7 cách để trở nên tốt hơn trong mắt con cái

Không ít người nghĩ rằng muốn dạy con ngoan phải cứng rắn với con. Tuy nhiên bạn có nhận ra sự nghiêm khắc có thể đẩy ba mẹ ra xa khỏi thế giới của con? Làm thế nào để vừa là bậc cha mẹ uy nghiêm lại vừa là người bạn thân thiết với con?

Cho con sự tự do
Cho con quyền quyết định con sẽ làm gì, bao lâu, đôi khi có thể tạo nên những kết quả tích cực không ngờ tới. Một thời gian biểu cứng ngắc được sắp xếp hoàn toàn theo ý ba mẹ sẽ tước mất của trẻ cơ hội học hỏi kỹ năng ra quyết định và phát huy tính sáng tạo.

Thể hiện tình cảm với con
Hầu hết các bậc cha mẹ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ít khi thể hiện sự yêu thương với con qua lời nói và hành động tình cảm, đặc biệt khi ở nơi công cộng. Tuy nhiên, xu hướng thể hiện tình cảm công khai đối với con cái đang ngày càng lan rộng. Thay vì cho con bánh kẹo khi con làm được việc gì đó, sao bạn không ôm và hôn con?

Bình tĩnh nhưng quyết đoán
Nổi trận lôi đình và quát mắng thường không đem lại hiệu quả lâu dài trong việc dạy con ngoan. Thay vào đó, bạn nên tập luyện cho mình thói quen giữ bình tĩnh và phản ứng với con một cách điềm đạm nhưng cứng rắn trong mọi tình huống, dù con phạm phải lỗi lầm nào đi nữa. Nếu bạn làm được điều này, mỗi khi con làm gì không đúng, chỉ cần bạn nghiêm giọng, con sẽ bị tác động ngay. Đây mới chính là cái uy thật sự của cha mẹ với con cái chứ không phải những lời đe nạt, quát mắng.

7 cách để trở nên tốt hơn trong mắt con cái

Dám thay đổi
Đây thật sự là điều mà khá ít phụ huynh làm được. Những điều thu hút bé con của bạn lúc 5 tuổi có thể không còn hấp dẫn nữa khi bé lên 6 hoặc 7. Con đang không ngừng học hỏi và khám phá, do đó, ba mẹ cũng cần liên tục thay đổi để phù hợp với con. Chỉ có như vậy, ba mẹ mới không trở thành “người lạ” trong thế giới của con.

Xây dựng những thói quen đặc biệt
Bạn và con có chia sẻ cùng nhau một hoạt động đặc biệt nào đó mà chỉ ba mẹ và bé biết? Đây là một cách hay để xây dựng mối quan hệ mật thiết với con. Hoạt động này nên tạo cho bé sự vui vẻ, thoải mái và khuyến khích bé bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Thông qua đó, bạn sẽ biết được những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con và chúng tác động tới bé như thế nào.

Chịu trách nhiệm với con
Đừng sợ phải chịu trách nhiệm và thiết lập những ranh giới với con. Tuy rằng các bé thường tỏ ra chống đối việc này nhưng thật sự bên trong bé cũng mong muốn có những giới hạn để giữ cho bé được an toàn.

Sự linh hoạt là chìa khóa
Muốn dạy con ngoan, bạn cần biết khi nào phải nghiêm khắc với bé và khi nào nên để bé “lách luật” sẽ tốt hơn. Suốt ngày cằn nhằn con về tất tần tật những sai phạm của bé sẽ chỉ làm con trẻ thêm chống đối. Điều này thường sớm biểu hiện từ giai đoạn trẻ mầm non.

 

 

theo: marrybaby

Leave a Reply

Or