Cần biết: Những bệnh dễ nhầm lẫn với sởi

Bệnh sởi thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt phát ban, chân tay miệng, viêm não Nhật Bản,…

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút sởi gây ra, có tính lây truyền cao và dễ trở thành dịch bệnh. Bệnh sởi dễ dàng lây từ người nay sang người khác qua đường hô hấp, qua nước bọt của người bị bệnh. Trẻ em là đối tượng bị mắc sởi nhiều nhất. Năm 2014 dịch sởi hoành hành tại nước ta với hơn 100 ca tử vong chủ yếu là trẻ em và trong năm nay dịch sởi có nguy cơ bùng phát trở lại.

Do bệnh sởi có nhiều triệu chứng giống với một số bệnh khác, khiến phụ huynh chủ quan không đưa con em mình thăm khám và chữa trị kịp thời, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của trẻ và có thể dẫn đến tử vong. Nhằm giúp phụ huynh nhận biết bệnh sởi một cách chuẩn xác, dưới đây sẽ là một số dấu hiệu nhận biết về những bệnh dễ bị nhầm lẫn với sởi.

Những bệnh dễ nhầm lẫn với sởi phụ huynh cần biết - ảnh 1

Khi trẻ bị ốm, nhiều phụ huynh phân vân không biết trẻ bị bệnh gì

Bệnh sởi và bệnh cúm

Bệnh cúm và bệnh sởi đều có triệu chứng chung là hắt hơi, sổ mũi, sốt, ho… Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ ràng nhất là ở bệnh sởi thường bị viêm ở mắt, chảy nước mắt, mắt bị phù nề. Sau khoảng 2 – 3 ngày thì ban đỏ bắt đầu xuất hiện ở các vùng trên cơ thể từ mặt, đến cổ, ngực, lưng, bụng,.. rồi xuống đùi và chân.

Bệnh sởi và sốt phát ban

Bệnh sởi thì ban nổi dày đặc và đi theo tiến trình. Đầu tiên người bệnh sẽ bị sốt, ban xuất hiện ở sau tai rồi lan ra mặt và lan dần xuống toàn thân. Đặc điểm của ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm ở trên da.

Trong khi đó, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường thì sau khi giảm sốt, người bệnh sẽ bị phát ban. Đây là hồng ban ở dạng mịn, ít gồ lên mặt da và ban nổi đồng loạt trên cơ thể không theo tiến trình. Sau khi bay thì thường không để lại bất cứ dấu tích gì.

Những bệnh dễ nhầm lẫn với sởi phụ huynh cần biết - ảnh 2

Sốt là triệu chứng của hầu hết các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Bệnh sởi và bệnh thủy đậu

Bệnh sởi thường bắt đầu với các triệu chứng là sốt nhẹ rồi sốt cao tới 39 – 40oC. Mệt mỏi, ho và nổi phát ban. Các ban đỏ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh rồi lan dần toàn thân. Đặc trưng của bệnh sởi là sốt cao, phát ban đỏ toàn thân kèm viêm đường hô hấp, viêm kết mạc (đam mắt đỏ, mắt kèm nhèm,..).

Bệnh thủy đậu thường khởi phát đột ngột với triệu chứng là xuất hiện mụn nước ở mặt, lan nhanh toàn thân trong vòng 12- 24 giờ. Mụn nước thường chứa dịch trong, có đường kính từ 1 – 3 mm, mụn nước màu đục do chứa mủ. Khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng biếng ăn sốt cao đau đầu, nôn ói, đau cơ. Sau 7 – 10 ngày, nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần và bị bong vảy.

Bệnh sởi và bệnh chân tay miệng

Nếu trẻ bị bệnh sởi thường sốt cao 39 – 40oC kèm theo là các triệu chứng như ho, đỏ mắt, đau đầu… Các nốt phát ban sẽ xuất hiện sau 4 – 5 ngày sốt và ho. Ở giai đoạn toàn phát thì phát ban sẩn, mịn và không có nước. Ban nổi theo thứ tự từ phần đầu rồi đến toàn thân. Biến chứng chủ yếu của sởi là các viêm nhiễm ở đường hô hấp.

Còn bệnh chân tay miệng, trẻ sẽ sốt nhẹ từ 38 – 38,5oC, sau 3 – 5 ngày bị mệt mỏi, sổ mũi, đau họng. Với bệnh này sẽ xuất hiện mụn nước đầu tiên ở niêm mạc miêng, thường là ở mặt trong của má, lợi, mặt bên của lưỡi. Chúng sẽ xẹp xuống và tự biến mất 7 – 10 ngày. Ngoài ra ở bệnh này, hồng ban có gờ ở lòng bàn tay, bàn chân,.. Biến chứng chủ yếu là thương tổn đến vùng thần kinh như viêm màng não, ảnh hưởng hệ tim mạch.

Những bệnh dễ nhầm lẫn với sởi phụ huynh cần biết - ảnh 3

Bệnh sởi rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, vì vậy bố mẹ cần phải biết rõ triệu chứng bệnh để điều trị

Bệnh sởi và viêm não Nhật Bản

Bệnh sởi thời kỳ ủ bệnh thì trẻ thường sốt nhẹ. Trong thời kỳ khởi phát sẽ kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, co giật, đau khớp… kèm chảy nước mắt, mắt đỏ. Trong thời kỳ phát ban sẽ lan dần toàn thân trong vòng từ 1 – 3 ngày. Ban sởi sẽ bay theo trình tự xuất hiện và để lại vết thâm đen.

Trong khi đó, bệnh viêm não Nhật Bản, thời khì ủ bệnh là 1 – 6 ngày, có khi tới 14 ngày. Bệnh thường khởi phát bằng triệu chứng đau đầu, sốt, buồn nôn sau đó sẽ là sốt cao co giật, rối loạn hô hấp, chướng bụng, nhịp tim nhanh… Trường hợp nặng là thấy sốt trên 40 độ và rối loạn thần kinh thực vật. Ở giai đoạn cấp, thường xảy ra tử vong vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8.

Theo Songkhoe

Leave a Reply

Or