Thu Huyền – Tấn Minh: Chưa bao giờ phải đau đầu dạy con

Gặp Thu Huyền, không ai nghĩ cô đã có hai con, bởi lúc nào trông bà mẹ mê hát chèo này cũng trẻ trung, tươi như hoa. Cô chia sẻ, chưa bao giờ phải đau đầu khi dạy con mặc dù hai cậu bé nhà cô vô cùng nghịch ngợm.

Vợ chồng nghệ sĩ Tấn Minh – Thu Huyền có một tổ ấm đấy hạnh phúc. Mười năm bên nhau, cô “Thị Màu” của Nhà hát Chèo Hà Nội và chàng ca sĩ chuyên hát những bài hát ngọt ngào, sâu lắng đã có với nhau Tít lớn (10 tuổi) và Tít bé (3 tuổi) rất đáng yêu.

Thu Huyền chia sẻ rằng vợ chồng cô cũng muốn có nếp, có tẻ nhưng trời ban cho vợ chồng hai cậu con trai ngoan ngoãn, tuy nghịch ngợm nhưng rất dễ nuôi. Nhiều người thường khen chị nuôi con nhàn. Theo chị, nuôi con nhàn cũng bởi vì rèn được các con tính tự lập từ bé và biết để các bé tự do trong khuôn khổ cho phép.

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (1)

– Bận rộn với việc biểu diễn và quản lý (NSƯT Thu Huyền hiện là Trưởng đoàn 2 – Nhà hát Chèo Hà Nội), chị và ông xã làm thế nào để có thể cân bằng được công việc với cuộc sống gia đình?

Nếu phải diễn thì hai vợ chồng 7 hoặc 8h mới lên sân khấu nên vẫn có thời gian dành cho con. Hai vợ chồng mình có đợt bận, đợt thì rất rảnh rỗi. Nhà mình cũng có nguyên tắc là thứ bảy hoặc chủ nhật, trừ những khi có việc bận bất khả kháng thì bố mẹ mới đi, nếu không thì dành trọn vẹn thời gian bên các con.

Mình tạo cho con tự lập được nhiều thứ. Cả hai bé khi 3 tuổi đã tự đánh răng rửa mặt, biết tự mặc quần áo, biết xúc ăn. Bé lớn 5 tuổi đã tự tắm được. Bây giờ mình cũng không cần chăm các bé quá nhiều.

– Rèn con như vậy, chị có mất nhiều thời gian không?

Rèn các bé rất mất thời gian. Đầu tiên cứ để cho các con tự làm, mình giám sát. Lúc đầu các bé cũng bỡ ngỡ, chưa quen. Mình chấp nhận việc để con làm hỏng, ăn vương vãi thức ăn, đánh răng ướt hết quần áo… Sau quen dần rồi tự làm được. Nhưng một vài hôm thì mình lại phải kiểm tra xem Tít bé đánh răng có sạch không, Tít lớn tắm thế nào… Khi con làm được rồi thì mình rất yên tâm.

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (8)

– Chị còn dạy cho bé tự lập những gì nữa?

Mình dạy bé tự lập và tự chủ. Mình phải giảng giải cho hai em bé rằng không được sờ vào ổ điện, không được bật bếp ga… như thế là nguy hiểm. Tất nhiên bé không thể hiểu từ nguy hiểm mà mình phải dẫn chứng trực tiếp thì bé mới hiểu được. Tít bé nghịch lắm, ngã sứt trán nên giờ vẫn sợ. Mình hỏi bé là con ngã có đau không, ngã chảy máu, con rách trán phải đi khâu thì có sợ không? Sau đó mình bảo bé rằng nguy hiểm chính là đau như thế. Vậy là bé sợ và bé hiểu.

Mình luôn phải giảng cho các con những điều tối thiểu để dần các con biết tránh những cái nguy hiểm. Mình không thể lúc nào cũng chạy theo, rồi thấy gần nguy hiểm lôi lại ngay mà không dạy bé. Như vậy trẻ không thể biết được mà tự tránh.

Nhà mình cũng có bác giúp việc nhưng không được giúp con mình nhiều. Con mình tự làm những điều có thể làm được. Ví dụ như con ngã là tự đứng dậy, không xuýt xoa để cho bé hờn dỗi.

Mình dạy cho các bé để các bé biết những điều cơ bản nếu không sẽ bị ỷ lại và loay hoay trong cuộc sống.

– Ông bà nội ngoại ủng hộ hay phản đối cách nuôi dạy con của vợ chồng chị?

Thường ông bà hay chiều cháu hơn bố mẹ nhưng may mắn là nhà mình rất thống nhất trong cách dạy con. Bà là người hiện đại và tân tiến, biết tôn trọng phương pháp dạy con của hai vợ chồng.

Thậm chí trong hai vợ chồng cũng phải thống nhất dạy con cái. Anh Minh ít quát mắng, hay chiều con. Nhưng mình biết tạo cho con sợ bố. Bố là người uy nhất trong gia đình. Trẻ con thì nhiều khi không biết gì nhưng thấy mình nể chồng thì con cũng sợ. Mình không bao giờ nói rằng: “Ôi giời, bố mày thì…” (cười).

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (7)

– Khi bé mắc lỗi, anh chị làm như thế nào?

Mình phạt. Như bé lớn thì cấm vận, phạt mấy ngày không được đi chơi, không được xem vô tuyến hay chơi điện tử. Hoặc là bảo bé rằng tối nay đáng lẽ nhà mình đi chơi nhưng vì con không ngoan nên con phải ở nhà. Bé rất sợ.

Bé nhỏ thì mẹ cầm roi, đánh vào tường rồi hỏi: “Con thấy đánh thế này thì con có đau không?”. Thấy roi kêu là bé sợ lắm! Hoặc là dọa đưa ra đồn công an cho chú công an phường xử lý.

Mình không đánh, không thích và không bao giờ đánh các con. Nếu mình đánh con thì con mình khổ thân và con dạn đòn. Thế nhưng mình cho con biết sợ. Khi con bé thì dọa nhưng lớn thì phải phân tích, giải thích cho bé hiểu và có hình thức phạt cụ thể, con biết được. Mình và anh Minh không bao giờ ủng hộ việc đánh con. Nhà mình hai con trai, nghịch lắm nhưng Anh Minh giận lắm cũng chỉ quát và phạt con.

– Nhiều bà mẹ cho rằng giận quá thì cũng nên tét mông con vài cái?

Mình nghĩ nên kiềm chế. Kìm hãm cơn tức giận rất là khó. Khi đánh con tức là đã rất tức giận, không còn cách nào khác. Tất cả là phải luyện và mình nghĩ có nhiều phương pháp khác, không nhất thiết phải đánh con.

Hai bé nghịch lắm, nhiều khi làm mình nhức hết cả đầu. Thế nhưng mình cũng quen dần. Mình không bao giờ quát: “Không được nghịch nữa!” vì đó là nhu cầu hết sức bình thường của các con. Giống như mình, mình muốn trò chuyện thì con muốn nghịch.

Nhà mình có riêng phòng chơi cho con. Trẻ con không thể ngồi im, cần để trẻ phát huy sự sáng tạo, giao tiếp của chúng.

Hai Tít nhà mình tuy nghịch ngợm nhưng đồng thời lại ham tìm tòi. Từ khi Tít lớn biết chữ mình đã mua rất nhiều sách cuộc sống, khoa học cho bé. Khi nhiều người phải dạy con về cuộc sống thì nhiều khi chính con mình lại dạy mình về khoa học, sức khỏe. Tạo cho con thói quen đọc sách từ bé rất là tốt.

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (9)

– Hai anh em trai chắc thường xuyên xảy ra tranh giành, cãi vã, lúc đấy bố mẹ phân xử thế nào?

Nếu xảy ra xích mích, không hài lòng thì mình để hai anh em tự giải quyết. Nếu không giải quyết được thì mình sẽ ra tay phân xử.

Bố mẹ thường chiều em hơn, thậm chí cả anh cũng chiều em. Thế nhưng vợ chồng mình vẫn rất công bằng để anh không cảm thấy bị bỏ rơi, hắt hủi.

Khi mình sinh Tít em, mình vẫn chiều Tít anh. Thậm chí còn phải chuẩn bị tâm lý thật vững cho bé: “Mẹ sinh cho con em giống con ngày xưa”, hoặc là “Mẹ sinh em bé giống như em này cho con làm anh”… Đến bây giờ, nhiều khi Tít lớn bảo mẹ: “Không có em thì con chơi một mình, con buồn lắm!”.

Trẻ con luôn có lúc tranh giành nhau, con trai thì càng nghịch. Vì thế mình phải luôn quan tâm tâm lý các con.

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (4)

– Bé lớn nhà chị mấy tuổi thì biết đọc?

Bé đi học thì mới biết đọc. Khi con nhỏ thì mình đọc cho các con nghe. Hết mẫu giáo thì chỉ thuộc bảng chữ cái thôi. Mình không cho con đi học trước vì độ tuổi đó thì bé mới có đủ tư duy để học, không nên bắt buộc bé. Trẻ con thì cần có thời gian khám phá cuộc sống và học nhiều kỹ năng khác, không phải chỉ có học chữ và số.

– Chị có thuê gia sư hoặc cho con đi học thêm không?

Bây giờ ở trường, Tít lớn nhà mình được học thêm vẽ, cờ vua, bóng rổ… Bé thích gì thì mình cho đi học. Mình không ép con học quá nhiều chương trình chính, cũng không cần thuê gia sư. Bé chỉ học thêm một buổi tiếng Anh vào chủ nhật.

Tít lớn đã có thể tự học và làm bài, không cần giảng quá nhiều. Mình chỉ định hướng, hướng cho con không giấu dốt, gợi ý cho bé luôn biết hỏi bố mẹ nếu thầy cô giảng mà chưa hiểu. Con mình luôn biết chia sẻ với bố mẹ những thắc mắc của mình.

Mình tạo được cho con tính tự giác nên không phải mệt mỏi khi kè kè bên cạnh hướng dẫn con mà vẫn tranh thủ làm được nhiều việc.

– Giai đoạn nào chị thấy dạy cho con tự giác học là vất vả nhất?

Vất vả nhất là năm Tít lớn lớp 1. Mình lúc nào cũng phải bên con, kèm Toán, tiếng Việt, viết chữ, kèm cho con vào nếp… Đến năm lớp 2 thì mình chỉ đưa thời gian biểu để cho bé học theo, sau đó mình kiểm tra.

Tan Minh Thu Huyen - mecon.vn (10)

– Anh chị nuôi dạy con theo hướng để trẻ phát triển tự nhiên hay gò vào khuôn khổ?

Nhà mình có hai con trai, cùng một phương pháp nuôi dạy nhưng tính nết khác nhau. Vì vậy không áp dụng cứng nhắc một phương pháp cho trẻ.

Mình để con phát triển tự nhiên trong khuôn khổ. Trẻ con là phải dạy, hướng dẫn cho hiểu, nghe. Mình dạy con từ cuộc sống, từ những việc làm của mình. Từ khi có con, mình cũng cần hoàn thiện bản thân mình thì con cái mới có thể phát triển tốt nhất.

– Chân thành cảm ơn chị! Chúc gia đình chị luôn vui vẻ và hạnh phúc!

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or