4 bước quan trọng khuyến khích sự phát triển của trẻ

Với trẻ sơ sinh, sự hiếu kỳ, trí tò mò của trẻ phát triển rất nhanh, thôi thúc bé khám phá và cảm nhận thế giới xung quanh. Thế nên, cha mẹ đừng bỏ qua giai đoạn quan trọng này mà hãy tận dụng để giúp trẻ trải nghiệm, phát triển trí não tốt hơn.

Dưới đây là 4 bước quan trọng khuyến khích sự phát triển của trẻ mà mẹ cần lưu ý:

1/ Đưa bé đến nhiều môi trường khác nhau

Tạo cơ hội cho bé khám phá thế giới xung quanh bằng cách sắp xếp để bé có thể tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, giao lưu với nhiều người, tham gia vào các hoạt động. Mỗi trải nghiệm, cho dù là hoạt động thường xuyên như đi dạo công viên gần nhà mỗi ngày cùng với mẹ hoặc hoạt động mới, không quen thuộc như dịp đi chơi đặc biệt, du lịch hay đến dự bữa tiệc sinh nhật cũng sẽ kích thích giác quan, khơi gợi trí tò mò của bé.

Mẹo khuyến khích bé phát triển

Mẹ cố gắng mỗi khi đi cùng bé hãy mô tả những gì bạn nhìn thấy, nghe, ngửi và ngay cả cảm xúc của chính bạn. Cho dù bạn nghĩ bé còn quá nhỏ để hiểu những gì bạn nói, nhưng theo nhiều nghiên cứu, phương cách này có ảnh hưởng không ngờ đến sự phát triển của trẻ đấy!

Bên cạnh đó, khi đưa trẻ ra ngoài, mẹ nên hạn chế để bé quá nhiều trong “không gian hộp”. Không gian hộp” ở đây có nghĩa là xe đẩy, ghế ngồi ô tô,… và bất cứ vật dụng gì cản trở các chuyển động của trẻ. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ cần được di chuyển tự do, thoải mái, cần nhìn lên trước, qua trái qua phải, đằng sau, cần theo dõi các tín hiệu xung quanh để các giác quan được khởi động và kích thích. Các hoạt động này cực kì quan trọng đối với trẻ vì nó là nền tảng rất sớm để hình thành khả năng tập trung, chú ý và ghi nhớ.

2/ Cho trẻ tự do khám phá

Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có sự tò mò với các sự vật bên ngoài như cách chuyển động, âm thanh của các đồ vật…. Khi lớn hơn, trẻ sẽ đưa đồ vật vào miệng để “cảm nhận” chúng như thế nào. Đến giai đoạn tập đứng, tập đi, trẻ sẽ dùng tay nhặt và ném các các đồ vật xung quanh với ý nghĩ cái này cứng hay mềm, nếu là hộp thì nhét được vào những cái gì, nút bấm thì bấm thử xem xảy ra gì… Đó là những bước khám phá cơ bản tính chất sự vật mà bé sẽ đúc rút được kinh nghiệm từ chúng. Có thể nói, trí tò mò là thứ nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này.

Cha mẹ hãy cho trẻ được tự do khám phá để khơi gợi trí tò mò của trẻ. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta cứ thả lỏng đứa trẻ, mặc cho nó tự do tìm tòi, khám phá, thử nghiệm vì đôi khi ngay cả trong những việc bình thường nhất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không lường trước được. Do đó, khi bé đã có những kỹ năng mới, bạn nên sắp xếp lại không gian trong nhà và thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết để bé có thể khám phá một cách tự do và an toàn… Nhưng điều quan trọng vẫn là phải tạo điều kiện và khuyến khích sự tìm tòi của trẻ.

 3/ Tận dụng tối đa thời gian chơi của bé.

Với con, trò chơi cũng giống như những người bạn, chúng đem đến niềm vui và sự hứng thú cho trẻ, nhưng đồng thời cũng mang lại mục đích rèn luyện thực tế. Những món đồ chơi giúp bé học hỏi, ghi nhớ về màu sắc, cách thức chơi sẽ là những người bạn hữu ích. Ba mẹ nên cung cấp cho bé những đồ chơi có nhiều hình dạng, màu sắc, kết cấu và âm thanh khác nhau. Để bé tự chơi với món đồ rồi sau đó cùng chơi lại với bé, cha mẹ hãy cho trẻ trải nghiệm chơi bằng nhiều cách với chỉ 1 món đồ chơi, điều ấy thực sự kích thích sự sáng tạo cho trẻ. Cha mẹ hãy nhớ rằng, trẻ càng được chơi thì trí não càng phát triển nên trong khi chơi cố gắng tạo sự tương tác, hào hứng và sáng tạo của trẻ càng nhiều càng tốt. Nên kết thúc trò chơi khi trẻ có dấu hiệu chán như bắt đầu nhìn xa, lơ là hoặc trở nên kích động.

4/ Nên cho trẻ tiếp cận với sách, truyện ở nhiều nơi trong nhà

Những trẻ em yêu thích đọc sách thường được lớn lên trong môi trường mà sách vở hiện diện hầu như khắp ngôi nhà. Đừng để sách xa tầm tay của trẻ.  Lưu ý rằng trẻ có vóc dáng nhỏ bé, vì thế hãy sắp xếp sách, truyện ngay gần sàn nhà, trong tầm với của các bé. Bạn nên cùng  bé đọc sách truyện hằng ngày, thậm chí là nhiều lần trong ngày để tạo thói quen đọc sách. Đối với trẻ nhỏ, mẹ có thể chỉ vào những bức tranh trong sách và miêu tả, gọi tên cho bé. Chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú và bạn sẽ nhận được kết quả tích cục không ngờ từ việc cho trẻ tiếp xúc với sách từ giai đoạn sơ sinh đấy!

Theo marrybaby

Leave a Reply

Or