Trẻ bị dị ứng: Mẹ đừng lo lắng!.

Chị Mỹ Hoa (30 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Sau khi đùa giỡn với cún cưng xong, bé Bi 4 tuổi nhà mình bỗng nhiên nổi ửng đỏ quanh mũi. Khoảng 15 phút sau thì bé hắt hơi liên tục và chảy nước mắt, nước mũi ròng ròng làm tôi phát hoảng”.

Nhận biết dị ứng ở trẻ

Những dấu hiệu mà chị Hoa mô tả chính là các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị dị ứng. Cảm giác đầu tiên là trẻ bị ngứa và ửng đỏ mũi. Triệu chứng dị ứng có thể được phân loại theo mức độ từ nhẹ như phát ban ngoài da, ngứa hoặc sung huyết tại chỗ; mức độ trung bình như ngứa lan rộng, khó thở… hay nguy hiểm hơn là sốc phản vệ. Tuy hiếm gặp nhưng sốc phản vệ là tình trạng dị ứng khẩn cấp, các triệu chứng xảy ra trong vài phút và tiến triển nhanh gồm: ngứa mắt hay mặt, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, da đầu, khàn giọng, thở khò khè, đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy, chuột rút, lơ mơ… cần xử lý y khoa ngay lập tức.

Trẻ bị dị ứng thường mệt mỏi, biếng ăn làm cho các bà mẹ rất lo lắng.

Trẻ bị dị ứng: Mẹ đừng lo lắng! - 1

Ở trẻ em, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị các yếu tố môi trường tác động

Tác nhân gây dị ứng

Dị ứng có yếu tố di truyền. Trẻ có cha hoặc mẹ bị dị ứng sẽ có 50% nguy cơ mắc phải. Nguy cơ này tăng lên 75% nếu cả cha và mẹ đều bị dị ứng.

Ở trẻ em, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị các yếu tố môi trường tác động. Các tác nhân gây dị ứng da thường là hóa mỹ phẩm (dầu tắm gội, phấn thơm, nước thơm làm mềm vải..), lông vật nuôi, vải len, bông… Còn tác nhân gây dị ứng hô hấp (viêm mũi dị ứng) là khói bụi, thời tiết lạnh, mùi mạnh, lông vật nuôi… Trẻ dưới 3 tuổi thì dễ bị dị ứng thức ăn như sữa, trứng, một số đồ biển, thịt bò, thịt gà…

Trẻ bị dị ứng có tác hại như thế nào?

Tỷ lệ trẻ bị dị ứng ngày một tăng cao trên toàn thế giới, trong đó, dị ứng đường hô hấp vẫn tiếp tục là dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm 17%.

Do còn nhỏ tuổi nên trẻ chưa thể mô tả chính xác nguyên nhân các triệu chứng dị ứng nên sự nhầm lẫn có thể xảy ra. Ví dụ khi trẻ bị dị ứng thức ăn, do chỉ biểu hiện ở đường tiêu hóa nên bị nhầm là rối loạn tiêu hóa, nếu nhẹ thì tiêu chảy, nhưng nặng thì sốc phản vệ ảnh hưởng đến tính mạng. Đối với dị ứng da, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại trên da của trẻ những biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ như da sần thô ráp, nhiều vết đốm xám đen, dị ứng với mỹ phẩm cho đến khi trưởng thành.

Trẻ bị dị ứng: Mẹ đừng lo lắng! - 2

Trẻ bị dị ứng: Mẹ đừng lo lắng! - 3

Trẻ bị dị ứng thường mệt mỏi, biếng ăn làm cho các bà mẹ rất lo lắng

Phòng ngừa dị ứng ở trẻ

Người bị dị ứng cần được điều trị bằng thuốc để giảm các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, trẻ cũng cần được bảo vệ tốt hơn giúp hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng xung quanh:

– Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, giặt giũ chăn màn thường xuyên, khu vực sinh hoạt của trẻ cần lau chùi hằng ngày và hút bụi hàng tuần.

– Không nuôi chó, mèo… khi có con nhỏ dưới 5 tuổi.

– Hướng dẫn cho bé rửa tay với xà bông diệt khuẩn thường xuyên như trước khi ăn, ngủ, sau khi chơi xong…

– Giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh, trời mưa

-Thông báo với thầy cô chăm sóc trẻ nếu cơ địa trẻ dễ bị dị ứng.

Hướng dẫn trẻ biết về triệu chứng dị ứng và luôn mang theo thuốc chống dị ứng dạng sirô trong cặp. Có thể sử dụng thuốc trước khi tiếp xúc với các yếu tố có thể khởi phát dị ứng để đạt hiệu quả dự phòng tốt.

 

theo: eva

Leave a Reply

Or