Sao con phải làm?

Hôm qua, trong lúc ngồi chờ khám bệnh, tôi ngồi gần một phụ nữ khá lớn tuổi. Sau vài câu xã giao, cô hỏi tôi có con chưa? Tôi bảo có rồi. Và rất tự nhiên, cô chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học kinh nghiệm cho tôi về cách dạy con biết yêu thương và chia sẻ công việc với mình.

Cô có một con gái, chồng mất khi vừa sinh con bé nên bao nhiêu tình thương cô đều dành cho con bé hết. Không chỉ vậy, cô còn hầu con gái như công chúa, không bao giờ cho nó đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì, suốt ngày chỉ nhắc nó học, học và học. Và kết quả, con bé học rất giỏi nhưng không biết làm bất cứ việc gì như mong muốn của cô. Lớp 12 mà ngay cả cắm nồi cơm điện cũng không biết làm. Mấy nay cô bệnh, không làm gì được nhờ nó thì nó bảo: “Mẹ tự lo đi, con còn bận học!”. Cô bảo, nghe nó nói vậy mà buồn muốn rớt nước mắt, trách nó thì trách nhưng ngẫm lại lỗi cũng do mình.

Tôi chia sẻ, thông cảm với người mẹ này nhưng không tán thành cách dạy, cách yêu thương con của cô ấy, vì như thế là hại con và tự hại chính mình. Hại trẻ sẽ sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân không biết cách sống sẻ chia, yêu thương, không thể lớn lên được suốt đời cứ làm một đứa trẻ; hại chính mình là suốt đời sẽ phải hầu con và mãi day dứt về cách dạy con sai lầm của mình.

Tôi có một bé gái, đến nay cháu đã 7 tuổi và làm việc nhà rất thạo. Cháu biết nấu cơm, nấu những món đơn giản, biết giặt và gấp quần áo, biết lau nhà, quét nhà, rửa chén…. Để có được thành công trong việc rèn cháu như hôm nay, tôi cũng đã trải qua không ít khó khăn.

Tôi tập cho bé biết làm những việc nhà phù hợp từ lúc 5 tuổi. Lúc mới biết làm cháu háo hức lắm, nhưng khi làm được việc rồi cháu rất lười không chịu giúp nữa và bảo rằng đó là việc của mẹ, sao mẹ cứ sai con hoài, con mệt lắm. Tôi “đầu hàng” tính lười này của con một thời gian ngắn để tìm cách phù hợp “trị” con và tôi đã có cách. Đó là một buổi chiều, sau giờ làm tôi đón cháu về, tôi bảo:

– Hôm nay mẹ mệt nên con giúp mẹ quét nhà và lau nhà trong khi mẹ chuẩn bị cơm tối nhé!

– Không con mới đi học về nên con mệt lắm, con xem tivi nghỉ chút cho khỏe đã, mẹ làm đi!

– Vậy con phụ mẹ lặt rau nhé, để mẹ nấu cơm cho nhanh rồi mẹ con cùng ăn, cùng nghỉ!

– Nấu cơm là việc của mẹ mà, sao mẹ cứ sai con hoài vậy???

socialfeed.info-sao-con-phai-lam-hom-qua-trong-luc-ngoi-cho-kham-benh

Nó bực bội đáp lại lời nhờ vả của tôi. Tôi cũng lặng im không nói gì, chẳng làm việc nhà, cũng chẳng nấu cơm và bỏ lên phòng nằm. Xem hết bộ phim hoạt hình trên tivi, nó xuống bếp định hỏi cơm ăn, thấy bếp trống trơn, chẳng có thức ăn cũng chẳng thấy mẹ, nó chạy vào phòng tìm:

– Mẹ, sao hôm nay mẹ không nấu cơm, con đói bụng quá, mẹ xuống nấu nhanh đi!

– Mẹ mệt!

– Sao mẹ mệt, con thấy mẹ khỏe mà!

– Ừ, cứ cho là mẹ khỏe đi. Nhưng từ mai mẹ sẽ không nấu cơm con ăn nữa đâu!

– Sao vậy mẹ?

– Vì mẹ không có trách nhiệm phải nấu cơm cho con ăn, phải dọn nhà sạch sẽ cho con ở, phải đi làm nuôi con nữa. Bắt đầu từ ngày mai, con sẽ phải tự làm mọi thứ vì mẹ cũng như con, con đi học về mệt và mẹ đi làm về cũng mệt cho nên mẹ không có trách nhiệm phải phục vụ con nữa. Đó là lý do mẹ muốn con chia sẻ công việc với mẹ, nhưng con đã từ chối! Con ạ, mẹ muốn con biết rằng, con muốn được yêu thương thì mẹ cũng vậy, con muốn được nghỉ ngơi thì mẹ cũng vậy….

Sau khi nghe những lời của tôi con bé không nói gì, không đòi hỏi gì nữa và lặng lẽ đi lên phòng. Hôm đó tôi cũng chẳng nhắc nó tắm, chẳng lo cho nó ăn cũng chẳng làm gì cho nó.

Sáng dậy, tôi vẫn chở con đi học, chiều về cứ thế vào phòng nằm chẳng làm gì nữa, đang nằm thì nó từ ngoài bước vào thỏ thẻ:

– Mẹ ơi mẹ khỏe không, hôm nay con phụ mẹ nấu cơm ăn và dọn dẹp nha!

Chỉ chờ có thế thôi, tôi gật đầu nó, mỉm cười và cả hai mẹ con cùng vào bếp, cùng làm việc nhà. Kể từ sau chuyện đó, con bé luôn siêng năng và ý thức được trách nhiệm, công việc của mình cho tới bây giờ.

Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ với các mẹ thế này:

– Hãy mạnh dạn giao việc cho trẻ: Nhiều mẹ có tâm lý trẻ con thì biết làm gì, đụng vào hư bột hư đường thêm ngứa mắt nên không cho trẻ làm bất cứ việc gì. Kết quả là trẻ sẽ chẳng biết làm gì, chẳng biết chia sẻ công việc, trách nhiệm gia đình. Hãy bỏ suy nghĩ ấy nhé, trẻ làm sai thì trẻ sẻ học cách làm lại, trẻ con rất sáng dạ đấy!

– Dạy trẻ cách làm việc nhà cũng chính là dạy trẻ cách chia sẻ và yêu thương: Nhiệm vụ của trẻ là học thật tốt, hiển nhiên rồi nhưng mẹ cũng đừng vì lý do này mà ôm đồm mọi việc vào mình. Hãy chia sẻ việc nhà với trẻ, đó là cách mẹ cho trẻ biết trách nhiệm và biết yêu thương hơn đấy!

– List công việc theo tuổi của trẻ mà mẹ có thể giao:

+ Bé 3 tuổi: dọn đồ chơi, bỏ rác vào thùng, lau bàn…

+ Bé 4 – 5 tuổi: gấp quần áo đơn giản, quét nhà, lau chùi đồ chơi…

+ Bé 6 – 7 tuổi: tưới cây, cùng mẹ làm các món đồ ăn đơn giản, lặt rau, rửa rau….

+ Bé 8 – 9 tuổi: bỏ đồ vào máy giặt + phơi đồ, cắm cơm, xếp đồ ăn vào tủ lạnh, gọt trái cây…

Theo webtretho

Leave a Reply

Or