Trẻ viêm phổi do thay đổi thời tiết: Bố mẹ tự chữa có thể gây biến chứng nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyên, trong thời điểm giao mùa sắp đến, nguy cơ bệnh viêm phổi tăng cao và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

benh-ho-hap-tre-em3-1833

Cảnh giác với dấu hiệu thở nhanh và rút lõm lồng ngực

Thời tiết có mối liên quan trực tiếp tới bệnh đường hô hấp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Bởi, thời tiết thay đổi đột ngột, từ nóng sang lạnh, khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp, dễ nhiễm bệnh.

Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng là do virus, vi khuẩn… tấn công vào hệ miễn dịch còn chưa đủ sức chống chọi của bé.

Bên cạnh đó là các yếu tố như: Môi trường sống đông đúc chật hẹp, khói, bụi, sức đề kháng của trẻ suy giảm…

Trong các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ khi giao mùa thì nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gây nguy hiểm cho trẻ.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường do vi khuẩn gây ra, có thể có biến chứng nặng như viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp và có thể làm cho trẻ tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

benh-ho-hap-tre-em

 Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị viêm phổi do hệ miễn dịch còn non nớt

Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị viêm phổi do khả năng miễn dịch còn yếu và chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến dễ bị vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Khi bị viêm phổi trẻ thường có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, thở nhanh, tím tái, rút lõm lồng ngực… Hậu quả là suy hô hấp dẫn đến thiếu oxy, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng  cho biết: ‘Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực.

Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.

Về chuyên môn Nhi khoa, thở nhanh với trẻ dưới 2 tháng tuổi là khi trẻ có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; Trẻ từ 2 tháng đến dưới 1 tuổi, thở nhanh là khi có nhịp thở 50 lần/phút trở lên; Trẻ từ 1 – 5 tuổi, thở nhanh khi có nhịp thở 40 lần/phút trở lên.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng đếm được chính xác nhịp thở của con. Do đó, cha mẹ hãy quan sát nhịp thở của con, thấy nhanh hơn ngày thường nhiều thì rất có thể trẻ đã bị viêm phổi’.

Khi trẻ ho, sốt và có dấu hiệu thở nhanh, tức là trẻ đã có thể bị viêm phổi.

Lúc này, cha mẹ nên đưa con đến một bệnh viện, phòng khám mà mình tin tưởng để bác sĩ thăm khám và xác định lại xem trẻ có thực sự viêm phổi không và có hướng điều trị kịp thời.

benh-ho-hap-tre-em3

Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức khi có dấu hiệu rút lõm lồng ngực

Còn khi trẻ ho, sốt kèm thêm dấu hiệu rút lõm lồng ngực thì 80% là trẻ bị viêm phổi nặng.

Để phát hiện chính xác dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở trẻ, cha mẹ hãy vén áo con lên  và nhìn trẻ thở, quan sát khoảng 2 phút, nếu thấy lồng ngực của trẻ lõm vào khi trẻ hít vào thì khả năng trẻ bị viêm phổi nặng.

Khi có dấu hiệu này, cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện để điều trị ngay lập tức bất kể là ngày hay đêm.

Viêm phổi có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ, vì vậy, khi theo dõi một em bé bị ho, sốt thì phải nhìn bé thở để phát hiện những dấu hiệu bất thường như đã kể trên.

Đừng tự ý điều trị cho con

Không ít cha mẹ nghĩ rằng, bệnh đường hô hấp là bệnh thông thường của trẻ nhỏ do thay đổi thời tiết.

Vì nghĩ là bệnh đơn giản nên nhiều cha mẹ lựa chọn tự làm bác sĩ, tự mua thuốc điều trị cho con thay vì đưa con đến thăm khám bởi những bác sĩ nhi khoa có chuyên môn.

tu-cho-tre-uong-thuoc

Cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con sẽ làm nguy hại đến sức khỏe của trẻ

Khi được hỏi về thực trạng cha mẹ đã từng tự làm bác sĩ cho con, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: ‘Việc cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con là điều rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Điều này đã được tôi khuyến cáo nhiều lần với cha mẹ khi đem con đến bệnh viện thăm khám, nhưng không hiểu sao các cha mẹ vẫn làm như vậy.

Bác sĩ là người có chuyên môn, để có thể khám, kê đơn thuốc điều trị bệnh cho trẻ người ta phải học qua trường lớp nhiều năm.

Vậy mà cha mẹ không học về chuyên môn y, dược, chỉ đọc thông tin trên internet lại dám tự ý điều trị cho con mình. Điều này quá nguy hiểm.

Tính mạng con người đâu phải chuyện đùa, tự ý điều trị rồi đến khi xảy ra sai sót, nguy hại đến sức khỏe của con mới chạy đến bác sĩ khám, thì đôi khi đã là quá muộn…

Nếu chỉ đơn giản đọc thông tin rồi tự chữa bệnh được thì sao bác sĩ như chúng tôi lại phải thăm khám, hỏi han triệu chứng của con xong rồi còn phải đắn đo, suy nghĩ mãi mới kê được đơn thuốc’.

PGS-TS-Nguyen-Tien-Dung

  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS Dũng cũng cho biết thêm, đọc sách về y không đơn giản như đọc truyện, không phải biết chữ là có thể đọc hiểu.

Muốn hiểu đúng và chính xác thông tin, kiến thức chuyên môn trong sách y, dược thì phải là những người có chuyên môn, được đào tạo trong ngành y, dược từ các kiến thức cơ bản như giải phẫu, sinh lý và những đặc điểm riêng của trẻ bình thường theo từng lứa tuổi rồi sau đó mới học đến bệnh lý.

Học xong lý thuyết bệnh lý rồi phải trau dồi kỹ năng thực hành thăm khám cho trẻ. Đây là một quá trình dài và xuyên suốt trong cả cuộc đời người thầy thuốc.

Việc cha mẹ đọc và tìm hiểu thông tin qua các kênh thông tin là để thu nhận kiến thức. Từ đó biết được cách phòng bệnh cho con trẻ hiệu quả và những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để đưa con đi thăm khám kịp thời đã là điều rất tốt với các bậc cha mẹ rồi.

‘Đừng tưởng 9 lần bạn tự điều trị cho con thành công là có thể tự tin và lần sau cứ tiếp tục. Nhưng lần thứ 10 xảy ra sai sót là có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình về trước mắt cũng như lâu dài, đôi khi có thể nguy hiểm tới tính mạng trẻ.

Cho nên, nghề của ai thì hãy để họ làm, có bệnh thì nên tìm đến bác sĩ, đừng tự ý làm thay công việc của họ để rồi lợi bất cập hại’, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ ho húng hắng, hơi sốt nhẹ, vẫn chơi và ăn bình thường thì cha mẹ có thể ra hiệu thuốc tả những triệu chứng và nhờ dược sĩ tư vấn loại thuốc phù hợp.

Nhưng cũng cần nhớ rằng, các dược sĩ chỉ có thể tư vấn những loại thuốc mà bán không cần đơn của bác sĩ theo quy định của Bộ Y tế mà thôi.

benh-duong-ho-hap

Trẻ được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, vui chơi ngoài thiên nhiên sẽ giúp phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả

Phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa 

– Cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ.

– Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng .

– Môi trường trong nhà phải sạch sẽ, không được ô nhiễm khói như khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp, khói than, khói hương, khói ô tô, xe máy…

– Chống bụi trong nhà, nhất là những nhà gần mặt đường.

– Không khí trong nhà phải được luân chuyển, đừng đóng kín cửa, bật điều hòa suốt ngày. Thi thoảng phải mở tung cửa để không khí trong nhà được luân chuyển, khô ráo, thoáng mát.

– Tăng sức đề kháng của em bé bằng cách cho trẻ chơi, chạy nhảy ngoài thiên nhiên nhiều hơn. Thay vì để trẻ làm bạn với tivi, điện thoại… hãy thường xuyên đưa trẻ đi chơi công viên, hòa mình với thiên nhiên để giúp trẻ tăng sức đề kháng.

– Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dùng các bài thuốc dân gian như chanh, mật ong, lá hẹ… để hỗ trợ điều trị cho con khi thấy con có biểu hiện ho húng hắng.

Theo Báo GIA ĐÌNH MỚI

Leave a Reply

Or