Bác sĩ lặng người khi không thể cứu sống em bé bị hóc miếng rau câu

Bé trai 5 tuổi ở quận 10, TP HCM, bị hóc miếng rau câu, được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi nhập viện khi đã ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ cố gắng cấp cứu cho bé nhưng tất cả đã quá muộn. Kíp trực lặng lẽ khi buông tay không thể hồi sức thêm cho bé.

Theo bác sĩ Phương, rau câu là loại dị vật khá nguy hiểm. Trẻ ăn rau câu thường mở hộp và hút thật mạnh vào miệng. Theo cơ chế hoạt động của cơ thể, khi ăn, nắp thanh môn mở ra để hút hơi vào đường thở. Thức ăn vào tới miệng, cơ thể có phản xạ đóng nắp thanh môn để thức ăn xuống đường tiêu hóa. Do rau câu trơn nên khi trẻ hút mạnh, nắp thanh môn không kịp đóng, rau câu chui nhanh vào đường thở khiến bé hóc, nghẹn, đe dọa đường thở gây nguy hiểm tính mạng.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể thực hiện sơ cứu bằng cách vỗ lưng, ấn ngực.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể thực hiện sơ cứu bằng cách vỗ lưng, ấn ngực.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Phương lưu ý người lớn cần nhanh chóng cấp cứu cho bé ngay tại nhà. Khi trẻ hóc dị vật đường thở, trong thời gian gọi cấp cứu 115 và đưa trẻ đến trung tâm y tế, người nhà cần sơ cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới 2 tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn. Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở thì phải hà hơi thổi ngạt.

Nên thận trọng khi cho trẻ ăn thạch rau câu, nhất là loại thạch chứa trong cốc. Khi ăn, dùng thìa múc thành từng miếng nhỏ thay vì bóp vỏ đẩy trực tiếp rau câu vào miệng.

Video Hướng dẫn kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ dưới 2 tuổi

Video Hướng dẫn thực hiện thủ thuật Heimlich

 https://www.youtube.com/watch?v=7CgtIgSyAiU

Trường hợp trẻ còn tỉnh: Cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

 Theo vnexpress.net

Leave a Reply

Or