Ước gì cha mẹ tôi biết “ích kỷ” cho mình thay vì chăm chăm bán đất để… chia tiền cho con

Ở tuổi ngoài 60, bố mẹ tôi chưa từng có cuốn sổ tiết kiệm nào. Nhưng mong ước cuối đời của ông bà không phải cuốn sổ bảo lãnh tuổi già mà là làm sao bán được căn nhà với giá cao để cho tiền con cháu.

 
Artboard 1 copy 13

Ngày tôi mang theo chiếc hòm tôn đựng chăn màn sách vở áo quần lên đường đi học cấp 3 nội trú, bố tôi ngồi uống trà với bác hàng xóm, cố làm ra vẻ hài hước nói: Ba năm cấp 3 mỗi năm nó về hai lần. Bốn năm đại học mỗi năm nó về hai lần. Ra trường, đi làm, lấy chồng, mỗi năm nó về một lần. Thế là mình mất nó từ đây.

15 tuổi, tôi như con chim rời tổ với bao niềm háo hức về bầu trời cao rộng. Bố tôi mất tôi từ đó.

20 năm qua, bố mẹ tôi đã quen với việc sống trong căn nhà chỉ có hai người. Bạn bè hàng xóm rơi rụng dần. Người về quê, người đi trông cháu, người bỏ xứ theo con, người đoản mệnh.

Từ ngày có smartphone, mẹ tôi vào Facebook tám chuyện, xem quần xem áo, nghe nhạc trữ tình tới khuya. Bố tôi thường ngủ một chập từ 8 giờ tối tới 10 giờ thì tỉnh. Dậy rít điếu thuốc lào, rồi trằn trọc cả đêm. Thi thoảng uống rượu say, bố gọi điện cho tôi bảo: Mẹ mày có cái điện thoại, bố thành người thừa.

Vài năm qua, bố mẹ tôi cứ băn khoăn chuyện ở đi. Muốn hồi hương thì bạn bè khuyên chớ. Rằng quê buồn lắm, họ hàng càng xa càng quấn quýt mà càng gần càng lạt lẽo. Tính chuyện bán cửa nhà lên ở với con trai, cho con thêm chút vốn liếng tích lũy thì lại đọc trên mạng bao nhiêu bài học đắng cay, trở đi mắc núi trở lại mắc sông. Mà cứ ở cái mảnh đất nửa phố nửa quê đồng nghiệp bạn bè tứ tán tuổi già thì chông chênh ngày qua ngày.

Artboard 1 copy 5

Bố mẹ tôi trái tính nhau. Bao nhiêu ấm ức, buồn khổ, mâu thuẫn từ thời thanh xuân cuốn chiếu cắp nách mang lên chuyến tàu thời gian đằng đẵng cập bến tuổi già.

Mẹ tôi có nhiều bạn, tính tình cởi mở. Chợ cách nhà 800m nhưng mẹ tôi thường đi mất 2 tiếng. Bà thường nán lại chỗ cô bạn nào đó, tám chuyện trên giời dưới bể. Thành ra, dù bà luôn miệng than phiền rằng không ai lấy chồng mà khổ như bà, rằng bà phải cắn răng chịu đựng bố tôi cả đời, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bà trầm cảm.

Trái lại, bố tôi gai góc, không có bạn. Ông thực sự đang nghĩ gì, đang muốn gì, tôi không biết.

Con cái mua cho ông điện thoại, ông chê lãng phí. Đưa điện thoại cũ cho ông dùng, ông chê keo kiệt với ông. Mua cho ông cái áo, ông chê không biết chọn. Mua cho ông chai rượu Tây, ông chê rượu rởm. Nhưng người vợ mâu thuẫn từ thanh xuân tới tuổi già của ông thì bảo: Cứ đến Tết là ông ấy mặc áo con mua đi chơi, mang rượu con tặng ra đãi khách, không quên khoe điện thoại con dâu cho.

Một năm đôi ba bận về nhà, bố mẹ tôi lại gói ghém từ con gà tới mớ rau quả trứng, thùng lớn thùng nhỏ tha lên phố thị. Người trêu đùa, người mỉa mai “Con gái cái bòn”. Tôi không tiết kiệm, không sợ thực phẩm bẩn, cũng không dùng hết được những thứ bố mẹ dúi cho. Nhưng bố mẹ cho gì tôi lấy đó, gói gì tha đó. Bởi vì tôi muốn nhìn thấy họ hài lòng.

Nhất là bố tôi, ông chỉ vui khi thấy mình vẫn còn ý nghĩa với con.

Artboard 1 copy 10

Tôi thích ngồi trên chiếc giường gần cửa sổ nhìn ra vườn trong căn nhà thời thơ ấu, ngắm những vạt nắng hanh rọi qua bức tường cao nhà hàng xóm, ngắm mưa xối xả trên những khóm cây cô đơn. Cái vườn như tính bố tôi, không hàng lối, không quy hoạch, chẳng tỉa tót, mỗi thứ một ít và có những thứ chỉ cho hàng xóm qua xin mà chả bao giờ động tới. Những khóm cây vẫn lớn, nhưng thiếu hơi người, cặm cụi chìa cành nhánh ra để mưa gột rửa.

Ngày nhỏ, những ngày mưa xen kẽ nắng hanh như thế năm xưa, tôi chắc sẽ lôi búp bê ra chơi, chờ mưa tạnh thì leo lên mái nhà đón cầu vồng. Thơ thẩn thong dong không nỗi lo toan. Những con búp bê bố mua trong mỗi lần buôn chuyến sang Trung Quốc khiến tôi trở nên đặc biệt trong mắt bọn trẻ cùng xóm giờ vẫn được mẹ tôi bọc nilon cất kĩ trong tủ. Một ngày lâu năm rồi, trong trí nhớ hời hợt của mình, tôi vẫn lấp loáng hình ảnh bố ôm tôi vào lòng thủ thỉ: “Mẹ bảo bố về làm lại nhà máy, đi buôn nhiều rủi ro, nhưng bố mà về thì làm gì có tiền mua búp bê cho con”. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất, tôi thấy bố mình mở lời tâm sự.

Sau này ông phá sản, ông cũng hết cả hài hước và đóng chặt cánh cửa lòng mình.

Ở tuổi ngoài 60, tôi chưa bao giờ đưa được bố đi du lịch, hay chí ít là một chuyến đi chơi không nhân bất kì công việc gì. Lúc tỉnh, ông bảo ông không thích đi, ông không có nhu cầu khám phá thế giới. Lúc say, ông bảo ông chả dại gì mà đi du lịch bằng tiền của con cái, đến lúc chúng nó kể công thì nhục.

Mẹ tôi thì luôn sẵn lòng. Có lẽ bởi vì bà vẫn còn làm ra tiền.

Đôi khi, tôi vẫn hay gặp ở bạn bè những lời than phiền, rằng ông bà còn khỏe mà không trông cháu giúp, bỏ mặc con cái xoay xở với cuộc sống bận rộn. Tôi thở dài. Có phải vì bố mẹ tôi hết lòng với con cái quá hay không, mà tôi chỉ mong ông bà biết tận hưởng một chút, biết ích kỷ một chút, thậm chí mạnh dạn bán đất cát nhà cửa đi để mua 1 căn nhà nhỏ hơn cho hợp với hai người, mở một cuốn sổ tiết kiệm và rủng rỉnh tiêu bằng tiền lãi an hưởng tuổi già, thi thoảng đi du lịch bằng tiền của chính mình. Thay vì giờ đây chỉ chăm chăm bán đất sao được giá để cho các con nhiều nhất có thể.

Artboard 1 copy 11

Bố mẹ tôi đến già vẫn không có một sổ tiết kiệm nào. Có kiếm được dư dật đồng nào, mẹ tôi lại mua chỉ vàng cho cháu nội, cháu ngoại. Mỗi hè, bố mẹ tôi chỉ muốn đón cả đám cháu về vỗ béo, điều mà ông bà không làm được với con mình thời thiếu thốn.

Thi thoảng, bố mẹ tôi đùa, khi nào chân yếu tay run đầu óc lú lẫn thì con tha đi đâu sẽ theo đấy, con cho vào viện dưỡng lão thì cũng phải vào viện dưỡng lão thôi. Bố mẹ tôi vẫn thuộc thế hệ chưa thể chấp nhận chuyện người già vào viện dưỡng lão như một xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Bản thân tôi cũng khó chấp nhận với riêng bố mẹ mình. Bố mẹ tôi đến già vẫn không có một sổ tiết kiệm nào, nhưng chưa từng để con cái thiếu thốn. Khi người ta com cóp từng đồng để mua trái phiếu, bố mẹ tôi dành tiền để đặt 5 số báo mỗi tuần cho tôi. Khi nhà tôi phá sản, bố mẹ vẫn đi vay nợ cho hai anh em tôi ăn học. Khi con gái con dâu sinh nở, bố mẹ tôi lại thu xếp từng chút thời gian rảnh rỗi để lên chăm. Có kiếm được dư dật đồng nào, mẹ tôi lại mua chỉ vàng cho cháu nội cháu ngoại. Mỗi mùa hè, bố mẹ tôi chỉ muốn đón cả đám cháu về vỗ béo, điều mà ông bà không làm được với con mình thời thiếu thốn.

Nếu một ngày bố mẹ không còn đủ sức để nấu nồi cơm, giặt cái áo cái quần, thậm chí mất cả tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, tôi có sẵn sàng bỏ việc ở nhà chăm sóc bố mẹ hay đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão?

Tôi nào dám nói trước. Nhưng những con búp bê năm xưa mà bố tôi từ chối công danh để mua được cho tôi vẫn còn nguyên trong cánh tủ gỗ của mẹ tôi.

Đôi khi tôi tự trách mình không đủ giỏi giang để lo cho bố mẹ một cuộc sống tốt hơn. Sinh hoạt thường ngày với bao nhiêu mối quan hệ họ tộc, hàng xóm láng giềng khiến người già cô đơn chống chếnh trong nỗi căn ke cơm áo gạo tiền. Đồng lương hưu nhiều khi không đủ cho phong bì phúng viếng giỗ chạp cưới xin. Nhưng cái lúc tôi biếu bố mẹ vài đồng bạc, cái lúc tôi rủ mẹ đi du lịch, chụp cho bà nhiều ảnh “đăng phây”, tôi không thấy gương mặt của bố mẹ tôi ánh lên lấp lánh như khi lũ cháu ùa vào nhà mỗi mùa hè nóng nực, như khi chị dâu tôi gọi điện thông báo cháu đích tôn của ông nhất quyết không cho ai nằm lên chiếc gối mà ông đã nằm hôm trước để giữ lại mùi của ông bên nó.

Artboard 1 copy 12

Tôi ước bố mẹ biết ích kỷ một chút, mạnh dạn bán đất cát nhà cửa đi để mua 1 căn nhà nhỏ hơn, mở một cuốn sổ tiết kiệm cho hai người thay vì chỉ chăm chăm bán đất sao được giá để cho các con nhiều nhất có thể.

Bố mẹ tôi cần gì ở chúng tôi? Bố mẹ tôi muốn chúng tôi báo hiếu thế nào? Tôi không dám tin là mình biết đủ. Nhưng có lần bố tôi kể, mẹ tôi mặt sưng lên vì giận chồng mà ai đó tới nhà khen con gái là bà quay ra niềm nở với ông ngay tắp lự. Chồng bà có thế nào bà cũng chịu được hết nhưng con bà hư bà phải nhập viện nằm cả tháng trời.

Tôi tự nhủ cứ sống thật tốt, thật tốt để bố mẹ luôn yên tâm và tự hào về mình. Nhưng tôi cũng sợ rằng, việc đề cao bản thân mình trong hạnh phúc của bố mẹ sẽ khiến tôi vô tâm lãng quên những nhu cầu đời thường khác mà ông bà dằn lòng giấu giếm. Cứ thế, chúng tôi vẫn sẽ mải mê trong guồng quay mưu sinh, tham vọng của mình, cứ đắm đuối bên những đứa con và sự hưởng thụ của mình mà quên đi căn nhà thời thơ ấu có hai người già đang trằn trọc, lướt Facebook quên thời gian và bật tivi để ngủ cho ngon trong tiếng người.

Ai xoa lưng cho mẹ tôi ngủ như mẹ tôi xoa lưng cho tôi ngủ năm xưa. Ai tắt tivi và mắc màn cho bố tôi ngủ quên như bố tôi tắt tivi và mắc màn cho tôi đến tận năm 15 tuổi. Tôi ơi, nước mắt chảy xuôi.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or