3 tháng cuối của thai kỳ mẹ bầu làm tốt những việc này, sinh nở sẽ dễ dàng, thuận lợi
Để chuẩn bị cho ca “vượt cạn” trước mắt, mẹ bầu cần sẵn sàng về cả sức khỏe lẫn tinh thần.
Mang thai đến giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, chắc hẳn mẹ đang hồi hộp chờ đến ngày em bé chào đời. Vậy nhưng bên cạnh cảm xúc mong chờ, háo hức thì mẹ cũng khó tránh khỏi những lo lắng, lăn tăn về ca sinh vốn được miêu tả đau đớn như gãy xương sườn. Thực tế, lúc này thay thì lo sợ, mẹ hãy làm ngay 4 việc dưới đây để giúp ca “vượt cạn” sắp tới diễn ra thuận lợi, suôn sẻ hơn.
Giữ chế độ ăn uống hợp lý
3 tháng cuối của thai kỳ là lúc thai nhi phát triển nhanh nhất để tạo nên một hình hài thật sự của một em bé. Nhiều mẹ bầu bị ép phải ăn thật nhiều cho con to khỏe. Nhưng thực tế là thời điểm này mẹ bầu nên tuân theo một chế độ ăn uống khoa học, ăn những đồ ăn bổ dưỡng nhưng không khiến mẹ tăng quá nhiều cân. Thai nhi quá nặng cân cũng không thực sự tốt cho quá trình sinh nở của người mẹ. Mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn, ăn nhiều trái cây và rau quả, không ăn thức ăn nhanh có hàm lượng calo cao khi đói và uống những đồ uống nhiều đường.
Bên cạnh đó, mẹ có thể tham khảo một vài món ăn có tác dụng kích thích cổ tử cung mở nhanh vào giai đoạn gần “về đích” như chè vừng đen, dứa,…
Bà bầu nên ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tránh tăng cân quá nhiều trong 3 tháng cuối.
Ngủ đủ giấc
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology (Mỹ) cho thấy mẹ nên cố gắng ngủ ít nhất là bảy giờ mỗi ngày, đặc biệt là trong những tháng cuối cùng của thai kỳ. Những mẹ ngủ ít hơn sáu giờ mỗi ngày sẽ trải qua cơn chuyển dạ lâu hơn 11 giờ so với các mẹ ngủ đủ giấc; đồng thời các mẹ ngủ ít phải đối mặt với nguy cơ sinh mổ gấp bốn lần so với các bà mẹ ngủ đủ. Đây là lý do tại sao mẹ nên coi trọng giấc ngủ khi mang thai hơn.
Nếu khó ngủ vì bụng to nặng nề, mẹ nên đầu tư một chiếc gối ngủ dành cho mẹ bầu, hoặc kê gối cao hơn, đặt gối ôm xung quanh cơ thể để gác chân. Ngoài ra, mẹ cũng cần ăn uống đủ để giấc ngủ không bị phá giữa chừng vì đói. Trước khi ngủ, mẹ cũng không nên uống nhiều nước vì sẽ phải dậy đi tiểu nhiều lần. Nếu cần, hãy đề nghị bố ngủ riêng để mẹ có không gian ngủ rộng rãi và đỡ bị làm phiền.
Vận động đều đặn
Mẹ bầu chăm vận động sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, năng động, dẻo dai hơn và giúp giảm thiểu cơn đau trong suốt quá trình sinh nở. Lời khuyên là các mẹ nên đi bộ một khoảng cách ngắn mỗi ngày, ví dụ có thể đi bộ xung quanh nhà để giữ cho cơ thể dẻo dai, mạnh mẽ. Quá trình đi bộ vừa giúp mẹ tập thở vừa giúp bền sức hơn.
Đặc biệt đi bộ khi mới chuyển dạ sẽ giúp mẹ thư giãn, điềm tĩnh và làm rút ngắn thời gian sinh nở. Bởi vì vượt cạn là một hoạt động đòi hỏi các mẹ phải có sức chịu đựng rất lớn và sức khỏe bền bỉ, nên việc chịu khó vận động và tập thể dục sẽ giúp cơ thể của mẹ chuẩn bị để chống chọi với cơn đau kéo dài trên dưới 10 tiếng đồng hồ. Mẹ cũng có thể rèn luyện sức khỏe bằng cách tham dự các khóa học yoga cho phụ nữ mang thai, hoặc thể dục nhẹ nhàng trong thai kỳ.
Mẹ bầu nên vận động đều đặn nhưng tránh quá sức trong giai đoạn 3 tháng cuối mang thai.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không vận động quá sức của mình và tránh các động tác có thể gây hại đến thai nhi trong bụng. Tốt nhất, mẹ nên xin lời khuyên của bác sĩ hoặc các huấn luyện viên thể dục chuyên nghiệp để xây dựng bài tập phù hợp với mình.
Giữ tâm trạng thoải mái
Đối với mẹ bầu, tâm trạng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thai nhi. 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu càng nên giữ cho tâm lý của mình thoải mái, không nên cáu gắt hay bực bội. Việc sẵn sàng tâm lý ở đây bao gồm cả chuẩn bị tinh thần cho cuộc sinh nở sắp tới. Mẹ bầu nên chia sẻ tâm tư, tình cảm với chồng, người thân, làm những việc khiến mình cảm thấy thoải mái như đi dạo, mua sắm, massage…
Bên cạnh đó, mẹ có thể tham gia các lớp học tiền sản để nắm được cụ thể quá trình sinh nở, các dấu hiệu sắp sinh hay cách thở, rặn khi sinh con. Việc nắm rõ quy trình sẽ giúp mẹ tự tin, thoải mái hơn khi bước vào ca “vượt cạn”. Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!