Bà mẹ Việt để con 9 tuổi tự đi máy bay một mình

Hầu hết các bà mẹ đều không dám làm điều này: cho con đi máy bay một mình khi con chưa được 10 tuổi. Nhưng một người mẹ đã can đảm để con trải nghiệm điều đó trong quá trình dạy con tự lập của mình.

 Profile:

Mẹ: Lê Thủy Vân

Con trai: Bùi Vũ Khoa, sinh năm 2003

Chị Thủy Vân (quận 3,TPHCM) là người mẹ đặc biệt đó. Từ khi Nhím, con trai chị còn rất nhỏ, chị đã khuyến khích con tự làm những việc cá nhân và chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Chị thường đùa: “nhà có mỗi hai mẹ con, mà mẹ thì lười, nên con đành phải đảm đang thôi”.

9 tuổi, Nhím đã có thể tự úp cho mình bát mì, nấu cơm, chiên trứng, luộc rau, và làm những công việc nhà đơn giản. Nhím cũng có thể tự đi xem phim với bạn cùng lớp (mẹ chở hai đứa đến rạp, mua vé, Nhím tự vào xem phim với bạn). Thậm chí hôm nào hai mẹ con lười nấu cơm và ra ngoài ăn, nếu Nhím muốn ăn món mà mẹ không thích, thì mẹ sẽ để Nhím ngồi ăn một mình ở hàng Nhím thích, mẹ cũng ăn một mình ở hàng mẹ thích. Sau khi ăn xong Nhím nhắn mẹ đến đón và mẹ con lại vui vẻ dắt nhau về.
Bà mẹ Việt để con 9 tuổi tự đi máy bay một mình 1
Nhím – tên gọi thân mật của cậu bé được mẹ tin tưởng cho đi máy bay một mình.
9 tuổi, mẹ đã cho Nhím đi máy bay một mình
Nhưng quyết định cho Nhím tự đi máy bay từ TPHCM ra Hà Nội thăm ông bà ngoại vào mỗi dịp hè lại là quyết định mang tính đột phá nhất của chị trong quá trình rèn Nhím thành một cậu bé hoàn toàn tự lập. Có nhiều lý do để chị đi đến quyết định này: Nhím ra thăm ông bà sẽ ở lại 1 tháng, chị không thể xin nghỉ phép lâu như vậy để đi cùng con. Còn nếu đưa Nhím đi rồi quay về, đến cuối tháng lại bay ra đón, lại quay về sẽ rất tốn kém chi phí dịch chuyển. Nhím đã lớn, chị cũng muốn biết cu cậu xoay sở ra sao khi không có mẹ bên cạnh.
Khi chị trình bày những lý do chính đáng này với Nhím và hỏi liệu con có thể đi máy bay một mình ra Hà Nội không? Thật may là Nhím đồng ý. Lúc đó anh chàng chỉ vừa học xong lớp 3, chuẩn bị hết hè sẽ vào lớp 4.
Tất nhiên Nhím cũng là người tự soạn quần áo, sắp xếp va li, và nghĩ xem mình cần mang theo những gì cho chuyến đi. Đến ngày khởi hành, chị Vân chỉ việc kiểm tra hành lý của con rồi hai mẹ con thẳng tiến ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo quy định, trẻ em từ 12 trở lên mới được đi máy bay một mình. Tuy nhiên phải có giấy khai sinh và Giấy ủy quyền kèm theo, khi ra sân bay phải có người đại diện ủy quyền đi theo làm thủ tục check in tại sân bay. Nhím chỉ mới 9 tuổi, nên ngoài những thủ tục trên, mẹ Nhím phải điền vào những giấy tờ liên quan để bàn giao Nhím cho các cô tiếp viên hàng không có mặt trong chuyến bay của Nhím. Trong đó, chị ghi rõ những thông tin về Nhím và cả người thân sẽ đón Nhím ở sân bay Nội Bài. Người thân này phải mang chứng minh thư đến sân bay để nhận Nhím, và tiếp viên hàng không sẽ chỉ giao Nhím cho đúng người mà mẹ đã cung cấp thông tin trong biên bản bàn giao.
Và thế là hành trình bay 1.730km của cậu bé 9 tuổi chính thức bắt đầu.
Bà mẹ Việt để con 9 tuổi tự đi máy bay một mình 2
Trên FB, mẹ Vân viết: “Thương yêu gửi các bà, các mẹ cục vàng thô nặng 40 cân. Các bà các mẹ rèn cho vàng thô thành vàng tinh thon thả mạnh khoẻ giùm mẹ Vân nhé! Các chú phi công rất dễ thương, bắt tay ôm vai hỏi ảnh có mang theo máy chụp hình ghi lại khoảnh khắc hiếm có để về khoe các bạn không? Cô tiếp viên đáng yêu dịu dàng thân ái cực kỳ. Yên lòng. Điện thoại tắt zồi! Mắt mẹ sưng húp zồi!!!!”
Và sau đó, chính tin nhắn này của Nhím đã xua tan tâm trạng thấp thỏm suốt 2 tiếng đồng hồ qua của mẹ. Nghĩa là con đã hạ cánh an toàn. Đến lúc này thì mẹ Vân đã có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi. Chị chia sẻ với con trên trang cá nhân: “Bao giờ cũng có “lần đầu tiên” Nhím nhỉ? Không ai có thể là lá chắn che chở suốt đời con, kể cả bố mẹ và gia đình. Nhưng tình yêu dành cho con là mãi mãi. Tự lập trên bước đường trưởng thành nha con”.
Bà mẹ Việt để con 9 tuổi tự đi máy bay một mình 3
Tin nhắn hai mẹ con trao đổi với nhau.
 
Nhím đã bay một mình như thế nào?
Chào Nhím, con thật là cậu bé tự lập và dũng cảm. Con có thể kể lại hành trình của mình không?
– Dạ con chào cô. Trước khi lên máy bay thì mẹ có gửi con cho một cô tiếp viên. Mẹ vẫn đi theo con cho đến khi lên cửa xuất hành lý thì mẹ không được vào trong nữa. Lúc đó con cũng có hơi buồn. Sau đó con ngồi một mình đợi đến giờ lên máy bay. Con chỉ ngồi chơi thôi. Khi lên máy bay, con nhìn xuống bên dưới, nghĩ đến mẹ, con có khóc một chút nhưng rồi con bình tĩnh lại. Mọi chuyện về sau bình thường. Khi đến sân bay Nội Bài, cô tiếp viên dắt con xuống máy bay, cùng con đứng chờ lấy hành lý rồi đưa con ra cổng. Bà ngoại con đã ở đó để đón con. Cô tiếp viên đưa giấy tờ gì đó để bà ký vào rồi bà đưa con về. Đêm đầu tiên nhớ mẹ, con có khóc một chút nhưng bà nói là đàn ông thì phải mạnh mẽ lên. Sau đó thì con còn không khóc nữa.
Nhím giỏi quá! Lúc khóc trên máy bay, con có ân hận vì đã bay một mình và muốn thay đổi ý định không?
– Dạ không ạ. Con khóc vì con nhớ mẹ thôi chứ con không sợ. Con không những không muốn thay đổi ý định mà còn rất vui vì mẹ đã tin tưởng con, cho con được bay một mình. Con cũng có phần tự hào về mình sau chuyến đi này.
Thế lúc được mẹ đề nghị bay một mình, cảm giác của con thế nào?
– Con trả lời với mẹ là con cũng muốn thử đi một mình xem sao. Thật ra lúc đó con cũng có phần lo sợ và hồi hộp. Hồi hộp vì đây là lần đầu tiên con đi xa như vậy mà chỉ có một mình. Lo sợ vì con không biết có chuyện gì xảy ra với mình hay không.
Và sau đó con có tiếp tục bay một mình nữa không?
– Dạ sau lần đó, con lại bay một mình cho đến thời điểm này là 3 lần nữa ạ. Hai lần ra Hà Nội nghỉ hè và một lần ra ăn cưới mẹ Chi.
Các bạn con có ai đã từng bay một mình như con không?
– Dạ hình như khoảng hai ba bạn trong lớp con cũng vậy. Các bạn khi biết chuyện cũng khá ngạc nhiên.
Cám ơn Nhím, chúc con luôn ngoan và tự lập cho mẹ vui nhé!
 
Bà mẹ Việt để con 9 tuổi tự đi máy bay một mình 4
Kể từ hồi 9 tuổi đến nay, Nhím đã tự đi máy bay ra Hà Nội 4 lần. 
Mẹ bé Nhím chia sẻ kinh nghiệm khi cho con đi máy bay một mình:
1. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết cho con để làm thủ tục check in tại sân bay như: giấy khai sinh, giấy ủy quyền, biên bản bàn giao….
2. Hành lý phải thật gọn nhẹ vì con không thể tự mình xách quá nặng mà không có người lớn giúp đỡ.
3. Chuẩn bị thuốc say tàu xe, nút bông gòn bịt tai để tránh cho con bị ù tai.
4. Lưu ý con về trang phục: gọn gàng thoải mái, có thể khoác một áo khoác mỏng đề phòng trên máy bay quá lạnh. Nếu nhiệt độ ở điểm đến đang thấp thì trong hành lý bắt buộc phải có áo ấm, và mẹ dặn bé nhớ mặc vào trước khi bước ra ngoài máy bay để cơ thể không bị lạnh đột ngột.
5. Cho con mang theo điện thoại di động (sạc đầy pin) để tiện liên lạc khi cần thiết.
6. Dạy con các kĩ năng thoát hiểm trên máy bay. Điều này sẽ được tiếp viên hướng dẫn một lần nữa trước khi máy bay cất cánh.
7. Dặn dò con khi có bất cứ một sự cố nào thì phải liên lạc với tiếp viên có mặt trong chuyến bay ngay.
8. Giữ liên lạc thường xuyên với người thân sẽ đón bé ở điểm đến. Canh giờ máy bay hạ cánh và gọi ngay cho họ để chắc chắn rằng máy bay đã hạ cánh an toàn. Ngoài ra, nhớ nhắc người thân mang theo chứng minh thư thì mới được nhận con.
9. Đừng quên hôn tạm biệt và chúc con một hành trình thú vị. Chính sự tin tưởng và yêu thương của mẹ sẽ tiếp cho bé một sức mạnh để đánh bay mọi sợ hãi và trở nên tự tin hơn.
Theo Afamily

Leave a Reply

Or