Cần biết về bệnh động kinh ở trẻ

Động kinh là một bệnh lý của não bộ do sự phóng lực quá mức của một nhóm tế bào thần kinh. Các cơn động kinh thường có biểu hiện đa dạng, thường lặp lại và tái phát. Trẻ không may bị mắc bệnh này cần được theo dõi và điều trị lâu dài.

Một số nguyên nhân

Tỉ lệ động kinh chiếm 0,5-1% dân số, nhưng trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh chiếm đến 60 – 70% trong số này. Bệnhđộng kinh có nhiều lý do gây ra như: do di truyền, một số bệnh lý gây tổn thương não bộ(mẹ bị nhiễm trùng, nhiễm độc trong thai kỳ, sang chấn não khi sinh), do những bệnh lý sau sinh (vàng da, nhiễm trùng hệ thần kinh, chấn thương não, u não…). Tuy vậy, có khoảng 70% trường hợp động kinh không xác định được nguyên nhân (động kinh vô căn).Bệnh này thường được xác định rõ khi trẻ có ít nhất từ 2 cơn động kinh, kết hợp với thay đổi đặc hiệu trên bản ghi điện não.Nếu cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ, bị sang chấn tâm lý, hay mắc các bệnh lý cơ thể thì dễ gây khởi phát cơn động kinh.


Những biểu hiện

* Động kinh toàn thể:

– Cơn vắng ý thức:Nhìn chằm chằm hoặc đờ ra, mất ý thức 5- 15 giây. Cầm đồ vật bị rơi nhưng không nhớ.

– Cơn co giật:Diễn ra 3 pha: co cứng, co giật và duỗi mềm. Cơn co cứng có thể ngưng thở, sùi bọt mép, môi tímvà tiểu dầm. Diễn ra trong vài phút, rồi ngủ thiếp.

– Cơn giật cơ:Những cơn giật ngắn như giật mình.

– Cơn co cứng:Gồng cứng cơ toàn thân, mất ý thức, có thể ngã.

– Cơn co giật:Giật toàn thân, có thể ngã, mất ý thức ngắn.

– Cơn mất trương lực:Xảy ra ngắn, có thể ngã hoặc gục đầu xuống.

* Động kinh cục bộ:

– Cơn cục bộ đơn giản:Giật nửa người ở tay – chân – cơ mặt, rồi có thể liệt vận động tạm thời. Có những cơn cảm giác thị giác, khứu giác, rối loạn thần kinh thực vật…

– Cơn cục bộ phức tạp:Là những hành vi lặp lại vô nghĩa như chép miệng, nhai, gãi, xoa tay, kéo áo… Sau cơn,không nhớ gì đã thực hiện.

* Các cơn không phân loại được:

– Cơn West: Ở trẻ dưới 2 tuổi thường khóc ré, mặt đỏ, gập đầu, người co gấp và lặp một số nhịp (cơn co gấp), hoặc giơ choàng 2 tay, ưỡn người (cơn co thắt duỗi).

– Cơn Lennox Gastaut:Đặc trưng bởi tam chứng là co giật, mất đứng và chậm phát triển trí tuệ.

Trạng thái động kinh khi nhiều cơn co giật liền nhau kéo dài trên 30 phút và giữa các cơn người bệnh không tỉnh. Đó là trạng thái động kinh toàn thể và cục bộ và tình trạng này cần được cấp cứu.

Phân biệt động kinh với những biểu hiện khác

Nếu có cơn giật trong khuôn khổ bệnh lý cấp tính như viêm não, nhiễm độc cấp, rối loạn chuyển hóa, thì không được gọi là bệnh động kinh.Một số rối loạn khác có thể gây ra các cơn co giật và cũng không được coi là bệnh động kinh như: co giật do sốt, do ngừng thuốc, do ngộ độc, do phản ứng dị ứng, do rối loạn điện giải, đường huyết, cơn đột quỵ, đau đầu migraine, ngất do rối loạn nhịp tim, cơn co giật do rối loạn tâm lý…


Phương pháp xử trí

Khi trẻ lên cơn, cần bình tĩnh đặt trẻ nằm ngiêng về một bên, đầu cao để tránh bị sặc. Nếu trẻ đang có thức ăn trong miệng thì nên móc ra. Nới lỏng quần áo, cởi khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Mở phòng cho không khí thoáng mát.Không ôm ghì chặt, không đặt vật cứng vào giữa hai hàm răng của trẻ vì dễ làm gẫy răng hoặc tổn thương lợi. Nên theo dõi biểu hiện cơn động kinh của trẻ: cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái không, có trợn mắt không hay mắt nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngừng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…Nếu có thể, dùng điện thoại hoặc máy ảnh quay lại cơn của trẻ để cho bác sĩ xem, nhằm có hướng chẩn đoán xác định loại cơn và cóphương thuốc điều trị phù hợp.

Thông thường, các cơn động kinh diễn ra rất nhanh, nên bố mẹ  cần bình tĩnh theo dõi cơn của trẻ. Sau khi ổn định, mới cho con đi khám bác sĩ. Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút, cần cho bé đi khám sớm. Nếu đang nằm viện, trẻ thường được thở ôxy và tiêm thuốc chống co giật, khi cơn kéo dài hoặc có nhiều cơn gần nhau.Những trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị bằng một số loại thuốc chống động kinhnhư Depakin, Tegretol, Topamax… Trẻ phải uống thuốc chữa bệnh ít nhất là 2 năm và nếu được điều trị đúng, đầy đủ, thì có tới 60 – 70 % trẻ khỏi bệnh.

Gia đình cần cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đi khám định kỳ, theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ và các cơn động kinh, có sổ nhật ký ghi chép lại những lần trẻ bị cơn, theo dõi tác dụng phụ (dị ứng, mệt mỏi…) của thuốc. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý tới thay đổi tâm lý của trẻ (mặc cảm, bướng bỉnh, nóng tính, tăng động, giảm tập trung chú ý, hay đòi hỏi…), để kịp thời điều chỉnh hành vi tâm lý của con. Nếu trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ và vận động, cần cho bé điều trị phục hồi chức năng. Xã hội không thành kiến với trẻ bị động kinh, mà luôn giúp các bé hòa nhập với cộng đồng.


Phòng tránh
bệnh thế nào?

Khi mang thai, mẹ cần được đảm bảo và giữ gìn tốt nhất về sức khỏe. Thai phụ phải tránh sự mỏi mệt, căng thẳng, luôn có được tâm lý vui vẻ thoải mái nhất. Ngoài ra, mẹ cũng thăm khám thai sản định kỳ, đảm bảo chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, sản khoa an toàn.

Trẻ sinh ra cần được tiêm chủng đầy đủ, để tránh một số bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương não. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Các bé bị động kinh cần được bố mẹ và gia đình quan tâm về sức khỏe và tâm lý. Cho con ngủ đủ, tạo cơ hộicho trẻ được học tập, sinh hoạt điều độ, vui chơi đúng mức, hòa nhập với môi trường sống.

Không cho trẻ ở một mình và tránh những nơi nguy hiểm như chỗ cao, gần hồ ao, gần bếp lửa…, vì trẻ có thể ngã, co giật và nguy hại đến tính mạng. Không nên cho trẻ chơi điện tử, xem vô tuyến kéo dài, vì dễ gây khởi phát cơn động kinh.

Ths. BS Quách Thúy Minh (tạp chí Bầu)

Leave a Reply

Or