Cho con được “tự làm tự chịu”

Không ít điều cha mẹ cho là đúng đắn, nhưng họ luôn tự hỏi, vì sao con không chịu nghe mình. Quá mong muốn khẳng định mình đúng, họ đánh mất luôn cả sự tôn trọng với con. Họ không nhận ra rằng, trẻ càng được tôn trọng, càng dễ định hướng đến những điều tốt đẹp.

Tôn trọng quyền riêng tư


Nhà sắp có khách, chị Linh nói với con từ trước, sẽ có bạn Bông, bạn My đến chơi, con cần chia sẻ đồ chơi với các bạn. Nếu con có món đồ nào con sợ các bạn làm hỏng, con hãy cất đi. Cháu Trúc Lâm nghe thấy, nên biết ý, trước khi các bạn đến, cháu cất ngay bạn thỏ Misa – món đồ chơi ưa thích nhất của cháu vào ngăn tủ, còn lại các đồ chơi khác: ngựa gỗ, búp bê, xếp hình… cháu đều để cho các bạn khác dùng thoải mái và không hề khó chịu, tranh giành với bạn.

Sau nói chuyện với tôi, chị bảo, bí quyết là ở chỗ, đã thỏa thuận trước với con, và con thấy rõ ràng mình được bố mẹ tôn trọng quyền riêng tư, nên không hề ấm ức khi các bạn dùng đồ chơi của mình. Thêm nữa, dù chị tôn trọng khi con cất đi đồ chơi mình yêu thích, nhưng chị Linh vẫn khen ngợi con nếu con biết chia sẻ, nhường nhịn đồ chơi với bạn. Điều này làm bé rất muốn được tỏ ra “người lớn” nên cháu chỉ cất đi một món thôi, còn lại thì rất rộng rãi với các bạn của mình.

Cách này khác hẳn cách mà tôi làm với con gái mình: tôi luôn ép con tôi phải chia sẻ và nhường nhịn các anh chị em họ trong nhà theo kiểu quy định rất máy móc và không rõ ràng: tất cả các con/cháu đều phải nhường nhịn và chia sẻ đồ chơi với nhau! Nếu con tôi lăn ra khóc lóc vì bị anh họ nó cướp mất cái xếp hình của nó, tôi sẽ lôi xềnh xệch con ra chỗ khác, dỗ dành không được, đến lượt tôi sẽ lu loa lên để mắng mỏ con. Trong khi cách giải quyết của chuyện này đơn giản hơn nhiều: chỉ cần xác định rõ quyền sở hữu  của từng đứa trẻ đối với món đồ chơi/đồ dùng của nó, và yêu cầu tất cả những đứa còn lại phải xin phép và được sự đồng ý trước khi sử dụng đồ của người khác. Nếu vì thế mà có đứa trẻ ích kỷ hơn, không “trấn” được của đứa trẻ khác và khóc lóc, thì đó là việc riêng của nó, người lớn hoàn toàn không nên bình luận và can thiệp gì.

Dạy con chịu trách nhiệm về điều mình đã chọn


Trước mỗi việc liên quan đến con, tôi đã rút ra được phương pháp hỏi và để con lựa chọn. Buổi sáng, đưa cháu đến lớp, tôi hỏi con có muốn mẹ để lại sữa cho con uống không, cháu nói “không”, vậy là tôi mang sữa về. Cô giáo của con tôi rất ngạc nhiên, cô hỏi, nhỡ các bạn khác có sữa để uống, con tôi thèm thì sao. Tôi bảo, vậy thì con tôi sẽ nhớ để ngày mai đề nghị tôi để sữa. Cô bảo, nhưng trẻ con chưa hiểu rõ ý nghĩa của những lời “có” hoặc “không”, chúng chỉ biết trả lời theo cảm tính. Tôi nói, vậy thì qua những việc thế này, con sẽ hiểu, và phải chịu trách nhiệm về mỗi lời nói “có” hoặc “không” của mình. Một ngày không uống sữa, đâu có gì to tát. Cô giáo ngạc nhiên, tôi vẫn nuôi con theo cách này sao? Tôi gật đầu, vâng, tôi tôn trọng mọi câu trả lời như thế của con, từ 2 tuổi. Thậm chí nếu cháu bảo không ăn, tôi cũng cất đồ ăn ngay. Nếu đói, cháu sẽ hiểu lần sau nên trả lời mẹ thế nào.

Cô cười, thảo nào con tôi có hôm mặc ngược quần đến lớp. Có hôm còn mặc áo cầu thủ với váy xòe. Tôi cũng phá lên cười vì những hôm như thế, tôi đã cố giải thích với cháu về chuyện cái quần ngược sẽ không giống mọi người, cái áo cầu thủ mà đi với váy xòe sẽ phá nát cả ý tưởng của người thiết kế. Nhưng cháu có vẻ thích thể hiện “quyền lực tí hon” nên kiên quyết lắm. Tôi nhắc lại xem con có thật sự muốn mặc như vậy để đến lớp không, cháu khăng khăng nói có. Vậy là tôi để cho cháu mặc, dù biết cô giáo sẽ buồn cười, các bạn có thể sẽ nhắc nhở, nhưng đó là việc con tôi buộc phải chấp nhận thôi, và tôi tin chắc rằng cháu sẽ sớm chấm dứt những vụ dở hơi tương tự, vì cháu thoải mái rồi, và sau này tự khắc hết tò mò!

Hãy nêu gương cho con


Mẹ tôi rất yêu thơ, bà đọc thơ cho tôi nghe từ lúc còn bú mớm. Bà chưa bao giờ khuyên tôi nên đọc thơ nhưng 10 tuổi, tôi biết nhịn tiền ăn sáng để mua một tập thơ Xuân Quỳnh. Nhân tiện đến hiệu sách, tôi còn mua cả sách văn học, và đọc say sưa. Nhưng mẹ không thể nào khiến tôi nhúc nhích tập thể dục, dù bà mắng mỏ tôi suốt ngày vì chuyện tôi mê ăn vặt và luôn ngồi lì, vì thật ra mẹ tôi cũng không tập thể dục bao giờ?! Với tất cả lòng kính yêu mẹ mình, tôi cũng vẫn phải công nhận rằng mẹ cũng cực kỳ mê ăn vặt và lười thể dục (như tôi), nên mẹ tôi cũng mập ù tương tự!

Ý của tôi là cha mẹ nên trở thành tấm gương tốt cho con, và định hướng cho con, tốt nhất là bằng tình yêu, sự tôn trọng của mình, với chính điều mình đang định hướng, thay vì giáo huấn/thuyết trình. Một người mẹ yêu nghệ thuật, một người mẹ bình tĩnh trong cư xử… sẽ tự khắc lưu vào trí nhớ của con. Và sự định hướng với chính những điều mẹ yêu, mẹ sống, mẹ trải qua và con cảm thấy, sẽ không gặp nhiều khó khăn. Thật ra làm điều này không dễ. Một người mẹ thường xuyên chê con, nói chuyện với chồng một cách cau có mà không cần suy nghĩ, sẽ thật khó để khuyên con hãy thông cảm nhiều hơn và đừng chê người khác. Một người mẹ thường xuyên ôm smartphone, tí chút lại liếc liếc cái màn hình điện thoại sẽ thật khó để khuyên con nên dành thời gian đọc sách và đừng xem hoạt hình quá 30phút/ngày. Một người mẹ sống hời hợt và ưa hưởng thụ sẽ thật khó nói với con về tình yêu lao động. Tất nhiên không thể tìm ra người mẹ hoàn hảo trên đời, nhưng ít nhất, muốn định hướng cho con, cha mẹ hãy sống đúng với những gì mình định hướng.

Bài: Trúc An

Theo Đẹp Online

Leave a Reply

Or