9 điều quan trọng mẹ cần nhớ khi mang thai lần đầu tiên

Chưa có kinh nghiệm, mẹ mang thai lần đầu tiên chắc chắn sẽ gặp không ít rắc rối trong thời gian bầu bí. Đừng lo nhé! Ghi nhớ 9 điều quan trọng sau, thai kỳ của bạn sẽ suôn sẻ cả thôi.

Niềm vui vỡ òa khi mẹ biết mình đã mang trong người một thiên thần bé nhỏ. Bên cạnh những điều bỡ ngỡ là những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời mẹ. MarryBaby sẽ chia sẻ cùng mẹ 9 điều quan trọng khi mang thai lần đầu tiên để giúp mẹ vơi đi phần nào băn khoăn lo lắng mẹ nhé!

Mang thai lần đầu tiên

Những điều cực hữu ích cho mẹ mang thai lần đầu tiên, đừng bỏ lỡ bạn nhé!

1.  Làm sao để biết có thai?

Khi bạn trễ kinh là dấu hiệu cho biết bạn đã có thai. Nhưng một số trường hợp thì trễ kinh là do căng thẳng, hoặc có những ảnh hưởng khác. Bạn có thể phát hiện có thai sớm bằng que thử thai hoặc bút thử thai. Lượng hormone có trong nước tiểu giúp que thử dương tính. Sớm hơn nữa bạn có thể thử máu(xét nghiệm beta Hcg) sau khi có sự thụ thai khoảng 10 ngày. Những biểu hiện dễ nhận biết có thai sớm đó là đau ngực, đau lâm râm bụng dưới, đi tiểu nhiều, mệt mỏi…

2. Thời gian mang thai bao lâu?

Thời gian mang thai kéo dài 288 ngày kể từ ngày thấy kinh lần cuối cùng hay khoảng 264 ngày kể từ ngày thụ thai.

3. Mẹ có biết cách tính ngày dự sinh em bé?

Nếu bạn có một chu kỳ kinh đều đặn thì việc tính ngày dự sinh rất đơn giản. Chỉ cần lấy ngày kinh đầu tiên của lần thấy kinh cuối cùng trước khi mang thai trừ đi 3 tháng và cộng 7 ngày. Ví dụ lần thấy kinh cuối cùng của bạn là ngày 10-4-2017 bạn lấy 4 trừ 3 rồi cộng thêm 7 ngày. Như vậy ngày 17-1-2018 sẽ là ngày dự sinh của bạn. Tuy nhiên, khi đi siêu âm trong 12 tuần đầu tiên, bác sĩ có thể chẩn đoán tương đối chính xác ngày dự sinh của bạn.


4. Các chỉ số trong siêu âm thai

Các mẹ mang thai lần đầu tiên chắc chắn sẽ rất lạ lẫm với các kí hiệu trên hình ảnh siêu âm nhưng ngại hỏi bác sĩ. Dưới đây là các chỉ số quan trọng giúp mẹ hiểu về sự phát triển của thai nhi:

CRL: Rown rump length (chiều dài từ đầu mông)

BPD: Biparietal diameter (đường kính lưỡng đỉnh)

TTD: Đường kính ngang bụng

APTD: Đường kính trước và sau bụng

AC: Abdominal circumference (chu vi vòng bụng)

FL: Femur length (chiều dài xương đùi)

Chiều dài xương đùi thai nhi

Đừng ngại hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sự phát triển của thai nhi, bạn nhé!

5. Đối mặt với tình trạng nghén

Bạn cảm thấy quá mệt mỏi với việc suốt ngày phải “làm bạn” với cái toilet. Đó là vì khi mang thai, các hormone thai kỳ tăng nhanh làm mẹ khó thích nghi kịp gây ra các cảm giác buồn nôn, nôn khan, mệt mỏi, khó chịu, thèm ăn hoặc chán ăn.

Nếu nôn nghén nhiều bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Nếu nôn quá nhiều gây mất nước rất nguy hiểm có thể làm giảm độ pH trong máu, tăng a-xít không tốt cho thai nhi. Gặp bác sĩ theo dõi cho bạn để nhận một lời khuyên tốt nhất. Bạn sẽ được kê các thuốc giảm nôn hoặc chỉ định truyền nước nếu bạn bị mất nước nhiều.

6. Bổ sung vitamin đúng cách

Thị trường vitamin đa dạng, bạn băn khoăn không biết dùng loại nào tốt và liều lượng ra sao. Không phải cứ dùng nhiều vitamin là con sẽ thông minh đâu nhé! Một số loại dùng quá liều có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn, vitamin A không được dùng quá 5000IU/ngày, vitamin C là 80mg/ngày…Bạn nên nhờ dược sĩ tư vấn trước khi sử dụng bất kỳ loại vitamin và thuốc nào.

7. Khi nào cảm nhận được sự của động của thai nhi?

Sự chuyển động của thai nhi lần đầu tiên mẹ cảm nhận thấy sẽ hạnh phúc biết bao. Và điều ấy sẽ đến khi bạn mang thai tầm tuần 20-21. Nhưng những người phụ nữ có thai con rạ thì cảm nhận thai máy sẽ sớm hơn vài tuần.


8. Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Đây là thắc mắc thường gặp nhất của các bà mẹ mang thai lần đầu tiên. Không một bằng chứng nào chứng minh siêu âm nhiều có nguy cơ sảy thai hoặc dị tật thai nhi. Siêu âm giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi từng giai đoạn. Mẹ đừng lo lắng quá nhiều nhé!

9. Tăng cân bao nhiêu là đủ?

Không có một tiêu chuẩn cố định nào cho việc tăng cân khi mang thai. Tùy theo chỉ số khối cơ thể bạn(BMI) là bao nhiêu. Nếu chỉ sô BMI của bạn từ 20-26 bạn nên tăng khoảng 11-16kg trong thai kỳ. BMI 30 trở lên thì chỉ nên tăng khoảng 6-7kg. Nếu bạn quá gầy BMI dưới 19 thì nên tăng từ 13-18kg.

Với 9 điều quan trọng MarryBaby lưu ý trên đây, hy vọng có thể giải đáp phần nào thắc mắc cũng như giúp mẹ bầu giảm bớt lo lắng, bỡ ngỡ trong giai đoạn bầu bí. Nếu còn bất kỳ lo lắng nào, mẹ đừng quên chia sẻ cùng MarryBaby nhé!

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or