Bạn biết gì về triệu chứng lâm sàng hen phế quản trẻ em?

Biểu hiện lâm sàng của HPQ đa dạng, có thể cấp tính hoặc từ từ, thay đổi theo từng cá thể, từng thời điểm diễn biến của bệnh, ở thời kỳ hen được kiểm soát hoàn toàn hay không được kiểm soát.

1. Triệu chứng lâm sàng đợt bùng phát của HPQ

Trước khi xuất hiện cơn hen trẻ thường có một số dấu hiệu báo trước như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi hoặc chán ăn, nặng ngực…

Triệu chứng cơ năng:

Ho: lúc đầu có thể ho khan, sau xuất tiết nhiều đờm (đờm trắng, quánh, dính, khó khạc, soi kính hiển vi thấy nhiều bạch cầu ái toan), ho dai dẳng , thường ho nhiều về đêm và sáng, nhất là khi thay đổi thời tiết.

Khó thở:  Đây là triệu chứng cơ bản gặp chủ yếu trong cơn hen cấp.  Khó thở chủ yếu thì thở ra, có tiếng khò khè, cò cử. Trường hợp nhẹ khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức, khi ho, khi khóc, khi cười… Trong cơn hen nặng trẻ rất khó thở, tím tái, ra nhiều mồ hôi, khò khè và ho nhiều, nói từng từ, không ăn uống được. Trường hợp cơn hen ác tính có thể có các biến chứng như: tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, rối loạn nhịp thở, ngừng thở..

Nặng ngực: Bệnh nhân có cảm giác tức nghẹt lồng ngực hoặc thắt chặt ngực. Triệu chứng này chủ yếu ở trẻ lớn, ở trẻ nhỏ hiếm khi khai thác được triệu chứng này.

Triệu chứng thực thể

Nhìn:  Lồng ngực căng, có hiện tượng kéo cơ hô hấp phụ, co kéo hõm ức, hố trên đòn. Những trường hợp hen phế quản kéo dài lồng ngực có thể bị biến dạng như  hình thùng, lồng ngực hình “ức gà”, cơ thể chậm phát triển. Trong cơn khó thở nặng, các dấu hiệu khác liên quan đến thiếu oxy như: tím tái, vã mồ hôi, nói khó khăn, rối loạn ý thức (lo lắng, kích thích, li bì).

Gõ phổi: thấy vang hơn bình thường, vùng đục trước tim giảm.

Nghe:  ran rít, ran ngáy, tiếng thở khò khè. Trường hợp nặng rì rào phế nang giảm, có thể mất (phổi câm) khi tắc nghẽn đường thở rất nặng.

Các bệnh thường kèm: Eczema, mày đay, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, luồng trào ngược dạ dày thực quản.

2. Xét nghiệm

2.1.Thăm dò chức năng hô hấp và các test

Đo thông khí phổi  bằng máy hô hấp kế:

Có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả của điều trị dự phòng hen phế quản,  giúp chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ nặng của hen, mức độ tắc nghẽn hô hấp, mức độ rối loạn thông khí.

Test phục hồi phế quản: 

Test dương tính khi FEV1 hoặc PEF tăng ít nhất 12% sau khi hít thuốc cường tác dụng nhanh 10-20 phút. Tuy nhiên test này có thể âm tính trong các trường hợp hen nặng kéo dài, test này âm tính do mất khả năng phục hồi đường thở.

Test kích thích phế quản:

Sử dụng histamine, methacholine, acetylcholine, hoặc test vận động. Đây là test xác định “tăng đáp ứng phế quản”, test dương tính khi giảm FEV1 > 20% so với giá trị lý thuyết, tiến hành khi chẩn đoán hen còn nghi ngờ, các thông số thăm dò bằng phế dung kế bình thường hoặc gần bình thường. Tuy nhiên, việc áp dụng các test này trong nhi khoa còn hạn chế.

Đo lưu lượng đỉnh (PEF):

Nghĩ đến hen phế quản khi giá trị đo buổi sáng giảm hơn 20% so với giá trị đo buổi chiều hôm trước. Phương pháp này giúp chẩn đoán và theo dõi hen phế quản tại cộng đồng, nếu hen phế quản được điều trị tốt thì chỉ số PEF tăng lên.

Đo sức cản đường thở:

Sức cản đường thở là thông số trực tiếp đánh giá mức co hay giãn của cây phế quản, xác định tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn một cách khách quan, không phụ thuộc vào sự nỗ lực và cộng tác của đối tượng. Vì vậy có ý nghĩa để chẩn đoán hen ở trẻ nhỏ.

2.2. Một số xét nghiệm khác

XQ phổi:  X-quang phổi trong cơn hen cấp nặng cho thấy tình trạng phổi quá sáng do ứ khí, lồng ngực căng, khoang liên sườn giãn rộng, vòm hoành hạ thấp, nếu bị lâu có tình trạng khí phế thũng do giãn phế nang, tâm phế mãn.

Đo khí máu động mạch: chỉ trong cơn hen nặng có giảm SpO2 và PaO2. Trường hợp khó thở nặng, kéo dài có biểu hiện tăng PaCO2, rối loạn cân bằng toan kiềm. Ngoài cơn khí máu bình thường.

Công thức máu: Tăng bạch cầu ái toan trong những trường hợp hen có cơ địa dị ứng atopy.

Định lượng IgE toàn phần và IgE đặc hiệu trong huyết thanh: tăng so với lứa tuổi trong những trường hợp hen dị ứng.

Test lảy da: đây là phương pháp dùng các dị nguyên đặc hiệu để xác định tình trạng dị ứng của bệnh nhân. Test có độ nhạy cao, dễ thực hiện, giá thành rẻ, kết quả nhanh.

Theo Mevacon

Leave a Reply

Or