Nếu đang băn khoăn về vắc xin sởi, hãy đọc bài này!

Mọi thắc mắc của bạn đọc về vắc xin sởi, từ việc tại sao phải tiêm 2 mũi vắc xin, tác dụng phụ cho đến đối tượng không được tiêm… đều được BS Nguyễn Trí Đoàn giải đáp cụ thể.

 Nếu đang băn khoăn về vắc xin sởi, hãy đọc bài này! - hình 1

Chích ngừa sởi kịp thời và đẩy đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi.
Tại sao phải chích ngừa 2 mũi sởi?

Theo Bác sĩ Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi – Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare, việc chích ngừa sởi kịp thời và đẩy đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Vaccine sởi (cũng như quai bị, Rubella hay trái rạ) là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa đó là virus sởi sống nhưng đã làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự. Thường ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho bé 9 tháng tuổi. Trước sinh bé nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, trong đó có thể có kháng thể chống lại sởi, kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết khi khoảng 1 tuổi. Vì vậy, nếu bé chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt 1 phần vaccine sởi đó, cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Hiện tượng này gọi là đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn,

Vì vậy, nếu bé được chích mũi vaccine sởi trước 1 tuổi thì liều vaccine đó không được tính là 1 mũi chích đầu tiên, và từ 1 tuổi trở lên phải chích lại (thường chích mũi sởi – quai bị – Rubella) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1). Nếu bé chích vaccine sởi đầu tiên vào lúc 1 tuổi trở lên thì đáp ứng miễn dịch được xem là hoàn toàn và lượng kháng thể tạo ra đủ sử dụng trong vài năm, do đó bé sẽ được chích nhắc lại 1 mũi vaccine sởi (hay sởi – quai bị – Rubella) (mũi 2) lúc 4 – 6 tuổi (không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên có thể tiêm nhắc lại sớm hơn nếu muốn, miễn là phải cách mũi vaccine sống tối thiểu 4 tuần lễ). Nếu chích liều đầu tiên sau 1 tuổi thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi là hơn 97%. Do đó, có những bé được chích sởi liều đầu tiên trước 1 tuổi, đến sau 1 tuổi thì kháng thể giảm nhiều do đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn, nếu bé không được chích nhắc lại mũi vaccine sởi thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Tuy nhiên, đối với những bé đã chích ngừa sởi và đã có đáp ứng miễn dịch mà bị sởi thì thường sẽ bị nhẹ hơn những bé chưa được chích ngừa sởi bao giờ.

Bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ thêm: “Nếu con bạn đã được chích ngừa sởi rồi và đã chích theo lịch đầy đủ thì bạn không phải lo lắng quá mức như các phụ huynh đang bị những thông tin trên các phương tiện đại chúng “bủa vây” như hiện nay”.

Trường hợp vaccine sởi tiêm trước 1 tuổi không đáp ứng miễn dịch hoàn toàn thì  nó vẫn có hiệu quả bảo vệ tạm thời. Do đó, nếu như đang có dịch sởi như hiện nay, bé từ 6 tháng – 11 tháng vẫn có thể chích 1 mũi sởi để bảo vệ tạm thời. Tuy nhiên, đến sau 1 tuổi bé vẫn phải được chích sởi (hay sởi – quai bị – Rubella) mũi 1. Nếu bé tiếp xúc với bệnh nhân bị sởi và chưa được chích ngừa sởi, việc chích ngừa sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh sởi hay giảm nguy cơ bị sởi nặng.

Nguyên nhân dịch bệnh sởi bùng phát?

Hiện tượng dịch sởi quay lại gần đây có lẽ một phần do các phụ huynh đã không cho các bé đi chích ngừa đầy đủ do lo ngại những phản ứng phụ của chích ngừa.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy rõ điều này. Năm 2012-2013 tại Anh và Wales xảy ra 1 dịch sởi gây bệnh cho khoảng 3000 bệnh nhân, hầu hết khoảng 10-18 tuổi. Nguyên nhân của vụ dịch sởi đó là do một nghiên cứu của BS Andrew Wakefield công bố vào năm 1998, cho rằng vaccine MMR (sởi – quai bị – Rubella) có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em. Vì vậy, các phụ huynh đã từ chối chích ngừa cho con mình. Kết quả là những trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ lúc đó đã không có đủ miễn dịch bảo vệ với sởi nên bị mắc bệnh sởi trong trận dịch đó.

Trở lại kinh nghiệm của Việt Nam. Vào năm 2006 có 1 vụ tai biến sau khi chích vaccine MMR tại 1 số trường ở quận 5, khiến 1 bé tử vong và khoảng 5 – 6 bé khác bị nhiễm trùng huyết, khiến cho các phụ huynh không ai dám cho con chích ngừa MMR. Thực chất tai biến đó không liên quan đến bản thân vaccine MMR, mà là do vi khuẩn tụ cầu lây vào một số bé được chích và gây nhiễm trùng huyết (nguồn gốc của vi khuẩn đó có lẽ từ hầu họng của 1 nhân viên chích ngừa). Sau đó 1 thời gian, bệnh sởi đã quay lại. Thời gian gần đây, cũng do một số thông tin báo chí đăng tải các vụ xảy ra sau khi chích ngừa (mà đa số các vụ đó nguyên nhân tử vong không liên quan đến vaccine) mà phụ huynh không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay lại như sởi và thủy đậu.

Vậy để chích ngừa kịp thời và đầy đủ, có một số biện pháp hiệu quả và đơn giản. Khi bé đi khám định kỳ, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho bé chích cùng 1 lúc (tất cả các vaccine đều có thể chích cùng một lúc được). Như vậy sẽ không phải đi nhiều lần, còn bé sẽ được bảo vệ kịp thời và không gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine như hiện nay.

Nếu bé đi khám bệnh vì bệnh lý gì đó mà không có sốt, bé vẫn có thể chích ngừa được, ví dụ bé đang ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy vẫn có thể chích ngừa được nếu bé không sốt và vẫn chơi (kinh nghiệm là khi phụ huynh dẫn bé đi khám bệnh, nên đem theo sổ chích ngừa để bác sĩ biết bé còn cần chích vaccine nào nữa). Trong tình hình thiếu nhiều loại vaccine như hiện nay (vaccine sởi – quai bị – Rubella cũng đang thiếu), bé vẫn nên đi chích ngừa các loại bệnh khác, đặc biệt là chích ngừa cúm cho trẻ nhỏ vì chúng vẫn có thể bị lây cúm và bị biến chứng nặng do cúm (viêm phổi, thậm chí tử vong).

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin sởi?

Như mọi loại vaccine khác, vaccine sởi cũng có thể có một số tác dụng phụ. Có khoảng 10% bé có thể sốt và phát ban sau khi tiêm vaccine sởi khoảng 1-2 tuần, tuy nhiên tình trạng này nhẹ và tự khỏi hoàn toàn.

Đối tượng không được tiêm vắc xin sởi

Vaccine sởi là vaccine sống nên trên nguyên tắc không được tiêm cho phụ nữ đang mang thai hay người đang suy giảm miễn dịch. Đương nhiên, người dị ứng nặng với thành phần trong vaccine sởi (ví dụ dị ứng với kháng sinh Neomycine) cũng không tiêm vaccine này được. Tuy nhiên, vaccine sởi vẫn có thể tiêm chophụ nữ đang cho con bú.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

Ngoài biện pháp chích ngừa sởi để phòng bệnh, cũng có một số biện pháp khác có hiệu quả (tuy không cao bằng tiêm ngừa).

Virus sởi cũng lây giống những virus đường hô hấp khác, do đó nên che miệng khi ho hay hắt hơi hay rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sát khuẩn cũng là cách rất tốt để ngừa bệnh sởi lây lan.

Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn trẻ nhỏ, đó là cách thể hiện tình thương, tuy nhiên hành động này cũng có thể lây những bệnh lý đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Do đó, người lớn không nên hôn mặt trẻ nhằm tránh lây lan các bệnh đường hô hấp.

 

 

theo: yeutretho

Leave a Reply

Or