Bé 4 tuổi bỏng nước sôi bị sẹo co rút, bác sĩ phẫu thuật chỉ ra 2 loại thuốc bắt buộc phải có trong tủ thuốc gia đình để phòng trị bỏng

Nhiều trường hợp con bị bỏng tại nhà, bố mẹ chủ quan sơ cứu bằng phương pháp dân gian hoặc làm sai cách đã để lại những di chứng nghiêm trọng.

Nhiều trẻ bị di chứng sẹo co rút do bỏng nước sôi

Di chứng sẹo co rút ngón bàn tay sau khi bị bỏng do nước nóng ở trẻ em rất thường xuyên xảy ra. Đặc biệt khi không được điều trị đúng cách ngay từ sau thời điểm bị tai nạn, dẫn đến các ngón tay bị co rút cứng khớp. Sau vài tháng, vài năm không được phẫu thuật để xử lý sẹo co rút, các khớp sẽ bị hư hại không phục hồi được, các bé sẽ bị tàn phế từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì vậy, các bố mẹ cần lưu ý phòng tránh tai nạn phỏng cho các bé, nếu lỡ bị thì phải cho bé điều trị đúng cách, tới nơi tới chốn.

Đó là thông điệp mà bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ITO) tích cực nhắn gửi đến bố mẹ. Bởi bác sĩ từng phẫu thuật rất nhiều ca bỏng để lại sẹo co rút, di chứng nặng nề và mỗi lần đều cảm thấy đau lòng vì thương các bé.

Bé 4 tuổi bỏng nước sôi bị sẹo co rút và bác sĩ phẫu thuật chỉ ra 2 loại thuốc bắt buộc phải có trong tủ thuốc gia đình để phòng trị bỏng - Ảnh 4.
Bàn tay cậu bé 4 tuổi bị bỏng nước sôi, đã từng qua 4 ca phẫu thuật trước đó nhưng các ngón tay 2-3-4-5 vẫn dính chặt vào lòng bàn tay.

Mới đây, bác sĩ Xuân Anh đã chia sẻ lại ca phẫu thuật trị sẹo co rút nặng, khiến các ngón tay số 2-3-4-5 dính chặt vào lòng bàn tay. Ca phẫu thuật hơn 3 tiếng với những kỹ thuật phức tạp may mắn đã thành công, trả lại cho bệnh nhân nhí đôi tay đúng hình dạng ban đầu.

Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ: “Bệnh nhân là một cậu bé 4 tuổi. Năm 1 tuổi, bé bị bỏng nước sôi trên bàn tay, sau đó bị di chứng sẹo co rút các ngón bàn tay. Bé đã được mổ 4 lần trước đó để chữa sẹo ghép da, nhưng vẫn bị co rút nặng các ngón và bàn tay, dính chặt ngón 2-3-4-5 vào lòng bàn tay. Tôi phải mất hơn 3 tiếng để tách hết các ngón và ghép da, sau mổ các ngón tay vẫn hồng hào là mừng đã thành công”.

Bác sĩ Xuân Anh cho biết, bệnh nhân từng được lấy da ở đùi, nếp bẹn 2 bên cho những lần mổ trước. Lần này bác sĩ lấy da ở nếp bụng theo phương pháp ghép da dầy và khâu thẩm mỹ để tránh sẹo xấu về sau. Khi mổ, bác sĩ đã phải rất khó khăn để tách các ngón tay khỏi lòng bàn tay mà không làm tổn thương các mạch máu và thần kinh ngón nhỏ xíu, trên nền sẹo dính đã bị mổ đi mổ lại nhiều lần. Chưa kể thao tác thực hiện trên nền sẹo dính đã bị mổ đi mổ lại nhiều lần và thời gian 3 năm co rút nặng các khớp bị cứng, co rút mạch máu, thần kinh, gân cơ.

Bé 4 tuổi bỏng nước sôi bị sẹo co rút và bác sĩ phẫu thuật chỉ ra 2 loại thuốc bắt buộc phải có trong tủ thuốc gia đình để phòng trị bỏng - Ảnh 5.
Bác sĩ phải tập trung cao độ, giữ sự bình tĩnh trong suốt 3 tiếng để tách được các ngón tay ra.
Bé 4 tuổi bỏng nước sôi bị sẹo co rút, bác sĩ phẫu thuật chỉ ra 2 loại thuốc bắt buộc phải có trong tủ thuốc gia đình để phòng trị bỏng - Ảnh 3.
Cuối cùng, ca mổ đã thành công, các ngón tay vẫn giữ được sự hồng hào. Bệnh nhân 4 tuổi đang đợi thêm 1 tuần để da ghép ăn.

May mắn là ca mổ đã thành công. Bé hiện đang trong thời gian chờ đợi 1 tuần không thay băng để da ghép ăn, và sẽ tái khám để kiểm tra tình trạng.

Hai loại thuốc nên có sẵn trong tủ thuốc gia đình đề phòng trường hợp bị bỏng

Đây không phải là lần đầu bác sĩ Xuân Anh thực hiện một ca mổ phức tạp như vậy. Anh từng mổ nhiều trường hợp phức tạp hơn, ví dụ hội chứng Aperts, di chứng phỏng co rút nặng cổ bàn tay, bàn chân… Nhưng thêm một lần nữa, bác sĩ muốn đưa ra cảnh báo cho các bố mẹ để đề phòng tai nạn bỏng trong gia đình. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ của bố mẹ có thể sẽ để lại những di chứng nặng nề trong suốt cả cuộc đời con. Trong trường hợp không may bé bị bỏng, cần sơ cứu tại nhà đúng cách.

Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ: “Gần đây có nhiều trường hợp em bé nhỏ nghịch bị bỏng nước nóng như: nước pha sữa, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh… Bé cho tay vào và bị bỏng độ 2 (phồng rộp da và nổi bóng nước). Nếu điều trị không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, có thể sẽ dẫn đến việc vết thương bị nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu co rút các ngón tay, thành thương tật vĩnh viễn cho các bé.

Vì vậy, bố mẹ cần phải biết cách xử trí sơ cứu và điều trị cho những trường hợp bỏng nước nóng do tai nạn sinh hoạt. Hai bộ đôi nên có sẵn ở tủ thuốc gia đình khi có trẻ nhỏ và người già là: chai nước muối sinh lý NaCl 0,9% 500ml và một tube kem: Silvirin (hoặc Biafine, dễ dàng mua dễ ở các nhà thuốc Tây). Ngoài ra cần chuẩn bị sẵn sàng bông gòn, gạc vô trùng, băng keo, cuộn vải urgo hoặc băng thun.

Ngay sau khi bé bị tai nạn bỏng bàn tay, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến vòi nước ở phòng tắm trong nhà, xối rửa nhiều nước trong khoảng 15 phút (không xối nước đá hoặc nước lạnh). Mục đích việc xối rửa dưới nước nhiệt độ thường sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau đó, bố mẹ cần bôi dầy kem Silvirin (hoặc Biafine) lên các ngón tay bị bỏng, dùng gạc vô trùng tách giữa các kẽ ngón tay và đắp gạc lên toàn bộ vết thương bỏng, băng lại.

Sau đó tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp tiếp theo.

Nếu săn sóc vết thương ở nhà trong trường hợp nhẹ hoặc nhà quá xa bệnh viện, mỗi ngày thay băng với NaCl và bôi kem Silvirin (hoặc Biafine) dầy lên vết bỏng, đắp gạc băng vết thương lại để giữ độ ẩm cho da, sau đó thay băng cách ngày… Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành đẹp và ít để lại sẹo”.

Bé 4 tuổi bỏng nước sôi bị sẹo co rút, bác sĩ phẫu thuật chỉ ra 2 loại thuốc bắt buộc phải có trong tủ thuốc gia đình để phòng trị bỏng - Ảnh 5.
Hình ảnh những trẻ bị sẹo do bỏng để lại.

Bác sĩ Xuân Anh cũng đặc biệt khuyến cáo các bố mẹ không được dùng những cách can thiệp kiểu dân gian như bôi nước mắm, xoa các loại thuốc mỡ, kem đánh răng… vào vết bỏng, hoặc đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để băng bó. Thậm chí sau đó thấy tay có những dấu hiệu bất thường như co rút, không cử động được… nhưng do bận rộn hoặc đang khó khăn về kinh tế nên nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua, sau nhiều năm mới đưa trẻ đi điều trị. Bố mẹ cần ý thức được về tác hại của việc sơ cứu sai cách và di chứng sẹo co rút con có thể bị mắc.

Trong trường hợp con bị sẹo co rút, cần đưa con đi phẫu thuật tách ghép để trở về trạng thái bình thường trước khi con học cấp 1. Điều này không những mang lại cho con sự tự tin khi đến trường mà còn giúp con cầm bút, tham gia các hoạt động thể thao được trọn vẹn hơn.

Theo afamily

Leave a Reply

Or