3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: sởi, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết ở trẻ

Sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết là ba trong số những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các bệnh trên dễ bùng phát thành đại dịch nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt.

Thời gian gần đây, bệnh sởi trở thành “nỗi ám ảnh thường trực” của các bậc cha mẹ khi hàng nghìn trẻ mắc bệnh trong đó có hơn một trăm trẻ tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, thường xảy ra vào tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.

Khi mắc sởi, trẻ thường có biểu hiện ban đầu giống với bệnh cúm thông thường: sốt, ho, họng đỏ và đau, chảy nước mắt, mắt cộm đỏ,… Sau 2 – 3 ngày thì trẻ bắt đầu phát ban theo thứ tự từ sau tai, lan xuống mặt, ngực và toàn thân.  Các nốt ban đỏ của sởi thường có màu đỏ tươi, nhỏ, dạng  sẩn, sờ vào thấy gồ ghề trên da. Trẻ sốt cao trong suốt quá trình mọc ban.

Ba bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: sởi, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết

Nếu được điều trị đúng cách, sau khoảng 1 tuần, ban đỏ sẽ bay dần, theo như trình tự nó xuất hiện và để lại các vết thâm trên da, trẻ hết sốt và sức khỏe dần bình phục. Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt sởi với các bệnh khác như sốt phát ban, sốt xuất huyết.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sởi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng: biến chứng hô hấp (suy hô hấp, thở gấp, thở nhanh), viêm não, biến chứng tai-mũi-họng, suy giảm miễn dịch,… Các biến chứng trên chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ.

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi đó là cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả phòng sởi đạt đến 95% và khi đó cơ thể đã có miễn dịch, không cần tiêm thêm ngay cả khi có dịch sởi.

Trong khi dịch sởi đang hoành hành dữ dội thì một loại bệnh truyền nhiễm khác có tính chất nguy hiểm không kém nhưng lại diễn biến âm thầm đó là bệnh tay-chân-miệng. Bệnh do nhóm virus đường ruột gây ra, lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay  tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, phân của người bị bệnh. Do không có vắc-xin dự phòng nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất với những biểu hiện ban đầu như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi trong vài ngày. Tiếp theo bệnh sang giai đoạn toàn phát với sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Chúng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét gây đau rát làm trẻ khó ăn uống.

Sau đó, mụn nước, bọng nước xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả ở mông. Chúng không gây đau và tồn tại trong vòng 7 – 10 ngày rồi xẹp xuống, tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Tay-chân-miệng là bệnh lành tính, ít biến chứng nhưng khi đã biến chứng lại rất nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.

Ba bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: sởi, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết 3

Cũng có hiện tượng nổi ban đỏ, sốt xuất huyết dễ bị nhầm sang các bệnh như sởi hoặc sốt phát ban. Ban đầu, trẻ có những triệu chứng như sốt cao, nổi chấm xuất huyết dưới da, chán ăn,… Chỉ đến khi sốt cao kéo dài liên tục 5 – 7 ngày kèm theo một trong các dấu hiệu: chảy máu mũi, chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen thì mới khẳng định được bệnh sốt xuất huyết.

Chính vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ mắc sốt xuất huyết, bố mẹ không nên cho trẻ ăn các thực phẩm có màu đen hoặc nâu vì khi trẻ nôn hoặc đại tiện sẽ khó phát hiện có lẫn máu hay không.

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền, không có vắc-xin dự phòng và thường xảy ra vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Bệnh có thể gây biến chứng đặc biệt nguy hiểm như sốc, suy hô hấp, xuất huyết trong, tổn thương đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Các bệnh sởi, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng nếu được phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách. Tuy nhiên, dù mắc loại bệnh nào, trẻ cũng mệt mỏi, chán ăn, làm chậm quá trình phát triển thể chất.

Do đó, phòng bệnh bằng vắc-xin đối với bệnh sởi, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng trước bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết luôn là điều được khuyến khích để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cả gia đình.

Theo Nhatkybe

Leave a Reply

Or