Dạy bé ngoan trong giao tiếp

Làm thế nào để bé yêu trở thành bé ngoan khi cùng mẹ giao tiếp với mọi người không phải là một điều dễ dàng. Thậm chí “phạt nặng” khi bé yêu vô tình làm “bẽ mặt” bố mẹ khi chen ngang câu chuyện hoặc có những cử chỉ không đúng mực trong giao tiếp. Thế nhưng, cách làm này đôi khi không mang lại hiệu quả, thậm chí “mèo vẫn hoàn mèo”. Để dạy bé ngoan trong giao tiếp, mẹ hãy tham khảo những lời khuyên sau từ BSnhi nhé!

BSnhi_Monthly_09_17_daybengoantronggiaotiep

  1. Dạy bé không nói leo

Mọi cuộc trò chuyện của người lớn đều có một vẻ hấp dẫn khó cưỡng đối với bé. Hoặc cũng có thể bé cũng muốn chứng tỏ “con đã lớn” bằng cách đóng góp ý kiến của mình trong những cuộc trò chuyện như thế. Vì vậy, trước hết, mẹ cần chú ý, không quát nạt bé ngay lúc đó, do việc này sẽ làm tổn thương “cái tôi” của bé và cũng không giúp bé “bỏ tật” nói leo. Giải pháp tốt nhất là giải thích cho bé không nên chen vào hoặc cắt ngang cuộc đối thoại của người khác vì như vậy là không lịch sự, “không ngoan”. Đồng thời, với các cuộc trò chuyện với bé, bố mẹ cần tránh ngắt lời của bé, hãy áp dụng phương châm “con nói mẹ nghe” và ngược lại.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bé không chờ được và phải nói leo. Ví dụ như khi bé không khỏe, có nhu cầu đi vệ sinh, có việc khẩn cấp… Do đó, bố mẹ cần dạy cho bé những khi nào thì bé có thể nói, và nói như thế nào. Có thể là ra hiệu cho bố mẹ bằng một dấu hiệu nào đó hoặc nói nhỏ với mẹ,… Hãy cùng bé đặt ra các quy ước khi trò chuyện cùng nhau và với người khác để bé tuân theo thay vì la mắng bé, mẹ nhé!

  1. Dạy bé xưng hô đúng mực

Bé thường có thói quen bắt chước, nhất là khi nghe được ông bà, bố mẹ nói chuyện và gọi nhau. Thế nên, mẹ cần chú ý dạy bé các xưng hô cho đúng ngay từ nhỏ để bé không bị “quen miệng” khi lớn lên. Song song với đó, hãy tập cho bé thói quen sử dụng các từ như dạ, thưa trong giao tiếp với người lớn. Để thực hiện việc này, mẹ có thể nhắc bé và yêu cầu bé lặp lại, sau vài lần bé sẽ quen và có thói quen sử dụng những từ này.

  1. Dạy bé nói cám ơn

Nếu bố mẹ muốn dạy bé nói cám ơn khi nhận được quà từ người lớn, hãy nhớ nói cám ơn với bé. Mẹ có thể giả sử các tình huống, hoặc nhờ bé đưa cho mình một món gì đó, sau đó nói cám ơn với bé. Bé sẽ nhanh chóng “bắt chước” bố mẹ thực hiện việc này. Ngoài ra, đôi khi việc nhận được một món quà hoặc đồ vật gì đó thu hút toàn bộ sự chú ý của bé và khiến bé “quên”, lúc đó, mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bé nhé.

  1. Dạy bé nói xin lỗi

Cũng như lời cám ơn, xin lỗi là một trong những điều mẹ cần dạy cho bé yêu. Thế nhưng không đơn giản như lời cám ơn, vì đôi lúc bé không hề cảm thấy mình có lỗi. Trong những trường hợp đó, rất khó để mẹ yêu cầu bé nói lời xin lỗi hoặc nhận lỗi. Do đó, khi bé phạm lỗi, mẹ cần dành thời gian giải thích cho bé nguyên nhân vì sao bé sai, để bé nhận ra sai lầm của mình và tự xin lỗi. Một điều quan trọng nữa là nếu mẹ sai, hãy bỏ qua vai vế “người lớn” của mình để nói với bé lời xin lỗi. Việc làm này sẽ giúp cho bé ý thức được việc nhận lỗi là một điều cần thiết và ai cũng phải thực hiện.

  1. Dạy bé không nói tục

Đôi khi vô tình bé sẽ nghe những từ “thiếu văn hóa” và vô tình lặp lại mà không hiểu những từ này có ý nghĩa gì. Lúc này, mẹ cần nghiêm túc nhắc nhở bé không được sử dụng những từ đó. Mẹ và gia đình cần tránh các hành động như cười đùa hoặc yêu cầu bé lặp lại, vì vô tình bố mẹ, ông bà sẽ khiến bé nghĩ việc nói tục là “tốt” và tiếp tục “phát huy”. Mẹ cũng cần tránh việc la mắng và lờ đi không giải thích cho bé nguyên nhân vì sao bé không được nói. Bởi lẽ khi chưa hiểu nguyên nhân, bé sẽ tiếp tục thực hiện việc này!

Bé chỉ làm theo những gì mình nghe và “bắt chước” được, vì thế, trong giao tiếp, bố mẹ cần lưu ý đến cách cư xử, trò chuyện của mình để tránh bé học theo những điều không tốt! Đồng thời, mẹ cũng cần yêu cầu bố, ông bà và gia đình “hỗ trợ” bằng cách cùng trở thành “tấm gương” tốt cho bé học tập, mẹ nhé!

Chúc bé khỏe, mẹ vui ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or