5 suy nghĩ khiến mẹ ngần ngại không muốn sinh mổ, tất cả chỉ là hiểu nhầm!
Mẹ cho rằng khi sinh mổ sẽ không thể thực hiện da tiếp da với con nhưng thực tế không phải vậy.
Các chuyên gia, bác sĩ đều khuyến khích phụ nữ sinh thường bởi phương pháp sinh này mang lại những lợi ích nhất định cho người mẹ và em bé. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phương pháp sinh mổ là không tốt, có hại cho mẹ và con.
Thực tế, tùy vào tình trạng của sản phụ cũng như thai nhi từ khi mang bầu tháng cuối hoặc khi chuyển dạ, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp sinh thích hợp. Vì vậy, mẹ đừng “hiểu nhầm” sinh mổ như những quan niệm nhiều người cho là đúng dưới đây.
1. Sinh mổ không được “da tiếp da”
Mặc dù các bộ phận trên cơ thể có thể đau đớn hơn sau ca sinh mổ nhưng điều này hề ảnh hưởng đến việc mẹ thực hiện da tiếp da với con. Mẹ có thể sẽ chỉ mất thêm một chút thời gian, lâu hơn sinh thường, để tìm cho mình vị trí thoải mái nhất cho cả 2 mẹ con. Khi thực hiện da tiếp da sau sinh mổ, mẹ nên cố gắng đặt con ở vị trí tránh xa vết mổ để không bị ảnh hưởng, gây đau đớn.
Sau sinh mổ, mẹ hoàn toàn có thể da tiếp da với con như sinh thường. (Ảnh minh họa)
2. Sinh mổ sẽ khó cho con bú
Cho bú ngay sau sinh mổ có thể hơi khó khăn nhưng mẹ hãy nhờ người thân đặt bé nằm lên ngực và để bé ngậm ti. Chính việc bé được da tiếp da và mút mát bầu ngực sẽ là cách hiệu quả nhất để kích thích sữa nhanh về sau sinh.
Các chuyên gia khoa sản cũng khuyên với những bà mẹ sinh mổ nếu cảm thấy đau đớn khi ngồi cho con ti, hãy sử dụng những chiếc gối chuyên dụng để cho bé nằm bú, sẽ giúp cả 2 mẹ con được thoải mái.
3. Sinh mổ rồi lần sau sẽ không thể sinh thường
Nhiều mẹ cho rằng việc sinh mổ lần đầu sẽ khiến những lần mang bầu sau cũng buộc phải chọn phương pháp này. Thực tế vẫn có rất nhiều bà mẹ sinh thường sau sinh mổ thành công. Nếu muốn sinh thường sau sinh mổ, các mẹ cần theo dõi thai cẩn thận suốt thai kỳ và nhờ sự tư vấn của bác sĩ. Nếu lần sinh mổ của mẹ trước đó không vì lý do y tế như cổ tử cung hẹp, xương hông không đủ rộng… thì mẹ hoàn toàn có thể sinh thường sau lần sinh mổ đầu tiên từ 2-3 năm.
Ca sinh mổ sẽ để lại một vết sẹo trên cơ thể mẹ nhưng không có nghĩa là nó sẽ đau đớn cả đời. (Ảnh minh họa)
4. Mẹ sẽ không cảm nhận được gì trong suốt ca sinh mổ
Gây tê chỉ được thực hiện quanh vùng lưng, bụng nên trong suốt quá trình sinh mổ, mẹ vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh và cảm nhận được những thao tác của các bác sĩ, chỉ là không cảm thấy đau. Vì vậy, ca sinh mổ diễn ra khá nhanh chóng và bình thường nên mẹ không cần lo lắng là mình sẽ như “người chết” suốt quá trình này.
5. Vết mổ đẻ sau sinh sẽ luôn đau suốt đời
Thực tế thì điều này không đúng bởi cũng như những vết mổ phẫu thuật khác, sau khi da đã liền lại thì sẽ như bình thường và không hề có hiệu tượng đau nhức khi thời tiết thay đổi như nhiều người nghĩ. Dù vậy trong tuần đầu sau sinh, mẹ cần lưu ý chăm sóc vết mổ đẻ cẩn thận để tránh bị nhiễm trùng và giúp vết mổ đẻ nhanh lành.
Nói chung, phương pháp sinh mổ và sinh thường sẽ không hề ảnh hưởng đến việc mẹ có thể tận hưởng niềm hạnh phúc khi đón con chào đời. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng khi bác sĩ thông báo phải sinh mổ. Trong trường hợp bác sĩ đã đưa ra phương pháp này thì có nghĩa nó là lựa chọn phù hợp và an toàn nhất cho mẹ và bé.