Cách một em bé ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm

Đó là một hành trình đầy yêu thương và… gay cấn đối với các bố mẹ đang vô cùng chờ mong sự xuất hiện của một thiên thần nhỏ trong tổ ấm của mình.

Trong toàn bộ quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) bệnh nhân phải lui tới bệnh viện rất nhiều lần để xét nghiệm, theo dõi và chích thuốc. Chỉ đến ngày chọc hút trứng, bệnh nhân mới phải làm hồ sơ nhập viện để vào khu vực Phòng TTTON. Tại đây, trứng sẽ được hút ra, tinh trùng sẽ được thu thập để chuyển qua một ô cửa hẹp. Hai ngày sau, cũng từ chính ô cửa đó phôi tạo thành sẽ được trao lại để chuyển vào tử cung.

Có bao giờ bạn tự hỏi “chuyện gì đang xảy ra đằng sau ô cửa kia?”, “làm thế nào trứng và tinh trùng của vợ chồng mình lại có thể kết hợp để thành phôi, khởi đầu cho đứa con mong ước của mình sau này?” Hãy cùng tham quan một ngày làm việc với các nhân viên phòng lab – hay nói chính xác hơn là các nhà phôi học (embryologist) – để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Yêu cầu về “Sạch” và “Vô trùng”

Phôi chỉ phát triển tốt trong những điều kiện tối ưu nhất về nhiệt độ, độ ẩm, độ kiềm. Môi trường cấy phôi cũng là môi trường giàu chất dinh dưỡng. Điều đó cũng có nghĩa môi trường cấy phôi là môi trường “tuyệt vời” cho vi trùng phát triển! Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, nhân viên phòng lab chỉ được làm việc sau khi nắm vững những kỹ năng cần thiết về thao tác vô trùng. Trước khi vào lab mọi người phải thay áo quần, đội nón, mang khẩu trang, rửa tay bằng chất sát khuẩn, thay dép. Khu vực làm việc bên trong lab thường xuyên được vệ sinh. Mọi dụng cụ trước khi đưa vào lab cũng được làm sạch bằng cồn. Ngay cả không khí cũng được lọc liên tục để ngăn bụi vào khu vực này.

Trong thực tế, đây là khu vực “Không phận sự miễn vào!”

Tìm trứng và Chuẩn bị tinh trùng

Công việc đầu tiên trong ngày là chọc hút trứng – tìm trứng. Dịch nang chứa trứng được chuyền qua ổ cửa để vào phòng lab. Dịch được kiểm tra dưới kính hiển vi (KHV) để tìm trứng. Trứng tìm thấy sẽ được rửa sạch máu và dịch nang, sau đó được giữ trong tủ cấy ở nhiệt độ 37oC từ 4 – 6 giờ trước khi cho thụ tinh với tinh trùng. Đây là khoảng thời gian cần thiết cho trứng hoàn thành giai đoạn trưởng thành cuối cùng.

Trong thời gian này tinh trùng được chuẩn bị. Tinh dịch từ mẫu xuất tinh của người chồng được lọc rửa để chọn ra những tinh trùng tốt nhất. Tinh trùng sẽ được pha loãng để đạt nồng độ 100.000 tinh trùng/ml, nồng độ tối ưu để trứng thụ tinh bình thường trong ống nghiệm. Trong trường hợp chất lượng tinh trùng quá kém hoặc có bất thường về thụ tinh, tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng bằng kỹ thuật ICSI. Cấy trứng và tiêm trứng được trình bày trong phần Cấy và Tiêm.

thu-tinh-ong-nghiem

Kiểm tra thụ tinh

Chọc hút trứng đã xong, trứng đã nằm yên trong tủ cấy chờ giờ tiếp xúc với tinh trùng. Công việc kế tiếp trong ngày là kiểm tra kết quả cấy phôi ngày hôm trước. Trứng được cấy cần phải bóc sạch lớp tế bào bám trên bề mặt để nhìn vào bên trong, kiểm tra dấu hiệu thụ tinh bình thường là hình ảnh hai tiền nhân. Tất cả công việc này đều được thực hiện dưới KHV. Sau khi kiểm tra, trứng có thụ tinh được chuyển sang môi trường mới để tiếp tục phát triển thêm 24 giờ trong tủ cấy CO2.

Kiểm phôi – Chuyển phôi – Trữ phôi

Phôi ngày hôm nay là kết quả của những trứng chọc hút được kết hợp với tinh trùng từ hai ngày trước đó. Trồng cây đã đến ngày hái quả, phôi giờ đây đã sẵn sàng để chuyển trở lại vào cơ thể mẹ. Dẫu chưa thể khẳng định “quả” nào chua, “quả” nào ngọt, nghiên cứu cho thấy những phôi “đẹp” thường là những phôi có khả năng phát triển tốt hơn.

Dưới KHV, những phôi đẹp được chọn ra, hút vào ống chuyển phôi để đưa trở lại vào cơ thể mẹ. Đây cũng là lúc bệnh nhân được thông báo kết quả về số trứng chọc hút được, số phôi tạo thành, và số phôi được chuyển trở lại vào người. Phôi lúc này vẫn chỉ như những hạt bụi nhỏ. Những hạt bụi này rồi đây sẽ hóa kiếp thành những cô bé, cậu bé, những chàng trai, cô gái cho đời.

Với bệnh nhân còn dư phôi tốt, số phôi tốt này sẽ được trữ để chuyển vào lần sau nếu có yêu cầu. Phôi chất lượng kém không được trữ vì phôi sẽ chết sau khi rã đông.

Cấy và Tiêm

Lúc này là đầu giờ chiều. Đã đến lúc cho trứng và tinh trùng gặp nhau. Với những trứng được cấy (IVF), công việc được thực hiện khá đơn giản bằng cách bỏ trứng vào tinh trùng pha sẵn. Ngược lại, với những trứng cần được tiêm tinh trùng (ICSI) vẫn còn nhiều việc phải làm để trứng và tinh trùng có thể thụ tinh. Toàn bộ quy trình tiêm tinh trùng vào trứng đòi hỏi sự thận trọng, độ chính xác và tập trung cao của người thực hiện.

Đầu tiên, trứng sẽ được tách khỏi lớp tế bào bao bọc xung quanh bằng men với sự hỗ trợ của pipette thủy tinh được kéo cực nhỏ. Sau đó, trứng được cho vào những giọt môi trường thao tác cũng rất nhỏ để chờ được tiêm tinh trùng. Trong giai đoạn này trứng được thao tác bằng tay trên những dụng cụ có kích thước vài trăm micromét (micromét = 1/106 mét) bên trong môi trường có khi chỉ vài microlít (microlít = 1/106 lít).

Bước kế tiếp được thực hiện trên KHV đảo ngược. Dụng cụ tiêm tinh trùng chỉ có kích thước vài micromet và thể tích môi trường thao tác chỉ tính bằng picolit (picolít = 1/1012 lít)! Với sự hỗ trợ của bộ dụng cụ vi thao tác, tinh trùng được chọn bắt, xử lý và tiêm trực tiếp vào bên trong trứng.

Sau cùng, trứng được rửa sạch môi trường thao tác, cho vào môi trường cấy để hoàn tất hiện tượng thụ tinh. Một ngày làm việc tại lab cũng cơ bản kết thúc. Việc kiểm tra thụ tinh sẽ được thực hiện vào sáng hôm sau.

Tóm tắt

Những gì xảy ra bên trong lab – đằng sau ô cửa – có thể được tóm tắt trong sơ đồ sau. Để dễ theo dõi, công việc được sắp xếp lại theo trình tự phát triển của trứng và phôi trên cùng một bệnh nhân. Từ dịch nang và tinh dịch đưa vào phôi đã thành hình sau 2 ngày nuôi dưỡng trong lab TTTON. Chúc phôi “lên đường bình an” với tất cả tấm lòng của người làm lab!

thu-tinh-ong-nghiem2

Tâm lý thoải mái, có điều kiện kinh tế là hai điều quan trọng nhất mà các vợ chồng hiếm muộn cần chuẩn bị trước khi muốn thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết, quá lo lắng, nóng vội hoặc thụ tinh một lần không thành công thì tuyệt vọng là những rào cản của việc tìm con bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo bác sĩ Tường, phương pháp này được ví như một cuộc chạy đua đường dài chứ không phải đua cự ly ngắn. Nghĩa là bệnh nhân có thể phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, có chu kỳ thành công, có chu kỳ thất bại. Nhiều người chỉ mới một lần thất bại đã không còn tinh thần và có ý buông xuôi.

Một số bệnh nhân khác lại nghĩ rằng, khi thụ tinh trong ống nghiệm thì phải nghỉ việc, nghỉ ngơi tuyệt đối, tuy nhiên điều này lại hoàn toàn không làm tăng tỷ lệ có thai. Các kỹ thuật điều trị vô sinh nói chung không đòi hỏi nhập viện hay điều gì khẩn cấp để bệnh nhân phải nghỉ việc.

“Việc điều trị vô sinh có thể phải kéo dài vài năm, do đó, bạn đừng để việc điều trị làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Bạn cũng không nên thay đổi thói quen ăn uống cũng như các thói quen sinh hoạt trước đó”, ông Tường nói.

Kinh phí mỗi lần thực hiện 50-60 triệu đồng

Kinh phí là vấn đề quan trọng bởi thụ tinh trong ống nghiệm tiêu tốn không ít tiền bạc. Có hai khoản phí chính, khoản tiền đầu tiên là tiền thuốc tiêm kích thích buồng trứng. Phí này chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 tổng chi phí điều trị.

Bác sĩ Tường cho biết, mỗi tháng phụ nữ chỉ rụng một nang trứng, tức tối đa chỉ có một phôi hoặc thậm chí không có phôi nào. Tình trạng này khiến tỷ lệ đậu thai rất thấp nên cần phải kích thích trứng. Việc kích thích trứng làm tăng cơ hội có thai bằng cách tăng số trứng dẫn đến tăng số phôi có được. Khi đó sẽ chuyển 3-4 phôi trong một lần vào tử cung. Phôi thừa có thể đông lạnh trữ lại để dành sau này sử dụng.

“Nếu bệnh nhân thất bại trong lần đầu thụ tinh thì không phải tiến hành lại từ đầu mà chỉ cần rã đông phôi trữ, chuyển tiếp và sẽ có cơ hội có thai khác. Hoặc bệnh nhân thực hiện lần đầu đã có thai, trữ lại các phôi đó, một hai ba năm sau lại chuyển, bệnh nhân sẽ có em bé khác”, bác sĩ Tường nói.

Khoản chi phí thứ hai là chi phí thực hiện kỹ thuật chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, dụng cụ thí nghiệm lấy phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung.

Tổng chi phí cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam vào khoảng 55-60 triệu đồng. So với mức thu nhập của người Việt Nam là cao nhưng so với chi phí thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới thì thuộc loại thấp nhất.

Ai có thể thụ tinh trong ống nghiệm

Người bị tắc vòi trứng, bơm tinh trùng nhiều lần hoặc điều trị bằng cách khác mà chưa có con đều có thể tìm hiểu để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Về thủ tục pháp lý khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm trước hết phải là vợ chồng. Do vậy bệnh nhân sẽ cần giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng minh nhân dân hoặc passport của vợ chồng.

Bệnh nhân có thể liên hệ tại các bệnh viện phụ sản ở nơi mình sinh sống để biết thêm chi tiết. Tại TP HCM, người bệnh có thể đến các bệnh viện chuyên khoa sản hoặc các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm để được tư vấn chi tiết.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or