6 sai lầm “chết người” nhưng nhiều người vẫn đang làm khi ăn bánh Trung thu
Không ăn bánh Trung thu lúc đói cũng như khi quá no, và đặc biệt không ăn khi uống cùng trà đặc, cà phê và các loại nước có ga.
Hàng năm cứ vào thời điểm này bánh trung thu được bày bán khá phong phú. Về cơ bản, thành phần chính của bánh Trung thu truyền thống là tinh bột, đường và chất béo, vậy nên khi chọn bánh, người tiêu dùng không nhất thiết phải chọn loại đắt tiền, nhưng tuyệt đối không lựa chọn sản phẩm trôi nổi, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu…
Ảnh minh họa
Đối với những loại bánh trung thu tươi, bánh cổ truyền thường là không có chất bảo quản, nên ăn ngay trong thời hạn sử dụng. Nếu phát hiện bánh có mùi lạ, nhân tơi tả, có dấu hiệu bị mốc, hoặc được ngâm tẩm các chất phụ gia thì tuyệt đối không nên ăn.
Để đảm bảo sức khỏe, theo chuyên gia, mỗi người chỉ nên ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh). Nếu ăn bánh trung thu thì lưu ý nên bớt đi một bát cơm hoặc lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
Ngoài ra khi ăn bánh trung thu cần lưu ý tránh những điều sau đây:
Bánh Trung thu có dấu hiệu mốc, hỏng tuyệt đối không nên ăn. Ảnh minh họa
Không ăn bánh trung thu vào lúc đói
Nhiều lúc đói, nhìn thấy bánh trung thu là bạn muốn ăn ngay, nhưng ăn đồ ngọt lúc đói sẽ làm bạn mất đi một lượng lớn vitamin B – loại vitamin giúp chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích. Việc ăn bánh Trung thu lúc này chẳng những khiến bạn mệt mỏi, uể oải hơn mà còn làm cho bạn tăng cân do đường chuyển hoá thành chất béo.
Không ăn ngay sau khi ăn cơm
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng khi bạn vừa ăn cơm, lượng tinh bột và đường đã đủ, nếu bạn ăn bánh Trung thu ngay sẽ khiến đường tăng cao trong máu, năng lượng dư thừa sẽ chuyển thành chất béo dự trữ không tốt cho huyết áp. Tốt nhất bạn nên thưởng thức bánh Trung thu sau 3h ăn cơm và ăn kèm cùng hoa quả.
Không ăn sau 19h
Buổi tối, nhất là khoảng thời gian sau 7h tối, cơ thể của chúng ta sẽ vận động ít hơn. Việc ăn bánh Trung thu lúc này sẽ biến năng lượng đó thành dư thừa, thay vì tiêu hao cho các hoạt động, nó sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp.
Không ăn quá nhiều
Một chiếc bánh trung thu 120g cung cấp khoảng 700-900 calo, trong khi 1 người trưởng thành năng lượng cần khoảng 2000 calo cho 1 ngày. Nếu ăn quá nhiều bánh sẽ dẫn đến tăng cân, không tốt cho huyết áp nói riêng và cả sức khỏe của bạn nói chung…
Không ăn cùng trà đặc, cà phê và nước có ga
Cà phê, trà đặc hay nước ngọt có gas nếu kết hợp với bánh Trung thu sẽ gây hại cho sức khỏe. Bởi nhiều caffein hay chất kích thích luôn là kẻ thù của huyết áp cao. Thay vì những loại nước không tốt đó bạn có thể kết hợp bánh Trung thu với các loại nước ép trái cây tươi.
Không ăn bánh quá hạn
Bánh trung thu được làm với nhân thập cẩm, trong đó có mứt, đường và có thể có trứng, những thành phần này thời gian bảo quản rất ngắn (nhanh biến đổi) rất dễ gây nên các vấn đề về tiêu hóa ảnh hướng xấu đến sức khỏe.
Theo Eva