5 điều ba mẹ phải nhớ về bệnh tiêu chảy cấp

Gần như tất cả trẻ em trên thế giới đã bị nhiễm virus Rota ít nhất một lần. Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp, phải nằm viện thường gặp nhất là virus Rota, chiếm hơn 50% các trường hợp.

Vi-rút Rota tấn công vào hệ vi nhung mao khiến trẻ nôn ói và tiêu chảy cấp. Ảnh: Internet

1. Virus rota là gì?

Virus Rota là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất. Mặc dù bệnh tiêu chảy do virus Rota thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, tất cả chúng ta đều có thể bị nhiễm siêu vi này.

2. Con đường xâm nhập của virus Rota

Virus Rota chủ yếu lây truyền qua đường phân, tay chân và miệng. Vì vậy, trẻ em dưới 2 tuổi luôn là đối tượng dễ mắc bệnh và bệnh nặng do sức đề kháng của các bé còn yếu lại có thói quen đưa những vật cầm nắm được vào miệng. Thói quen này được hình thành một phần là do các bé thích “khám phá”, vận dụng đôi tay để sờ mó vào những vật xung quanh.

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), virus Rota được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi với 10 ngàn tỉ virus trong 1ml phân và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi…

Chỉ với khoảng 10 virus Rota đã có thể gây bệnh và lại có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, khả năng lây nhiễm rất cao nên các phương pháp phòng ngừa tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác không đủ bảo vệ trẻ em khỏi bị lây nhiễm.

3. Triệu chứng trẻ bị nhiễm Virus rota

Các triệu trứng thường thấy ở trẻ khi bị tiêu chảy do nhiễm vi rút rota như: nôn mửa, tiêu chảy ra nhiều nước và sốt nhẹ. Đặc biệt, dấu hiệu đi ỉa phân lỏng từ 3 lần 1 ngày trở lên là những biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp.

Thời gian ủ bệnh trong vòng hai ngày trước khi triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng thường bắt đầu với ói mửa, khoảng 4 đến 8 ngày sau sẽ tiêu chảy nhiều. Mất nước xảy ra phổ biến hơn trong nhiễm vi rút rota so với hầu hết các trường hợp nhiễm vi khuẩn khác. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến nhiễm vi rút rota ở trẻ.

4. Hướng điều trị

Khi bị tiêu chảy cấp do Rota, cơ thể trẻ dễ bị mất nước ồ ạt với các triệu chứng như ói từ 10-15 lần/ngày và tiêu chảy lên đến 20 lần/ngày. Vì vậy, điều quan trọng là cần bổ sung nước đầy đủ và kịp thời cho trẻ.

Tiêu chảy cấp do virusRota khác với các tiêu chảy khác là có nôn ói nhiều lần nên khó bù nước bằng đường uống mà phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để truyền dịch bù nước đầy đủ.

5. Cách phòng bệnh

Cần chủ động cho con uống vắc xin phòng virus Rota để bé được khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Internet

Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ rất nhỏ và dễ lây lan, nhưng điều may mắn là hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa virus này. Đây là vắc-xin dạng uống, được Bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa vào sử dụng từ tháng 7/2007 đến nay.

Để bảo vệ sức khỏe còn non yếu của trẻ, các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi nên chủ động đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế để được tư vấn phòng ngừa virus Rota cho con càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cũng cần chú trọng tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng ốc, đồ chơi, vật dụng trong phòng cũng như giữ vệ sinh cho trẻ em bằng cách rửa tay sạch sau khi chơi đùa, cầm nắm đồ vật.

 

theo: camnanggiadinh

Leave a Reply

Or