Rèn nhân cách trẻ qua bài học cho và nhận

Trong cuộc sống, nếu chỉ biết nhận, trẻ sẽ trở nên ích kỷ, chỉ thích vun vén cho bản thân. Song nếu biết cho đi, tức là chia sẻ với những người kém may mắn, bé sẽ có được niềm vui, từ đó hình thành lòng nhân ái.

Chia sẻ về phương pháp giáo dục trẻ biết cho và nhận, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Hội quán các bà mẹ TP HCM giải thích, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã nhận được tình yêu thương của người mẹ, sự chăm sóc của người cha và sự quan tâm của người thân trong gia đình. Khi chào đời, các em vẫn luôn nhận được tình cảm thương yêu, trìu mến của mọi người trong gia đình qua từng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ làm xấu bởi trẻ con là tâm điểm trong gia đình. Điều mà các em nhận được luôn là sự khen thưởng, cổ vũ, xen lẫn niềm tự hào, khích lệ.

Lớn hơn một chút, bé tiếp tục nhận được tất cả ưu đãi của gia đình. Từ đó dần hình thành trong suy nghĩ của trẻ rằng “Ta là số một trong nhà”. Dần dần các em có thể trở nên khó bảo, khó dạy. Thậm chí có em trở nên ích kỷ (không chịu ăn uống đầy đủ, muốn cái gì là đòi cho bằng được, không có là la hét, chỉ làm những gì mình thích hoặc sẽ làm theo yêu cầu nếu được quà – trao đổi hai bên).

day-tre-7432-1384148099.jpg
Người lớn hướng dẫn và nêu gương cho trẻ làm những công việc thường ngày để phụ giúp gia đình cũng là cách dạy con bài học cho và nhận. Ảnh: Thi Trân.

Theo bà Thúy, phần đông cha mẹ vì thương yêu nên chiều chuộng, các em đòi gì cũng đáp ứng và cho rằng trẻ con nào cũng thế. Một số người chăm sóc trẻ, nhất là các ông bà, lúc nào cũng lo lắng nên giành làm hết mọi việc, không cho “cục cưng” động tay một tí gì vì sợ cháu mệt, bệnh…

Dần dần khi lớn, do quen với sự phục vụ của mọi người, thông thường những đứa trẻ ấy chẳng biết làm gì, chỉ trông chờ, ỷ lại vào người lớn. Một số bé khác thì chỉ biết nhận và vun vén cho bản thân, chỉ cho khi có sự trao đổi (ví dụ cười đi sẽ được kẹo, làm xấu đi sẽ được cho đi chơi). Ở đây, các em không có lỗi, nhưng chính người lớn đã vô tình làm cho chúng trở nên như vậy.

Do đó để bé không trở nên ích kỷ, đồng thời rèn luyện cho trẻ có nhân cách lành mạnh, bà Thúy khuyên, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ phải tập cho bé biết cho sau suốt một quãng thời gian dài nhận.

Cụ thể, cha mẹ dạy trẻ biết cho qua việc hướng dẫn tự làm một số việc đơn giản (như tự xếp chăn gối của mình, tự xếp quần áo bẩn cho vào rổ cho mẹ giặt, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi). Và chỉ dạy bé làm những điều lặt vặt trong khả năng của mình (như đóng cửa, lấy món đồ gì đó cho cha mẹ). Sau đó, cha mẹ khen ngợi để bé thấy mẹ sẽ vui khi bé làm những điều tốt.

Ngoài ra, đối với con trẻ, cha mẹ cần là tấm gương cho các em noi theo. Không thể nào tập cho trẻ chào hỏi, nói năng lễ phép khi chính cha mẹ không chào hỏi lễ phép với ông bà. Trong gia đình, bé thường quan sát và bắt chước theo người lớn. Do đó khi làm điều gì, phụ huynh nên giảng giải và chỉ bảo cho bé, thậm chí có thể giả vờ nhờ bé giúp. Điều này làm cho bé thấy tự hào vì mình đã làm được việc của người lớn.

Đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương, gần gũi, chỉ dạy tận tình của cha mẹ. Lúc này bé đã dần dần cảm nhận được rằng ngoài việc nhận, mình còn phải cho đi. Cụ thể qua việc làm điều tốt cho cha mẹ vui (phụ giúp cha, mẹ làm những việc nhỏ trong nhà). Bé sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi được cùng cha mẹ làm việc giống như cùng nhau chơi một trò chơi lớn.

Thêm vào đó, nhờ cùng làm việc và vui chơi, trẻ sẽ gần gũi, thân thiện và không còn khoảng cách giữa cha, mẹ và bé. Các em sẽ dễ dàng thổ lộ, tâm sự hết suy nghĩ của mình cho cha mẹ. Điều này rất quan trọng khi bé bước qua tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, khi bước ra môi trường ngoài xã hội (đi học, đi chơi ngoài công viên) cha mẹ cũng phải hướng dẫn, giảng giải để bé thấy hành vi cho như thế nào là phù hợp.

Cha mẹ có thể cho bé tham gia các hoạt động cộng đồng, tham quan trại mồ côi… Đó là bài học về lòng nhân ái. Hãy chỉ bé quan sát thấy xung quanh chúng ta còn rất nhiều bạn nhỏ khổ cực, phải vất vả bươn chải trong cuộc sống (bán vé số, đánh giày) để bé nhận thấy có những bé đồng trang lứa nhưng không được đầy đủ như mình. Cha mẹ có thể khuyến khích bé tặng cho các bạn ấy những món đồ chơi cũ, quần áo không dùng nữa.

Điều này sẽ làm cho bé nhận thức ra rằng mình rất sung sướng khi đã nhận rất nhiều và mình nên chia sẻ bằng cách cho một phần nào đó cho các bạn bất hạnh ấy. Bé sẽ tự nhận được niềm vui trong cộng đồng. Dần dần với sự hướng dẫn của cha mẹ, bé thấy rằng quan tâm đến người khác cũng là một niềm vui và cho cũng chính là nhận đấy.

Bà Thúy cho rằng, có thể dạy trẻ làm được tất cả những điều trên, song không phải một sớm một chiều mà là cả quá trình giáo dục. “Do đó phụ huynh phải luôn dành thời gian gần gũi, thương yêu, trò chuyện uốn nắn kịp thời cho bé trong gia đình cũng như các cuộc vui chơi bên ngoài. Bởi vì bố mẹ chính là người mà bé tin tưởng, thương yêu và là đà phát triển nhân cách của các bé”.

 

 

theo: vnexpress

Leave a Reply

Or