Thư gửi cô giáo nhân đọc Bản kiểm điểm của 1 học sinh lớp 4

Thưa cô giáo, chiều nay trên đường đưa con đi học, tôi vô tình nhặt thấy trên vỉa hè… bản kiểm điểm của một học sinh lớp 4. Bản kiểm điểm viết: “Hôm nay, trong giờ khai giảng em không nghiêm túc. Em nghịch bóng bay, không đứng thẳng… Em hứa sẽ không bao giờ như thế nữa. Mong cô tha lỗi cho em…”

Thưa cô giáo, chiều nay trên đường đưa con đi học, tôi vô tình nhặt thấy trên vỉa hè … bản kiểm điểm của một học sinh lớp 4. Bản kiểm điểm viết: “Hôm nay, trong giờ khai giảng em không nghiêm túc. Em nghịch bóng bay, không đứng thẳng… Em hứa sẽ không bao giờ như thế nữa. Mong cô tha lỗi cho em…”. Phần xác nhận có chữ ký của phụ huynh ghi: “ Chúng tôi sẽ nhắc nhở, uốn nắn để cháu nghiêm túc hơn. Xin cảm ơn cô giáo”.

Thư gửi cô giáo về bản kiểm điểm của 1 học sinh lớp 4

Bản kiểm điểm với “tội danh” “nghịch bóng bay” và “không đứng thẳng”.

Nét bút trẻ thơ khá sạch đẹp, vài chỗ không hiểu vì lý do gì bị nhòe mờ? Rất có thể trò đã khóc trong khi viết? Không hiểu cảm giác cô giáo khi đọc bản kiểm điểm của học trò thế nào? Có thể cô đã quên, đã vứt nó vào một xó xỉnh nào đó. Nhưng với tôi, vô tình đó lại là những dòng chữ rất ám ảnh. Tôi chẳng hề muốn chuyện bé xé ra to. Điều đáng nói là dường như đứa bé không có lỗi.

Không ai đứng ra bảo vệ hay bênh vực một đứa trẻ mới lên 9 tuổi. Không nền tảng đạo đức nào là chỗ dựa cho tâm hồn trẻ thơ. Người đáng phải viết kiểm điểm, phải chịu án phạt chính là chúng ta- những người lớn, là nhà trường khốn khó và xã hội đang khốn cùng này?

Thưa cô giáo, nhà trường cho trẻ mang bóng bay đến để làm màu cho lễ hội tại sao không cho chúng chơi? Có quy định, quy chuẩn nào của nhà trường và pháp luật về việc đứng thẳng hay không thẳng? Đứng như thế nào là đúng cách và được phép. Theo văn bản của đứa bé thì “Nghịch bóng bay và không đứng thẳng” đã trở thành “lỗi”? Điều gì ép đứa trẻ phải cam kết một điều rất khó thành hiện thực: “không bao giờ như thế nữa”? Nhà trường vô tình hay cố ý xúi bẩy bọn trẻ tư duy, cảm xúc và sống không trung thực? Sau hành vi này của trò, có nhất thiết phải lôi kéo bố mẹ chúng vào để sự việc trở nên căng thẳng một cách không cần thiết?

Nếu là phụ huynh đứa trẻ, cô giáo có cảm thấy mình bị làm phiền? Có thể đặt vấn đề: thầy cô “làm căng” để phụ huynh phải thường xuyên: cảm ơn, biết ơn, chịu ơn và cả … tạ ơn? Có bao giờ cô giáo tự hỏi: Hàng chục năm qua, ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân cô giáo có nhận thấy tất cả các chương trình khai giảng đều không thực sự vì trẻ hay hấp dẫn con trẻ?

Câu hỏi cuối cùng là: hình phạt của cô, bản kiểm điểm khổ ải, không trung thực của trò và thái độ nghiến răng giả vờ nghiêm túc của phụ huynh sẽ mang đến điều gì có lợi cho gia đình, nhà trường và cả xã hội?

Thưa cô giáo, viết đến đây tôi cứ tưởng tưởng ra gương mặt cậu bé. Chắc hẳn khi chịu trận, thần thái cậu bé chẳng thể “rạng ngời” như rất nhiều gương mặt học sinh, thầy cô hay quan chức được lên các kênh truyền hình trong ngày khai giảng sớm 4-9 hay tối nay. Tôi cố hình dung tâm trạng của bố mẹ đứa trẻ khi ký vào bản kiểm điểm này.

Họ có quyền lo lắng về môi trường giáo dục quá khắc kỷ, cứng nhắc và rất thiếu tình thương yêu con trẻ? Những hình phạt này có làm cho họ bị tổn thương? Họ sẽ liên hệ gì tới việc thầy giáo đánh học trò dã man ở TP Thái Nguyên, cô bảo mẫu tra tấn trẻ nhỏ một cách khốn nạn ở Đồng Nai hay cô giáo chửi rủa, lăng mạ học sinh ở Hải Phòng?…

Thưa cô giáo, nhiều năm qua, ngành Giáo dục đã sử dụng tối đa công suất từ Không, NÓI KHÔNG. Nào là: Không xúc phạm nhân phẩm học sinh; Không được đánh học sinh dưới mọi hình thức; Không cho học sinh đứng suốt tiết hoặc trước cửa; Không được đuổi học sinh ra khỏi lớp; Không được cho học sinh chép phạt; Không được làm cho học sinh khủng hoảng tinh thần…

Rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà giáo đã trình bày rổn rảng các phương pháp luận Đông- Tây chung quanh đề tài này. Các quan chức thì không ngừng đấm tay lên trời để khẳng định quyết tâm thay đổi chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường. Nhưng như cô giáo biết, cho đến nay chúng ta vẫn chỉ sở hữu một nền giáo dục thiếu triết lý. Cái mà chúng ta đang có chỉ là một cỗ máy giáo điều khổng lồ nhằm đúc ra những lô sản phẩm NGƯỜI bị nhồi sọ, ngoan ngoãn, biết tuân thủ, chấp hành, quen được dẫn lối, đưa đường…

Thưa cô giáo, trong thư riêng, đề cập quá nhiều đến những vấn đề to tát e rằng không lịch lãm cho lắm.

Thư gửi cô giáo về bản kiểm điểm của 1 học sinh lớp 4

Totto Chan trên báo chí Nhật.

Để kết thúc phần trình bày của mình tôi xin được nhắc về hai cuốn truyện nhỏ: Totto Chan cô bé ngồi bên cửa sổ và cuốn Nhật Ký Anne Frank. Có thể cô chưa đọc hoặc đọc rồi nhưng đã quên. Dù ở Hà Lan hay Nhật Bản, hai câu chuyện cách nay hơn 60 năm vẫn nhắc tôi và rất nhiều thế hệ phụ huynh, học sinh về tình yêu thương vô cùng trân quý của những người thầy trước những học sinh đầy cá tính, rất…cá biệt như Toto Chan hay Anne Frank.

Anne Frank mắc tật rất hay nói chuyện riêng trong lớp. Thay vì kiểm điểm, thầy Keptor liên tiếp giao cho Anne viết bài luận “khẩu liên thanh”, “khẩu liên thanh hết thuốc chữa” hay “Quác quác quác, bà Liến thoắng oang oác”. Một “hình phạt” rất thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc.

Phần mình, Anne biện minh với thầy rằng Nói là một nhu cầu. Nói nhiều là một đặc tính của phụ nữ. Mẹ mình cũng nói nhiều. Mình sẽ cố hết sức để kiềm chế cá tính nhưng làm sao chữa trị được một tật di truyền? Khi khác để chơi khó lại thầy, Anne viết thơ về ông bố thiên nga, bà mẹ vịt và ba con vịt con. Vịt con bị ông bố đánh suýt chết vì nói nhiều… Thầy Keptor đã không tự ái. Không những thế, Anne được phép nói chuyện trong lớp và không phải làm bài luận.

Thầy Keptor không thể ngờ rằng câu chuyện này được Anne Frank ghi chép lại trong nhật ký. Chẳng bao lâu sau cuốn sách đã làm rung động trái tim của hàng triệu người trên toàn cầu. Và tên tuổi cũng như tấm lòng của người thầy sẽ mãi lưu danh cùng cô bé học trò “vẫn sống ngay cả khi đã chết”.

Thưa cô giáo, câu chuyện của Totto Chan cũng là một bài học thật khó quên.

Toto Chan bị đuổi khỏi trường học đầu tiên vì quá nhiều những hành vi, lời nói, ứng xử khác thường, bất thường. Khi thì lật mở ầm ĩ hàng trăm lần cái mặt bàn. Lúc đứng giữa lớp dõi theo hay chuyện trò với những người hát rong. Lần khác lại hồn nhiên tâm sự với chim nhạn…

May thay cho Totto Chan, cô bé đã gặp được ngôi trường Tomoe Gakuen lạ thường và phương pháp giáo dục… dị thường của thầy Kobayashi. Cô bé có thể thay đổi ước mơ vài lần trong ngày. Thày Kobayashi có thể ngồi nghe trò luyên thuyên suốt bốn giờ. Thày không hề giận trò khi Totto Chan không thích bài hát của mình về trường. Trong lần Totto Chan bới tung nhà vệ sinh để tìm ví bị rơi, thày không la lên: “Trời ơi, cháu đang làm gì đấy?” hay “Chấm dứt đi, nguy hiểm lắm, bẩn quá”, Thày chỉ hỏi “Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?”… Rõ ràng niềm vui mà Tôt-tô-chan có được một phần là do thầy hiệu trưởng đã tôn trọng em, thầy không mắng mà ngược lại còn tin vào em”.

Hơn thế nữa lúc nào thày Kobayashi cũng dịu dàng với Totto Chan: “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan”. Totto Chan là hiện thân, nguyên mẫu của tác giả Tetsuko Kuroyanagi. Ngôi trường Tomoe Gakuen chỉ tồn tại trong hai năm. Thày Kobayashi đã mất năm 1963. Nhưng ngôi trường đó, người thày khả kính đó đã thay đổi số phận Tetsuko Kuroyanagi và trực tiếp tạo nên một huyền thoại Totto Chan.

Thưa cô giáo, nếu ngày khai trường năm nay cô quên đi một án phạt lạnh lùng. Nếu như cả năm học mới, cô sẽ luôn hành xử như thầy Keptor, Kobayashi, biết đâu đó trong tương lai không xa chúng ta sẽ có những học trò rạng danh như Totto Chan, Anne Frank…

Đầu năm học mới, xin gửi tới cô giáo và nhà trường lời chào trân trọng!

 

theo: mecon

3 thoughts on “Thư gửi cô giáo nhân đọc Bản kiểm điểm của 1 học sinh lớp 4

Leave a Reply

Or