7 điều quan trọng cha mẹ cần làm trong ngày con chào đời

Thật tuyệt vời khi được kết nối với bé, đặc biệt là khi cha mẹ có thể cởi áo ngoài ra để da bé có thể tiếp da bạn, đồng thời cũng giúp bé nhận biết được mùi quen thuộc.

chào đời
Nên ghi nhớ những con số đầu tiên của bé.

1. Cân đo

Ngay sau khi được lau khô, bé sẽ được đưa đi cân đo. Những con số này sẽ là mốc để theo dõi quá trình tăng trưởng của bé. Trong khoảng 10 ngày sau, bé có thể bị giảm cân. Bác sỹ cần dựa vào số lượng hao hụt so với cân nặng lúc vừa chào đời để chẩn đoán là bé sụt cân sinh lý hay bệnh lý. Vượt cạn xong, bạn có thể rất mệt, không thể ghi nhớ những con số này, nên dặn chồng hoặc người thân ghi nhớ những con số đầu tiên của bé.

2. Nhỏ mắt

Không phải cha mẹ nào cũng biết lợi ích việc nhỏ mắt cho ngay sau sinh và không phải nhà hộ sinh nào ở Việt Nam cũng nhắc bạn làm điều đó. Nhưng ở một số nước tiên tiến, họ khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra và nhỏ mắt ngay sau sinh để phòng tránh nhiễm trùng và phát hiện bệnh lý sớm ở mắt. Hiện tại, ở Việt Nam chưa phát triển dịch vụ kiểm tra mắt ngay sau sinh. Nhưng bạn nên chủ động nhỏ mắt cho con bằng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho trẻ.

3. Bú sữa non

Sữa non được xem là có giá trị nhất với bé vì có nhiều kháng thể (IgA, IgG, IgM, IgD) và bạch cầu. Trẻ được bú sớm sẽ tránh được dị ứng và một số bệnh nhiễm khuẩn. Sau khi sinh, nếu mẹ con cùng khỏe thì nên cho bé bú sớm, khoảng 30-60 phút sau sinh. Khi bú, bé nên được nằm úp trên người mẹ theo tư thế Kangaroo để có được hơi ấm từ mẹ và giúp trẻ dễ thở. Trong ngày đầu tiên, bạn nên cho bé bú khoảng 8-12 lần. Bạn cần theo dõi tình trạng bú của trẻ để sớm phát hiện bất thường: bú khỏe không, ngậm ti có chặt không.

4. Kiểm tra dị tật dính thắng lưỡi

Yêu cầu bác sỹ hay bà đỡ kiểm tra xem bé có bị dính thắng lưỡi hay không. Bởi dị tật này thường xảy ra ở 1/20 trẻ sơ sinh và khiến cho việc bú mẹ của các bé trở nên khó khăn hơn. Vậy nên hãy để con bạn được kiểm tra càng sớm càng tốt và để mắt đến bé trong vài ngày tới.

bé mới chào đời
Ngày con chào đời.

5. Tiêm vitamin K

Thiếu vitamin K dễ khiến trẻ sơ sinh bị xuất huyết não. Tình trạng này xuất hiện sớm vào ngày 3-5 sau sinh, do vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp được vitamin K. Do đó, ngay sau sinh, bé sẽ được tiêm phòng mũi vitamin K.

6. Tiêm phòng viêm gan B

Đây là mũi tiêm được Bộ tế khuyến cáo tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 24h sau sinh để tránh lây từ mẹ sang con, từ môi trường và những người chăm sóc. Nếu tiêm phòng sau 24h, vaccine không còn tác dụng ngăn ngừa lây từ mẹ sang con.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ em trên toàn thế giới cần được tiêm càng sớm càng tốt nhằm mục đích giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ xuống 1%. Tuy nhiên, thực tế, một số bệnh viện tuyến dưới lơ là mũi tiêm này, một số cơ sở lấy lý do là “tạm thời hết vaccine”. Nhiều cha mẹ do không biết nên khi con xuất hiện, không có giấy chứng nhận tiêm viêm gan B cũng không thắc mắc. Vì vậy bạn và người thân nên chủ động hỏi bác sỹ và đề nghị tiêm phòng cho con mình.

7. Tiêm phòng lao

Tương tự viêm gan B, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng lao cho trẻ càng sớm càng tốt để tránh lao cấp tính. Trẻ sơ sinh nhiễm lao sẽ dễ gây biến chứng thành bệnh lao nặng như lao kê, lao màng não. Ở nhiều nước phát triển như Pháp, Mỹ tiêm phòng lao khi trẻ đã được 4 tuổi hoặc không tiêm (vì đã khống chế được hoàn toàn bệnh này). Tuy nhiên ở Việt Nam, lao vẫn là bệnh phổ biến và dễ lây lan nên bạn cần tiêm cho bé.

Theo suckhoe

Leave a Reply

Or