Viêm não Nhật Bản và những hậu quả

Những tháng mùa mưa thường là đỉnh điểm của dịch Viêm não Nhật Bản. Căn bệnh này thường xảy ra ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi và tỷ lệ tử vong cao. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp mẹ nắm bắt cách phòng ngừa và xử lý nhanh chóng trong trường hợp bé mắc bệnh

Muỗi là tác nhân truyền bệnh

Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra. Điều đặc biệt là bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người mà thông qua vết muỗi đốt. Virus của bệnh không chỉ tồn tại trong cơ thể người mà còn có ở heo (lợn) và các loài chim ở vùng nước.  Một số loài bò sát, vật nuôi như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là các ổ chứa virus. Muỗi sẽ đốt các cá thể mang mầm bệnh và truyền sang cơ thể người.  Vì vậy, trong những tháng muỗi sinh sản nhiều thì bệnh cũng sẽ tăng cao, đỉnh điểm là từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Các ca bệnh có thể xuất hiện trên phạm vi cả nước nhưng đông nhất là ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc.

Mức độ nguy hiểm

Sau khi ủ bệnh khoảng 5 đến 7 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như viêm mũi, viêm họng, ho… rồi sốt cao 39 – 40oC kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn. Trẻ còn bị cứng gáy và có thể bị lú lẫn, mất ý thức. Khi bệnh toàn phát, bé có thể hôn mê, co giật, cử động bất thường . Bước sang tuần thứ 2, các dấu hiệu bệnh sẽ thuyên giảm nhưng có thể để lại các di chứng như bại liệt, liệt chi, rối loạn phối hợp vận động. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20 – 30%.

viem-nao1

Nếu trẻ sốt cao kèm theo cứng gáy thì đây là biểu hiện rõ ràng của viêm não

Điều trị và phòng ngừa

Nếu nghi ngờ con mắc bệnh, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay bởi các biện pháp chăm sóc tại nhà không thể chữa trị được cho bé. Căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị, nên các bác sỹ sẽ thực hiện một loạt các biện pháp mang tính hỗ trợ để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh.

Cách tốt nhất để chống viêm não Nhật Bản là phòng ngừa. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chống muỗi. Nếu có nuôi heo hay ở trong vùng trồng lúa nước, cần vệ sinh chuồng trại, ruộng vườn để diệt muỗi và xây chuồng trại cách xa nhà ở.  Nếu bạn ở thành thị và có ý định mang con về vùng đồng quê để vui chơi ngày nghỉ, đừng quên những biện pháp chống muỗi nhé.

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản

Thật may mắn là bệnh nguy hiểm này đã có vắc xin. Ngay khi bé tròn 1 tuổi, mẹ đã có thể đưa bé đến các cơ sở y tế để tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.  Nếu bé đã đến 5 tuổi mà vẫn chưa được chích ngừa theo chương trình này, mẹ cần cho bé chích ngừa càng sớm càng tốt.

Mũi tiêm đầu tiên có thể tiến hành từ lúc bé 1 tuổi cho đến dưới 15 tuổi. Mũi tiêm thứ hai sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi thứ 3 sau mũi 2 một nă. Sau đó, cứ 3-4 năm bạn tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đã qua 15 tuổi. Đây là cách duy nhất có thể giúp bé hoàn toàn tránh được bệnh viêm não Nhật Bản.

Lưu ý duy nhất dành cho mẹ khi sử dụng vắc-xin này là chú ý các biểu hiện của bé. Bé có thể bị sốc phản vệ nhưng tỷ lệ này rất thấp. Một số tác dụng phụ phổ biến hơn bao gồm đau, sưng, đỏ chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu và mệt mỏi sau khi tiêm khoảng vài giờ và sẽ tự hết sau 1-2 ngày.

MarryBaby

Leave a Reply

Or