bé sốt cao (trên 38 độ), ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi và tiến hành các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân khiến bé bị sốt chân tay lạnh. Sau khi có được chuẩn đoán chính xác từ bác sĩ, các mẹ cần giữ cho cơ thể bé thoáng mát với những bộ quần áo hút mồ hôi tốt. Mẹ cũng có thể dùng khăn ấm pha một chút chanh và muối rồi lau phần bẹn, nách, gan, bàn tay, bàn chân cho trẻ để giữ ấm phần tay chân.


Lưu ý: Mẹ không nên cho bé mặc quần áo quá dày, hoặc dùng chăn mền ủ bé kỹ. Bé tiết mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể, từ đó dẫn đến các vấn đề hô hấp. Hơn nữa, việc đắp chăn dày cũng có thể làm thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn gây nguy hiểm.

Thực đơn dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này cần ưu tiên thực phẩm mềm và lỏng để giúp trẻ dễ tiêu hoá. Để tăng sức đề kháng, các bác sĩ khuyên bạn vẫn nên duy trì cho bé ăn đầy đủ chất như đạm, tinh bột, béo và đường. Đồng thời, lượng thức ăn mỗi bữa cho bé nên ít và chia thành nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng con yêu bị đầy bụng, khó chịu. Ngoài ra, mẹ cũng nên tăng cường bổ sung nước cho bé. Với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng thêm cữ bú và cho con bú mỗi lần nhiều hơn.

Trong một số trường hợp, bé bị sốt tay chân lạnh có thể là dấu hiệu của viêm màng não. Mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra ngay nếu bé có những triệu chứng sau: sốt, co giật, biếng ăn, da xanh tái, mệt mỏi. Viêm màng não nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

Leave a Reply

Or