Bé 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống, bác sĩ cảnh báo “Hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để ngắm con một cách cẩn thận!”

Một số cha mẹ để mặc con tự ngồi xem tivi, điện thoại, ngồi học sai tư thế mà không nắn chỉnh nên bé đã bị cong vẹo cột sống lúc nào không hay.

“Hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để ngắm con một cách cẩn thận!”, đó là lời cảnh báo của bác sĩ Vũ Thành Luân (bác sĩ thể thao, hiện đang công tác tại CLB Bóng đá Hà Nội) sau khi thăm khám và điều trị cho 2 bé mới chỉ 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống vì tư thế sinh hoạt sai.

Bác sĩ Vũ Thành Luân chia sẻ, bé trai được cha mẹ tình cờ phát hiện khi thấy con có thói quen ngồi nhìn lệch hướng sang phải, còn bé gái được phát hiện khi qua nhà bác sĩ chơi thấy con bị lệch vai và nhìn lệch phải. Cả hai đã được bác sĩ chỉ định chụp X-quang kiểm tra cột sống cổ thì có kết quả như sau: Cong vẹo cột sống độ I.

Bé 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống, bác sĩ cảnh báo "Hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để ngắm con một cách cẩn thận!" - Ảnh 1.
Bé trai có thói quen ngồi nhìn lệch hướng sang phải (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Nguyên nhân trẻ bị cong vẹo cột sống

Rất nhiều người ngạc nhiên khi trẻ mới 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống. Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của con người, nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong về bên trái hoặc bên phải hoặc phía trước, phía sau do không còn giữa được các đoạn cong sinh lý như bình thường.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị cong vẹo cột sống, trong đó tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học bị cong vẹo cột sống khá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng đáng chú ý nhất là do thói quen ngồi, thói quen sinh hoạt sai tư thế của trẻ, chẳng hạn như:

– Do thói quen ngồi, sinh hoạt, xem điện thoại, học bài không đúng tư thế.

– Thiếu canxi.

– Bệnh lý xương khớp như còi xương, suy dinh dưỡng, loãng xương.

– Tập ngồi, tập đi quá sớm.

Bé 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống, bác sĩ cảnh báo "Hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để ngắm con một cách cẩn thận!" - Ảnh 3.
Bé gái bị lệch vai và nhìn lệch phải (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Đáng lo ngại nhất của tình trạng này là nếu không chữa trị kịp thời, nó có thể biến chứng thành cong vẹo độ II, III, cong vẹo cột sống ngực, cột sống thắt lưng, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi…

Cách kiểm tra xem con có bị cong vẹo cột sống không

Giai đoạn ban đầu, trẻ bị cong vẹo cột sống thường không có biểu hiện gì về cảm giác đau mỏi, do vậy việc cha mẹ chú ý và phát hiện các biểu hiện bất thường là rất quan trọng, điều này quyết định đến việc mức độ cong vẹo cũng như thời gian điều trị nhanh hay chậm. Vì thế, các bố mẹ hãy dành chút thời gian để ngắm con mình một cách cẩn thận để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể mắt thường nhìn thấy như nhìn lệch, ngồi vẹo, vai lệch, cổ áo không cân…

Bé 4 tuổi đã bị cong vẹo cột sống, bác sĩ cảnh báo "Hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để ngắm con một cách cẩn thận!" - Ảnh 4.

Bác sĩ Vũ Thành Luân hướng dẫn bố mẹ cách kiểm tra tư thế của con như sau:

Cho con mặc quần ngắn, cởi áo, tư thế hai chân đứng hình chữ V, hai tay buông lỏng, mắt nhìn thẳng. 

Bố mẹ ngồi phía trước quan sát các điểm để so sánh:

– Hai vai có bằng nhau không?
– Hai tai có bằng nhau so với hai vai không?
– Mắt có nhìn thẳng hay lệch trái hoặc phải không?
– Nhân trung – cằm và xương ức có thẳng hàng không?

Ngồi phía sau con quan sát:

– Cột sống lưng và cổ có thẳng hay không?
– Hai xương bả vai có bằng nhau không?

Ngồi sang trái hoặc phải quan sát:

– Tai và vai có nằm trên một đường thẳng hay không?

Nếu có các dấu hiệu bất thường thì cha mẹ nên cho con đi khám chuyên khoa sớm nhất có thể. Trong trường hợp bị cong vẹo cột sống, trẻ cần phải điều chỉnh tư thế ngồi, sinh hoạt kết hợp với điều trị bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng; trường hợp nặng có thể phải can thiệp phẫu thuật.

Theo Báo dân sinh

Leave a Reply

Or