Tôi thấy có lỗi khi không thể cho con thoát khỏi trường công

Có lúc tôi nghĩ, khi con tới trường, thầy cô không dạy gì, để trẻ tự học, tự chơi, thì có lẽ còn tốt hơn cho sự phát triển của chúng.

Tôi ở Hà Nội, có hai con, một bé 9 tuổi, một bé 5 tuổi. Một mình chăm hai con, cộng với việc phải thuê nhà, với đồng lương hơn chục triệu, tôi phải chọn cho con học trường công để bớt chi phí. Đọc chia sẻ “Tôi cho con học lại trường tư sau 3 tuần vào trường công” tôi cảm thấy thực sự có lỗi với các con mình. Với “thâm niên” 6 năm con học trường công, tôi quá thấu những vấn đề tác giả chia sẻ. Nhưng đó mới chỉ là những thứ bề mặt, bên trong trường công nơi con tôi học, thực sự còn nhiều điều khiến người ta muốn cho con thoát ra hơn.

Khi con gái lớn của tôi đi học hè chuẩn bị vào lớp 1, sáng nào bé cũng nôn, khóc, đòi nghỉ mặc dù trước đó con rất hào hứng chuyển từ mẫu giáo lên. Đoán có chuyện gì đó không ổn, tôi đến gặp cô giáo thì được nghe một tràng chê bai: “Con viết chậm lắm, chưa đọc được. Cứ thế này mà vào năm học là ảnh hưởng tới thành tích của lớp”. Sau đó, cô thừa nhận đã mắng và đánh để “con biết sợ mà cố gắng học”. Mặc dù ai cũng nói đó là cô giáo dạy giỏi nhất khối 1, tôi vẫn xin chuyển con sang một lớp khác, “dốt” hơn để đỡ áp lực cho con mình và cả cho cô.

toi-thay-co-loi-khi-khong-the-cho-con-thao-chay-khoi-truong-cong

Ảnh minh họa: VideoBlocks.

Cứ thế, dần dần lên lớp trên, những chuyện như lớp đông, các con nằm ngủ trưa chật chội hay cô giáo thường xuyên cáu gắt, nhà vệ sinh bẩn… con tôi đều trải qua nhưng tôi nghĩ mình và con có thể cố gắng khắc phục bởi điều kiện trường còn khó khăn, mức đóng góp của mình thấp thì đành chấp nhận. Nhưng có những điều thực sự vượt quá giới hạn.

Năm nay con bước vào lớp 4. Trước buổi đi nhận lớp mới, con vừa háo hức vừa lo lắng không biết cô giáo mới sẽ thế nào. Cô giáo lớp 3 là cơn ác mộng với con nên bé chỉ cầu mong sẽ được học một cô mới bớt đáng sợ hơn.

Những ngày đó, sáng nào mở mắt ra con cũng căng thẳng, không thiết ăn uống gì, dù là món sở trường. Con gái tôi vốn tính hiền lành, ít nói, sống hướng nội, khá nhạy cảm. Sau một thời gian đi học, cháu về thường xuyên nói với em “Đồ ngu”, “đồ đầu đất”, “ai bảo mày làm thế hả?”… Tôi ngỡ ngàng nhưng dần nhận ra rằng con học tất cả những thứ đó trên lớp. Chính cô giáo thường xuyên mạt sát học sinh bằng những lời như vậy.

Tôi sợ nhất là vì chạy theo thành tích, các thầy cô dạy cho học sinh sự cạnh tranh vô lý và cả dối trá.

Một lần, con tôi xin tiền đóng ủng hộ đồng bào lũ lụt và kể rằng bạn nào đóng góp từ 50.000 đồng trở lên thì sẽ được đóng dấu khen, có bạn góp 500.000 đồng thì được đóng vài dấu liền. Một lần khác, con về nhăn nhó kể rằng phải viết thư tham gia cuộc thi quốc tế bàn về một vấn đề toàn cầu và bạn nào không nộp bài sẽ bị phạt nặng. “Con tìm bài làm sẵn rồi chép luôn được không mẹ? Cô nói là bạn nào không làm được thì cứ lên mạng mà chép?”. Tôi sốc khi nghe con nói bởi không nghĩ rằng trẻ lại được dạy gian dối.

Trước những dịp trường có đoàn thanh tra về, con kể rằng, cô dặn cả lớp, nếu ai có hỏi rằng các con có đi học thêm không thì phải nhớ nói rằng không, dù cô tổ chức dạy thêm cho các con vào thứ 7. Rồi khi kỳ thi tới, ngoài chuyện cắt tất cả các môn bị coi là “phụ” như thể dục, vẽ, hát nhạc… để ôn toán, tiếng Việt, các con được cô giáo dặn rằng hôm thi bạn giỏi phải cho bạn dốt ngồi cạnh chép bài để cả lớp đều được điểm cao.

Con trai thứ hai của tôi đang học một lớp mẫu giáo trường công. Lớp cháu có 74 học sinh, 3 cô phụ trách. Tôi nhờ cô không xúc cho con, con ăn ít cũng không sao vì sợ các cô vì áp lực phải cho trẻ ăn hết suất, phải để trẻ lên đủ cân mà có thể trút giận vào con. Tôi không mong con được ưu tiên bất cứ điều gì, chỉ mong con học được cách tự chơi, biết kết bạn và tìm được niềm vui trong môi trường khắc nghiệt đó.

Không đủ tài chính để chuyển hai con sang một môi trường học tập tốt hơn, tôi chỉ biết cố gắng bù đắp lại bằng cách dành thời gian cho con, dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân, đưa con ra ngoài chơi nhiều nhất có thể, trò chuyện với con thật nhiều để biết mọi việc ở lớp con ra sao, tâm tư, suy nghĩ của con thế nào. Tôi phải cố gắng nói yêu con mỗi ngày để xóa đi những câu dằn hắt mà có thể con vẫn phải nghe ở lớp. Tôi gọi điện tới hiệu trưởng phản ánh những lần cô đánh các bạn trong lớp hay chửi tục, chỉ mong con mình và cả những đứa trẻ khác không bao giờ phải chịu đựng lại những điều đó…

Ít tiền, tôi chấp nhận lớp con đông, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chỉ mong thầy cô đừng dạy con tôi nói dối, đừng bắt con phải tham gia vào guồng chạy đua thành tích của nhà trường, của hệ thống giáo dục này.

Leave a Reply

Or