Y tá mua 5.800 khẩu trang khi du lịch

Chen Xueyan bỏ quần áo khỏi hành lý, lấy chỗ cho hàng nghìn chiếc khẩu trang mua ở Nepal mang về Trung Quốc phát cho người dân sau khi biết mặt hàng này đang khan hiếm.

[Caption]Hành lý của Chen Xueyan toàn khẩu trang được cô mua mang từ Nepal về Trung Quốc. Ảnh: Shanghaiist. 

 

Vali hành lý của Chen Xueyan chất đầy khẩu trang mua ở Nepal để mang về Trung Quốc. Ảnh: Shanghaiist. 

Trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, Chen Xueyan, một nữ y tá ở huyện Longchang, tỉnh Tứ Xuyên, xin nghỉ phép để đi du lịch Nepal. Trong thời gian nghỉ dưỡng tại đây, cô hay tin dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát nghiêm trọng, và các đồng nghiệp của cô bày tỏ lo ngại trong nhóm chat về việc khẩu trang y tế đang dần trở nên khan hiếm. 

Trước thông tin này, Chen tạm gác các kế hoạch trong chuyến đi của mình và lang thang tới hiệu thuốc gần khách sạn để tìm mua khẩu trang y tế. Cuối cùng, cô mua được 5.800 chiếc. 

Chen quyết định bỏ lại hầu hết quần áo mà cô mang theo trong chuyến đi, quay về nhà với bốn túi hành lý đựng đầy khẩu trang để phân phát cho người dân địa phương. 

Câu chuyện của Chen được chia sẻ sau khi một người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam từng được chủ cũ trả lương bằng khẩu trang. Người này quyết định quyên tặng toàn bộ “phần lương”, gồm 18.000 chiếc khẩu trang, cho những người đang cần. 

Người dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trang giữa bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan nhanh chóng. Ảnh: EPA. 

Người dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trang giữa bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan nhanh chóng. Ảnh: EPA. 

Do nhu cầu bảo vệ sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm, người dân đã đổ xô tới các hiệu thuốc, cửa hàng, siêu thị trên khắp Trung Quốc mua khẩu trang y tế, khiến mặt hàng này ngày càng khan hiếm. 

Trong vòng một tuần qua, người dân ở Singapore, Thượng Hải và Hong Kong khẳng định khẩu trang đã “cháy hàng” tại các cửa hàng địa phương. Những bức ảnh và video ghi lại cảnh người dân xếp hàng dài bên ngoài các cơ sở hay công ty y tế, chờ đến lượt mua khẩu trang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. 

Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi do corona (nCoV) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, sau khi căn bệnh truyền nhiễm này đã khiến ít nhất 213 người Trung Quốc tử vong và gần 10.000 ca nhiễm bệnh tại nhiều quốc gia khắp thế giới.

Theo Ngoisao

Leave a Reply

Or