Chăm sóc bé bị cảm lạnh đúng cách ngay tại nhà

Mỗi khi thời tiết thay đổi làm bé nhà bạn rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, sốt … Cảm lạnh rất phổ biến và ít khi nghiêm trọng. Cảm lạnh thông thường sẽ tự nhiên biến mất. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng phải chăm sóc bé bị cảm lạnh đúng cách ngay tại nhà để giúp bé nhanh hết hơn.

1. Tại sao bé bị cảm?

Một sự thật là trẻ sơ sinh sẽ hay bị cảm lạnh trong năm đầu đời. Với lượng virus cảm đông đảo trong môi trường quanh bé, đây là điều gần như không thể tránh khỏi. Trên thực tế, trong một năm bé có thể bị cảm khoảng 8 lần. Virus được phát tán thông qua những giọt nước li ti trong không khí hoặc khi bé tiếp xúc với các đồ vật nhiễm bẩn như tay nắm cửa và đồ chơi. Hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện để có thể kháng lại lượng virus nói trên.

Ngoài ra, do bé có thói quen để các ngón tay gần mắt và cho vào miệng, do đó virus ẩn nấp trên tay bé dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, nơi chúng có thể trú ngụ và phát triển. Nếu bé hay tiếp xúc thường xuyên với các trẻ khác hoặc có các anh chị em lớn, bé có khả năng tiếp xúc với hàng trăm vi trùng gây cảm lạnh khác nhau. Triệu chứng thông thường khi bé bị cảm lạnh gồm hắt hơi, chảy nước mắt, nghẹt mũi, ho, chảy nước mũi, khóc nhè và sốt nhẹ. Những triệu chứng này thường kéo dài khoảng một tuần.

Chăm sóc bé bị cảm lạnh đúng cách ngay tại nhà phần 1

Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để đề phòng bé trở bệnh nặng hơn.

2. Làm sao để bé thấy dễ chịu hơn?

Hút nước mũi cho bé bằng một ống hút cao su hình bầu tròn. Dùng quạt phun sương làm mát hoặc máy giữ ẩm không khí trong phòng khi bé ngủ. Các giải pháp này không phải cách chữa trị bệnh cảm, nhưng có thể làm giảm và loãng chất nhầy trong mũi, giúp bé thấy dễ thở hơn. Bạn cần biết rằng bé thích thở bằng mũi thay vì bằng miệng nên một cái mũi nghẹt cũng có thể khiến bé bứt rứt, khó chịu. Bạn cũng có thể thử chia nhỏ lần bú cho bé với lượng sữa cho mỗi bữa ít hơn. Tình trạng khó thở sẽ khiến bé khó có thể bú nhiều.

Bạn cũng có thể cho bé ngủ cao đầu để giúp bé dễ chịu hơn. Tuy nhiên đừng để bé nằm gối nhé. Nếu nệm của bé không thể nâng lên được, hãy thử đặt bé ngủ trong ghế ngồi xe hơi của bé trong tư thế gần thẳng đứng.

Mẹ cần lưu ý không tùy tiện dùng thuốc cảm tự mua ở nhà thuốc cho bé. Các bác sĩ không khuyến khích những cách này cho trẻ dưới 6 tuổi vì chúng chưa được kiểm chứng về hiệu quả đối với trẻ nhỏ, có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Hầu hết các dạng cảm lạnh là do virus nên các loại thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Bên cạnh đó, cơ thể của bé nên học cách tự chống lại sự nhiễm bệnh. Nếu cảm lạnh ở bé đi kèm với sốt, bác sĩ có thể đề nghị bạn cho bé uống thuốc hạ sốt acetaminophen.

3. Khi nào nên gọi cho bác sĩ?

Để đảm bảo an toàn cho con bạn, gọi cho bác sĩ nếu bé có một trong những triệu chứng sau:

  • Nhiệt độ trực tràng từ 38°C trở lên
  • Thở nặng nhọc hoặc gấp hơn 60 lần một phút, trở ho nặng, thở khò khè hoặc hổn hển
  • Mắt chảy ghèn, đây có thể là dấu hiệu viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc nhiễm trùng tai
  • Liên tục bứt tai, khóc khi bú sữa, hoặc khóc trái với lệ thường khi được cho ngủ, tất cả những triệu chứng trên cho thấy bé có thể đã bị nhiễm trùng tai.

Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ khi các triệu chứng trở nặng sau năm đến bảy ngày hoặc có những triệu chứng kéo dài trong hơn hai tuần.

Để phòng tránh cảm lạnh cho bé cần giữ gìn vệ sinh cơ thể và nơi ở, phòng ở phải thoáng khí nhưng không được để gió lùa; ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất và nên ăn các loại thức ăn nhiều vitamin và khoáng chất; không để cơ thể phải chịu nóng – lạnh đột ngột khi thời tiết chuyển gió. Chúc bé yêu nhà bạn luôn khỏe mạnh.

Nguồn: mecuti

Leave a Reply

Or