Bác sĩ Collin chia sẻ những yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, điều cuối cùng rất nhiều bố mẹ không biết

Nhiều bố mẹ cho rằng bố mẹ cao thì con sẽ cao hay uống nhiều sữa sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao… Thực tế, việc giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà rất nhiều người làm cha làm mẹ không hề biết.

Đa số các bậc phụ huynh đều muốn con mình cao lớn và tìm nhiều cách để giúp con phát triển chiều cao tối đa. Thế nhưng, không phải ông bố bà mẹ nào cũng hiểu đúng đắn và có kiến thức về vấn đề này, đôi khi còn áp dụng một cách vô tội vạ các phương pháp truyền tai nhau mà không biết nó có thực sự hiệu quả hay không. Việc bố mẹ thiếu kiến thức có thể dẫn đến những kết quả trái ngược với mong muốn ban đầu. 

Bên cạnh yếu tố di truyền thì còn những phương pháp nào có thể hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao? Để giải đáp những trăn trở của bố mẹ, bác sĩ Collin đã có những chia sẻ về vấn đề này, trong đó có không ít khía cạnh mà nhiều bậc phụ huynh chưa từng nghe tới. 

Chế độ dinh dưỡng 

Trẻ từ 0-6 tháng cần được nuôi dưỡng bằng chế độ sữa hoàn toàn. Có thể là sữa mẹ hoàn toàn, sữa công thức hoàn toàn hay kết hợp cả hai đều được. Nếu như mẹ uống sữa mẹ hoàn toàn thì mỗi ngày cần bổ sung thêm vitamin D3 với lượng là 1.200 UI/ngày, còn với trẻ uống sữa công thức hoàn toàn là 600 UI/ngày. 

Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4, bố mẹ có thể luyện cho con ngủ xuyên đêm, thiết lập giờ ăn cho bé theo gợi ý: 7h-11h-15h-19h-23. Giờ ăn này vừa phù hợp với nhu cầu ăn uống của bé vừa tiện cho lịch làm việc, sinh hoạt của bố mẹ cũng như sau này khi bé đi nhà trẻ. 

Bác sĩ Collin chia sẻ những yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, điều cuối cùng rất nhiều bố mẹ không biết  - Ảnh 1.

Trẻ từ 6 tháng bắt đầu được ăn dặm nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ 500ml/ngày các chế phẩm từ sữa để cung cấp canxi cho bé. Trong tháng đầu ăn dặm, bố mẹ chủ yếu cho bé ăn rau, củ, quả là chính, từ tháng thứ hai trở đi mới bắt đầu cho bé làm quen với chất đạm. 

Trẻ từ 12-24 tháng tuổi nên được ăn uống như người lớn để bé có thời gian vui chơi, học hỏi. Cần cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung chất đạm vì đạm giúp xương dài ra, tăng cường rau, củ, quả, tiếp tục bổ sung vitamin D3 cho trẻ để giúp xương chắc khỏe. Sau ăn có thể bổ sung sữa chua không đường hoặc ít đường giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn. 

Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt vì ăn nhiều đồ ngọt gây rối loạn chuyển hóa và có thể khiến bé không ăn các món có vị khác. Các bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá 30 phút vì sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của bé, bé chưa kịp tiêu hóa hết thức ăn đã lại phải bắt đầu một bữa ăn mới, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. 

Giấc ngủ

Bác sĩ Collin chia sẻ: “Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe của mọi đứa trẻ vì nó giúp trẻ xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Muốn biết một đứa trẻ có giấc ngủ chất lượng hay không, có ngủ ngon hay không thì hãy quan sát trẻ lúc thức dậy. Nếu trẻ cáu kỉnh, không vui vẻ thì có nghĩa là trẻ ngủ chưa đủ và không ngon giấc, ngược lại trẻ ngủ đủ giấc sẽ nhanh chóng trở nên hoạt bát, vui vẻ sau khi thức dậy để tham gia vào các hoạt động của ngày mới“.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, hormone tăng trưởng có vai trò kích thích sự phát triển của khớp và thúc đẩy tăng trưởng chiều cao. Hormone tăng trưởng được tiết ra khi con người đang trong giấc ngủ sâu. Chính vì vậy, ngủ đủ giấc là “chìa khóa” quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, không kém so với chế độ dinh dưỡng. 

Khoảng thời gian hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất là từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Vì vậy cha mẹ nên khuyến khích và nhắc nhở trẻ đi ngủ trước 10h tối để tạo điều kiện cho sự sản sinh của hormone, giúp trẻ thêm cao lớn mỗi ngày. 

Bác sĩ Collin chia sẻ những yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, điều cuối cùng rất nhiều bố mẹ không biết  - Ảnh 3.

Giấc ngủ của trẻ cần được đảm bảo trong khoảng thời gian như sau (bao gồm cả giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ ngắn ban ngày): 

– Trẻ từ 0-11 tháng tuổi: 12-17 giờ
– Trẻ từ 1-2 tuổi: 11-14 giờ
– Trẻ từ 3-5 tuổi: 10-13 giờ
– Trẻ từ 6-13 tuổi: 9-11 giờ
– Trẻ từ 14-18 tuổi: 8-10 giờ

Có nhiều người mẹ chưa hiểu rõ về điều này nên thường đánh thức con vào vào ban đêm để cho bé ăn vì sợ bé đói. Điều này là hoàn toàn không nên vì ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng của bé. 

Vận động thể chất

Bé được vận động thể chất sẽ giúp kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể và tăng cường đưa canxi vào mô xương, giúp xương dài ra, vững chắc hơn. 

Vì vậy, bố mẹ nên tạo cho trẻ thói quen tập luyện, vận động mỗi ngày bằng những môn thể dục thể thao vừa sức, phù hợp với từng độ tuổi cũng như điều kiện của gia đình, chú trọng. các môn thể dục thể thao giúp hỗ trợ phát triển chiều cao như: Bài tập kéo giãn cơ, bơi lội, bóng rổ…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian vận động thể lực được khuyến nghị như sau:

– Đối với trẻ em 1 – 5 tuổi: Vận động thể lực ít nhất 3 giờ mỗi ngày.

– Đối với trẻ em 5 – 17 tuổi: Ít nhất 60 phút vận động cường độ trung bình và mạnh hàng ngày.

Môi trường sống

Môi trường sống cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ được sống trong một môi trường có điều kiện tốt, sạch sẽ, an toàn, được chăm sóc đầy đủ về y tế, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động sẽ giúp hạn chế bệnh tật và tạo nền tảng phát triển thể lực tốt hơn so với những trẻ có điều kiện sống kém hơn. 

Tinh thần

Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ nhỏ song rất nhiều bậc phụ huynh lại không biết đến khía cạnh này. 

Những em bé sống trong gia đình có bố mẹ không hạnh phúc, bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian để ý, quan tâm, chăm sóc, bày tỏ tình yêu thương với con dẫn đến bé bị buồn chán. Khi tâm trạng của bé không vui, bé sẽ không hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng từ thức ăn, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. 

Bác sĩ Collin chia sẻ những yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, điều cuối cùng rất nhiều bố mẹ không biết  - Ảnh 5.

Ngược lại, nếu bố mẹ thường xuyên thể hiện sự yêu thương bằng cả lời nói, hành động với con thì bé sẽ cảm nhận được sự quan tâm, từ đó sẽ có thái độ tích cực hơn, việc ăn uống, nghỉ ngơi của bé sẽ tốt hơn, tạo nền tảng tốt để phát triển” –  bác sĩ Collin nói. 

Vì vậy, bác sĩ Collin khuyên bố mẹ hãy luôn luôn dành thời gian ở bên con. Ở bên không có nghĩa là bố mẹ ngồi cạnh con rồi làm việc riêng, xem điện thoại mà ở bên có nghĩa là bố mẹ cùng chơi đùa, trò chuyện, trao đổi với con để tạo sự gắn bó và giúp bé luôn cảm nhận được tình yêu thương mà bố mẹ dành cho mình. 

Bác sỹ Phillippe Collin tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa và Nhi Khoa vào năm 1974 và chuyên ngành sơ sinh vào năm 1976 tại ĐH Angers (Pháp). Bên cạnh đó, ông còn theo học chuyên ngành Kháng Sinh Học tại ĐH Nantes, chuyên ngành Thống Kê Sinh Học Và Y Học-ĐH Curie, chuyên ngành Quản Lý Y Tế tại ĐH Paris, và cuối cùng là ngành Cấy Ghép Mô tại ĐH Lyon.

Hiện ông công tác tại một phòng khám Đa khoa Quốc tế tại Hà Nội. Trong giới chuyên môn, bác sỹ Collin được biết tới với những công trình nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh trong các ca nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính.

Bác sỹ Collin là thành viên của Hiệp Hội Bác sỹ Nhi Khoa Pháp, Hiệp Hội Bác Sỹ Chuyên Ngành Nhi Sơ Sinh Hoa Kỳ, và Hiệp Hội Các Học Viện Nghiên Cứu Nhi Khoa Quốc Tế.

Theo afamily

Leave a Reply

Or