Không tiêm vaccine viêm gan B, 80.000 trẻ sẽ nhiễm virus mãn tính

Tại Hội nghị Giao ban Báo chí Trung ương, ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nếu không tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh thì mỗi năm có khoảng 80.000 trẻ sẽ nhiễm virus mãn tính, hậu quả sau đó là khoảng 20.000 người bị xơ gan và ung thư gan…

Không tiêm vaccine viêm gan B, 80.000 trẻ sẽ nhiễm virus mãn tính 1

Chờ tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: HN

Đề nghị Bộ công an điều tra cho khách quan

Tại Hội nghị, sau khi điểm qua tình hình sử dụng vaccine trên thế giới, trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam và hiệu quả của tiêm chủng trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến vấn đề phản ứng sau tiêm chủng tại nước ta.

Theo Thứ trưởng, tại Việt Nam, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng không cao hơn so với báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tỷ lệ phản ứng nặng trên 1 triệu liều sử dụng của vaccine BCG tại Việt Nam là 0,49 (tỷ lệ phản ứng theo WHO là 1 – 700), vaccine sởi là 0,21 (theo WHO là 1 – 50), vaccine uốn ván là 0,03 (theo WHO là 1 – 3)…Với vaccine viêm gan B sơ sinh, tỷ lệ phản ứng nặng tại Việt Nam chỉ là 0,86 trường hợp/1 triệu liều sử dụng (theo WHO, tỷ lệ sốc phản vệ là 1-2 trường hợp/ 1 triệu liều sử dụng).

Về vụ việc liên quan đến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) sau tiêm vaccine viêm gan B vào ngày 20/7, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã lập tức cử đoàn cán bộ bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về tiêm chủng tới Quảng Trị để phối hợp với Sở Y tế, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA tỉnh này và các đơn vị liên quan điều tra toàn diện về dịch tễ học, lâm sàng, quy trình tiêm chủng nhằm xác định nguyên nhân sự cố.

Đây là chùm 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh giống nhau và tử vong khoảng 1 giờ sau khi tiêm. Dựa trên kết quả kiểm tra thực địa và kết quả khám nghiệm tử thi của Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh, Bộ Y tế sơ bộ kết luận đây là chùm ca bệnh phản ứng sau tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh, do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Đoàn điều tra đã phát hiện các sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng như: Bảo quản, quản lý, triển khai vaccine chưa đúng quy định của Bộ Y tế. Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Quảng Trị đã độc lập lấy mẫu vaccine, mẫu bệnh phẩm gửi các cơ quan chuyên môn để kiểm định chất lượng vaccine và xét nghiệm mẫu.

Ngày 24/7 vừa qua Bộ Y tế đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế và các chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng để xem xét các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vaccine liều sơ sinh. Sau khi thống nhất ý kiến, Bộ Y tế đã có thông báo số 641/TB-DP gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí. Hai lô vaccine liên quan là lô 020812E và 030812E do Công ty vắc xin sinh phẩm số 1 sản xuất đã ngừng sử dụng trên toàn quốc.

“Do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc, để đảm bảo khách quan trong việc truy tìm nguyên nhân, ngày 26/7 vừa qua Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành điều tra một cách độc lập nhằm xác định nguyên nhân sự việc nêu trên và có kết luận sớm nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất

Phản ứng sau tiêm chủng đối với bất kỳ vaccine nào đều là tình trạng bất thường về sức khỏe sau tiêm chủng, bao gồm các phản ứng từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong đối với cá nhân có cơ địa mẫn cảm. Nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng có thể do vaccine, do sai sót trong tiêm chủng (bảo quản vaccine hoặc thực hành tiêm không đúng), do cơ địa, do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ, do các nguyên nhân khác hoặc không xác định được nguyên nhân.

Cũng trong ngày 26/7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị chỉ đạo Sở Y tế tạm đình chỉ công tác đối với cá nhân trực tiếp, gián tiếp có sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng tại Bệnh viện, khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm. Sau khi có kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra sẽ xem xét và xử lý nghiêm minh.

Tiếp đó, Bộ Y tế đã gửi Công văn tới Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế và Viện Pháp y quốc gia đề nghị phối hợp điều tra và triển khai kiểm định chất lượng vaccine, xét nghiệm mẫu phủ tạng để sớm tìm ra nguyên nhân của các trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cũng đã Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng vaccine và các phản ứng sau tiêm chủng và gửi công văn cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vaccine nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Bộ Y tế nhận thấy đây là một sự cố hy hữu đáng tiếc và bất thường, đặc biệt nghiêm trọng vì gây tử vong cùng lúc 3 trẻ sơ sinh nên đã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước và quốc tế để tìm ra nguyên nhân của các trường hợp tử vong trên và xử lý nghiêm.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine. “Tiêm vaccine Viêm gan B là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ. Nếu không tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh thì hằng năm sẽ có 80.000 trẻ bị nhiễm virus mãn tính và hậu quả sau đó là khoảng 20.000 người bị xơ gan và ung thư gan”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Các vaccine trong Dự án tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng ngừa được 11 bệnh, trong đó có lao, bạch hầu, ho gà, viêm gan B, sởi, bại liệt… Nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng giảm mạnh…

 

 

theo: giadinh.net

Leave a Reply

Or