Truyên cổ tích mẹ kể con nghe(P1)

SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

Truyen co tich

Ngày ấy, không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của Quỷ. Quỷ đối với Người ngày càng quá tay. Chúng nó dần dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng, chúng nó bắt Người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu. Chúng nó lấy áp lực, bắt Người phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Cảnh tượng xương bọc da thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Bên cạnh bọn Quỷ reo cười đắc ý, Người cơ hồ muốn chết rũ.
Phật từ phương Tây lại, có ý định giúp Người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo Người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng như Phật dặn. Quỷ không ngờ Người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như mùa trước: Ăn ngọn cho gốc”.

Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lúc lỉu chạy về nhà Người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhá nổi. Nhưng ác nỗi, thể lệ đã quy định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là ăn gốc cho ngọn. Phật bảo Người chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo Người về nhà, còn rạ phó mặc cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên hố ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này Quỷ nghĩ: – “Cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng đằng nào cũng không lột khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn và Người thay đổi giống mới. Phật trao cho Người hạt giống cây ngô để gieo khắp nơi mọi chỗ.

Năm ấy lại một lần nữa Người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết, từng gánh ngô đã gánh về chứa từng cót đầy ắp. Về phần Quỷ lại bị một vố cay chua, tức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: – “Thà không được gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình”.

Phật bảo Người điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là đất sở hữu của Người ở dã. Ban đầu Quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu thì ít mà giá rất hời bèn nhận lời: – “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu. Chúng nó nghĩ thế. Hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng che là đất của Quỷ, trong bóng che là của Người.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế; mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi, lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông. Vì thế người ta mới gọi là Quỷ Đông.

Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay Người, Quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Lần này Người phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó ngao, bạch xà, hắc hổ, v.v… rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp Người, làm cho quân của Quỷ không tiến lên được.

Sau mấy trận bất lợi, Quỷ bèn cho quân đi dò xem Phật sợ gì. Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Đối lại Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ chỉ sợ độc có mấy thứ: máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của Quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vẩy khắp mọi nó. Quân của Quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của Quỷ lại đem oản chuối vào ném quân Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi giã tỏi phun vào quân dịch. Quân của Quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần thứ ba, quân của Quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào Quỷ. Người lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông[1]. Ngày Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ đực, Quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu sát đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thương hại, hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh.

Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ[2].

Có câu tục ngữ:

Cành đa lá dứa treo kiêu (cao),

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.

Quỷ vào thì quỷ lại ra,

Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm 3.

Ngày xưa người ta còn tin rằng những lúc cần đuổi quỷ như khi có dịch tễ chẳng hạn, thì treo một nắm lá dứa ở trước ngõ hay vẩy máu chó khắp mọi nơi cho Quỷ khỏi quấy. Đàn bà thường buộc tỏi vào giải yếm là cũng có một mục đích gần như vậy.

LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ

Truyen co tich

Cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lâm. Lớn lên Sùng làm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lâm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.

Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đề bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh. Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.

Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.

Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hóa thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại. Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.

Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó. Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.

Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.

Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh. Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quất ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.

Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: “Hễ có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! “

Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: “Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!”. Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.

Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hóa làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao. Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.

Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp khoẻ mạnh và thông minh tuyệt vời.

Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về, nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: “Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này”.

Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:

– Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não.

Lạc Long Quân nói:

– Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.

Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.

Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.

QUẢ BẦU TIÊN

Truyen co tich

Một hôm có một con Cáo ở đâu mà tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất gãy cánh. Chú bé vội lao ra cứu con chim. Chú ôm ấp vỗ về con Én nhỏ, làm cho nó một cái tổ khác và chăm cho con Én ăn. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, con Én đã khỏi đau. Mùa thu đến khi nhìn lên trời thấy từng đàn Én hối hả bay đi tránh rét ở phương Nam, con Én nhỏ phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa lại lưu luyến không nỡ rời chú bé.

Hiểu được lòng Én, chú bé âu yếm bảo:

– Én cứ bay theo đàn đi kẻo mùa đông lạnh lắm. Đến mùa xuân ấm áp thì Én lại trở về với anh.

truyen co tich: qua bau tien – 1

Khi Én nhỏ gặp hoạn nạn, chú bé tốt bụng đã tận tình cưu mang và làm cho Én một ‘ngôi nhà’ thật xinh

Nói xong chú bé tung con Én nhỏ lên trời. Con Én đang chấp chới bay lên nền trời xanh biếc của mùa thu. Nó nhập vào một đàn Én lớn đang trên đường di cư về những xứ sở ấm áp ở phương Nam. Con Én nhỏ mau chóng tìm được niềm vui giữa bạn bè, nhưng nó không thể nào quên chú bé.

Mùa xuân tươi đẹp đã tới. Con Én nhỏ tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng đầm ấm tình thương của chú bé. Nó kêu lên thành tiếng mừng vui khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân. Đôi cánh Én chao liệng sà xuống và Én thả trước mặt chú bé một hạt bầu.

Chú bé vùi hạt bầu xuống đất. Chẳng bao lâu hạt bầu đã nảy mầm thành cây. Cây bầu lớn nhanh như thổi, ra hoa, kết quả. Nhưng lạ chưa, quả bầu to khổng lồ, cả nhà chú bé mới khiêng về được một quả, khi bổ ra… Ôi! Thật kì diệu! Trong quả bầu đầy vàng bạc, châu báu và thức ăn ngon!

Tên địa chủ trong vùng nghe được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho nhiều quả bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt một con chim Én con rồi bẻ gãy cánh. Sau đó hắn giả vờ thương xót con Én rồi đem về nuôi.

Đến mùa thu, khi nhìn lên trời thấy đàn Én đầu tiên xuất hiện, hắn vội vàng ném con Én lên trời và bảo:

– Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên về đây cho ta!

Con Én khốn khổ bay đi. Mùa xuân năm sau nó cũng trở về và đem theo một hạt bầu. Tên địa chủ hí hửng đem gieo và ngày đêm canh giữ. Khi quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về rồi đuổi tất cả ra. Hắn đóng cửa lại rồi một mình hắn bổ quả bầu tiên. Quả bầu vừa được bổ ra, vàng bạc chẳng có, chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu xông ra cắn chết tên địa chủ tham lam độc ác.

CHÚ BÉ TÍ HON

Truyen co tich

TRUYỆN CỔ GRIM – Chú bé Tí Hon
Xưa có một bác nông dân nghèo. Buổi tối, bác thường ngồi bên bếp lửa, nói với bác gái đang xe chỉ:
– Vợ chồng mình hiếm hoi thật là buồn. Nhà mình tẻ ngắt, còn các nhà láng giềng thì thật là vui vẻ nhộn nhịp.
Bác gái thở dài đáp:
– Giá như được một đứa con dù bé bằng ngón tay cái, tôi cũng thỏa lòng, chắc vợ chồng mình sẽ yêu quí nó lắm nhỉ. Được ít lâu, người vợ thụ thai và bảy tháng sau sinh được một thằng bé đầy đủ mặt mũi chân tay, nhưng chỉ vừa bằng ngón tay cái. Hai vợ chồng nói:
– Thật đúng như lời ước nguyện. Vợ chồng mình sẽ yêu quí nó lắm nhỉ. Vì nó bé bằng ngón tay cái nên họ đặt tên nó là Tý hon. Tuy hai vợ chồng cho con ăn uống đầy đủ, con vẫn không nhỉnh lên một chút nào cả, cứ nguyên như lúc đẻ ra. Được cái mắt nó sáng, có vẻ thông minh. Chẳng bao lâu nó đã khôn ngoan khéo léo, làm gì cũng được. Một hôm người bố sửa soạn vào rừng đẵn củi, miệng lẩm bẩm: “Giá ta có người đánh xe hộ có thích không”. Tý hon bèn thưa rằng:
– Bố ạ, con đánh xe được, bố cứ tin ở con, thế nào xe cũng đến rừng đúng lúc.
Bố cười nói:
– Con đánh xe thế nào được! Con bé quá, không cầm nổi cương đâu.
– Không sao bố ạ. Nếu mẹ con thắng ngựa vào cho con, con sẽ ngồi vào tai nó. Con thét một tiếng là nhất định nó phải đi.
Bố nói:
– Được, để thử xem.
Mẹ thắng ngựa và đặt Tý hon vào tai ngựa. Nó thét “Tắc, tắc” cho ngựa chạy. Thế là ngựa chạy như có người đánh xe thật, và xe cứ lên đường chạy vào rừng. Khi xe rẽ ở một chỗ ngoặt, Tý hon thét: “Tắc, tắc” thì có hai người lạ mặt chạy đến. Một người nói:
– Trời ơi, không thấy người đánh xe mà xe cứ đi, lại nghe thấy tiếng người đánh xe. Quái lạ nhỉ:
Người kia cũng nói:
– Ừ, cũng lạ thật, ta thử đi theo xem xe ở chỗ nào.
Xe chạy thẳng một mạch vào rừng rồi dừng lại đúng chỗ có củi đã đẵn.
Tý hon thấy bố gọi:
– Bố ơi, bố thấy chưa, con đã đưa xe đến đây, bố cho con xuống đi.
Bố chạy đến, tay trái nắm cương ngựa, tay phải nhấc con ra khỏi tai ngựa, rồi đặt con xuống. Tý hon vui vẻ ngồi lên một cọng rơm. Trông thấy Tý hon hai người lạ mặt sửng sốt không nói lên lời. Một người kéo bạn ra một chỗ bảo:
– Này, nếu ta đem thằng nhóc này đi làm trò ở tỉnh to thì phát tài đấy. Ta mua nó đi.
Hai người bèn đến bảo bác nông dân:
– Ông bán cho chúng tôi thằng bé này, chúng tôi sẽ chăm sóc nó cẩn thận.
Người bố đáp:
– Không, nó là khúc ruột cắt đôi của tôi. Bạc vàng trên cả thế gian này đối với tôi cũng không bằng được.
Nghe thấy hai người hỏi mua, Tý hon níu lấy quần áo bố trèo lên vai nói thầm:
– Bố ơi, bố cứ bán con đi, thế nào rồi con cũng về được.
Ông bố liền bán con lấy một số tiền to.
Hai người kia hỏi Tý hon:
– Mày muốn ngồi đâu?
– Khó gì đâu, cứ để cháu lên vành mũ, cháu sẽ đi đi lại lại trên ấy xem phong cảnh, cháu không ngã đâu mà ngại. Một người đặt nó lên vành mũ. Sau khi Tý hon đã chào bố, họ đem nó đi, đi mãi. Đến xâm xẩm tối, Tý hon nói:
– Cho cháu xuống đất một lát, cháu cần lắm.
Người mang nó trên mũ nói:
– Cứ việc ở trên ấy, không có gì phiền bác đâu, chim thỉnh thoảng vẫn ỉa trên ấy mà!
Nó nói:
– Không mà, cháu cũng biết cư xử thế nào cho phải, ông cho cháu xuống mau mau đi.
Người ấy cất mũ, nhắc Tý hon xuống ruộng gần vệ đường. Nó lẩn ngay vào giữa những cục đất, rúc vào một cái hang chuột. Rồi nó lên tiếng chế hai người kia:
– Thôi chào hai ông, hai ông về với nhau nhé.
Hai người lấy gậy chọc vào hang chuột để bắt nó, nhưng mất công toi vì Tý hon bò vào sâu quá. Trời đã tối hẳn, hai người đành bỏ về tay không. Khi họ đi rồi, Tý hon chui ở hang ra. Nó nghĩ bụng: “Đêm tối mà cứ chuệnh choạng ngoài đồng thì nguy, vỡ đầu gãy cẳng như chơi”. May sao nó vấp phải một cái vỏ sên. Nó chui vào nói:
– Lạy chúa, đêm nay con có chỗ ngủ yên rồi.
Vừa chợp mắt, thì nó nghe thấy tiếng hai người đi qua. Một người nói:
– Làm thế nào mà ăn trộm được vàng bạc của lão cha xứ giàu sụ nhỉ? Tý hon nói xen vào:
– Để tôi bày mưu cho.
Một tên trộm hốt hoảng nói:
– Cái gì thế? Tao vừa nghe thấy tiếng người nói:
– Các bác cứ đi theo, tôi sẽ giúp cho.
– Nhưng mày ở chỗ nào cơ?
– Các ông cứ tìm tôi ở dưới đất, chỗ nào có tiếng nói ấy. Bọn kẻ trộm tìm mãi mới thấy Tý hon. Chúng nhấc nó lên hỏi:
– Mày liệu giúp chúng tao được việc gì hở nhãi?
– Cháu sẽ luồn qua chấn song cửa sổ nhà cha xứ. Các bác muốn lấy gì cháu chuyền ra cho chứ gì.
– Được. Để xem tài mày ra sao.
Khi kẻ trộm đến nhà cha xứ, Tý hon chui vào buồng, rồi thản nhiên hỏi rõ to:
– Các bác có muốn khoắng sạch cái buồng này không?
Bọn kẻ trộm sợ hãi bảo nó:
– Nói khẽ chứ, người ta thức dậy bây giờ!
Nhưng Tý hon vẫn tảng lờ như không nghe tiếng lại hỏi to:
– Các bác muốn lấy gì, khoắng sạch nhé?
Bà cụ làm bếp ngủ ở buồng bên cạnh nghe thấy ngồi nhỏm dây, lắng tai nghe. Bọn kẻ trộm hốt hoảng toan lẩn ra nhưng lại trấn tĩnh, cho là Tý hon trêu mình thôi. Chúng trở lại khẽ bảo:
– Thôi nào đừng đùa nữa. Có gì thì chuyển ra đi nào!
Tý hon lại kêu thật to:
– Cháu chuyển tất cả nhé, giơ tay ra mà đón lấy.
Lần này bà già nghe thấy rõ mồn một, bước xuống giường lò mò ra cửa. Kẻ trộm vội chạy bán sống bán chết như có ma đuổi. Bà già không thấy gì, đi thắp nến. Khi bà trở lại, Tý hon đã trốn vào đống cỏ. Bà lục soát mọi chỗ không thấy gì, tưởng là mình mê ngủ, lại lên giường nằm.
Tý hon nằm co ro trong đám cỏ khô, định ngủ đến sáng mai rồi về nhà. Nhưng định thế này lại ra thế khác. Chà, ở đời thật lắm nỗi gian nan! Trời vừa tàng tảng sáng, bà già đã dậy cho súc vật ăn. Trước tiên bà vào kho, lấy một ôm cỏ, đúng ngay chỗ Tý hon ngủ. Tý hon ngủ say quá, nên mãi đến khi vào mồm bò rồi mới thức giấc. Nó kêu lên:
– Trời ơi tôi đã ở trong cối bác nện dạ rồi.
Nhưng sau đó biết ngay là mồm bò rồi. Nó cố tránh cho khỏi bị nghiến, thì bị nuốt trôi vào dạ dày. Nó nghĩ bụng: “Gian nhà này không có cửa sổ, chẳng thấy mắt trời, đèn đóm gì cả!”. Ở đây nó thấy khó chịu lắm, khổ nhất là cỏ cứ tuôn vào, chỗ ở ngày càng thêm chật hẹp. Nó sợ quá kêu to:
– Đừng tuôn cỏ tươi vào nữa! Đừng tuôn cỏ tươi vào nữa!
Lúc đó, bà già đang vắt sữa bò, không trông thấy người mà lại nghe thấy tiếng nói y như tiếng đêm qua. Bà sợ quá, đang ngồi ghế, ngã lăn ra đổ hết sữa. Bà vội đi tìm cha xứ mách:
– Quái lạ, bò nhà biết nói cha ạ.
Cha xứ hỏi:
– Bà điên à?
Rồi cha xuống chuồng bò xem thực hư thế nào. Cha mới bước vào, đã nghe thấy tiếng Tý hon kêu to:
– Đừng tuồn cỏ tươi vào nữa!
Cha xứ cũng đâm hoảng. Cho là bò bị quỷ ám. Cha sai giết bò. Người ta làm thịt bò xong quẳng ra đống phân cái dạ dày có chứa Tý hon.
Nó loay hoay mãi mới thò được đầu ra, lại gặp ngay sự chẳng lành: một con chó sói đói bụng qua đấy, nuốt chửng cả dạ dày lẫn nó. Tý hon vẫn yên trí nghĩ bụng:
– “Có lẽ sói này bảo được”. Rồi từ trong bụng sói nó nói to:
– Cậu sói ơi, tôi muốn mách cậu một miếng ăn tuyệt ngon.
Sói hỏi:
– Ở đâu thế?
Tý hon bảo cho sói biết nhà bố mình ở đâu và nói:
– Cậu cứ chui qua cống vào bếp thì cậu sẽ tha hồ chén bánh ngọt, mỡ, xúc xích, đủ thứ. Sói không đợi Tý hon phải nói hai lần. Đêm đến, sói vội chui qua cống vào bếp chén thả cửa. Sói ăn no phình bụng rồi, muốn ra không được, vì qua đường cũ không lọt nữa. Tý hon đã tính trước đến mức đó. Thế là ở trong bụng sói, Tý hon kêu la inh ỏi lên. Sói nói:
– Mày có im đi không người ta thức dậy bây giờ.
Tý hon đáp:
– Úi chà, cậu đã chém thích rồi, tôi cũng phải tiêu khiển chứ. Nói xong nó lại hét ầm lên.
Bố mẹ nó nghe tiếng, thức dậy chạy xuống bếp ngó qua keo vách thì thấy sói. Ông chạy đi lấy rìu, bà lấy hái. Lúc vào chồng bảo vợ:
– Bà đứng sau tôi, nếu tôi choảng một cái mà nó chưa chết ngay, thì bà đâm vào bụng nó nhé.
Tý hon nghe thấy tiếng bố, reo lên:
– Bố ơi, con ở trong bụng sói đấy.
Bố mừng quýnh nói:
– Lạy chúa! Đứa con vàng bạc của tôi đã về đây rồi.
Rồi bác bảo vợ vứt hái đi để con khỏi bị thương. Đỗån ông giơ rìu lên, giáng cho sói một nhát chết tươi. Sau bác lấy dao kéo mổ bụng sói, lôi Tý hon ra.
Bác nói:
– Ở nhà bố mẹ lo cho con quá con ạ.
– Thưa bố, con đã đi đây đi đó nhiều, may mà nay con lại được thở không khí trong lành.
– Thế con đã đi những đâu?
– Bố ạ, con đã ở trong hang chuột, trong dạ dày bò, trong bụng sói, bây giờ con muốn ở nhà với bố mẹ.
Bố mẹ ôm hôn con mà rằng:
– Từ nay dù được bao nhiêu tiền, bố mẹ chẳng bán con nữa đâu. Rồi bố mẹ cho con ăn uống và may quần áo mới cho nó, vì quần áo cũ đi nhiều đã rách hết.

Meonuoicon sưu tầm

Leave a Reply

Or