Sản phụ kêu đau lưng, tê liệt chân vì gây tê tủy sống khi đẻ mổ, bác sĩ nói gì?

Bác sĩ Bùi Chí Thương khẳng định tới thời điểm hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy gây tê tủy sống gây đau lưng hay tê liệt chân.

Trong mổ lấy thai ở phụ nữ mang bầu khỏe mạnh, gây tê tủy sống là phương pháp hàng đầu được ưu tiên lựa chọn bởi phương pháp đơn giản, cho phép xác định chính xác vị trí kim, thời gian khởi tê nhanh, chất lượng tốt, chỉ cần một lượng nhỏ thuốc cũng đủ phong bế chức năng thần kinh, giúp giảm nguy cơ ngộ độc thuốc cũng như giảm thấp nhất lượng thuốc tê qua thai nhi.

Kỹ thuật này từng được đánh giá là nhiều lợi điểm so với kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng do đó được áp dụng nhiều trong mổ lấy thai có kế hoạch.

 san phu keu dau lung, te liet chan vi gay te tuy song khi de mo, bac si noi gi? - 1

Trong mổ lấy thai ở phụ nữ khỏe mạnh, gây tê tủy sống là phương pháp hàng đầu được ưu tiên lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau khi giám sát và thẩm định tử vong ở một số địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị về phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về những trường hợp không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống (phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai).

Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc Phòng; Cục Y tế trực thuộc Bộ Công an; cơ quan y tế của các bộ ngành) chỉ đạo các các đơn vị y tế có triển khai phương pháp phẫu thuật bắt con (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập) áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ nói trên, không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ.

 san phu keu dau lung, te liet chan vi gay te tuy song khi de mo, bac si noi gi? - 2

Không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,… (Ảnh minh họa)

Gây tê tủy sống là nguyên nhân gây đau lưng, tê liệt chân cho sản phụ sau sinh?

Trước thông tin trên, rất nhiều bà mẹ đã từng sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống và những người đang chuẩn bị lâm bồn đều tỏ ra khá lo lắng, hoang mang. Đặc biệt có nhiều bà mẹ cho rằng chính việc gây tê tủy sống khi sinh mổ là nguyên nhân khiến họ bị đau lưng, thậm chí tê liệt chân. Lý giải về điều này, PGS Công Quốc Thắng – Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho rằng, những người phụ nữ sau khi sinh bao giờ cũng có triệu chứng đau lưng, vì thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai và họ vừa trải qua một thời kỳ sinh nở, nên toàn thân sẽ giãn ra, sau một thời gian cơ thể lại  co vào như hình thái ban đầu nên trong quá trình này sẽ gây đau cho người phụ nữ.

Còn đối với gây tê tủy sống, PGS Thắng cho rằng, hiện nay kim dùng để gây tê nhỏ, chỉ hơn sợi tóc một chút, nên khi gây tê tổn thương rất nhỏ và ít làm bị thương đến tổ chức, cũng như ít làm thất thoát đến dịch não tủy khi chọc.

“Theo tôi, do chị em không hiểu đúng, cộng với tâm lý lo sợ nên có cảm giác đau, khi kim chọc vào người. Hơn nữa, vệc người phụ nữ sau sinh có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên họ dễ bị ám ảnh bởi các đơn đau lưng được mặc định thủ phạm là do gây tê tủy sống khi sinh mổ”, PGS Thắng cho hay.

Cuối cùng, PGS cho rằng, việc các bác sĩ thực hiện gây tê hay gây mê thực chất là giúp giảm đau cho người bệnh, chứ không phải để người bệnh đau thêm. Chính vì thế, việc nhiều người cho rằng bị đau lưng lâu dài khi gây tê tủy sống khi mổ đẻ là không chuẩn xác.

Cùng quan điểm trên, TS Hoàng Văn Bách – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Bưu điện cho rằng: “Bản thân việc sinh thường cũng sẽ gây đau lưng cho sản phụ, vì trong quá trình chuyển dạ sinh con, các khớp xương sẽ giãn ra và gây nên cơn đau lưng. Vì thế tôi cho rằng đau lưng do gây tê tủy sống không đáng lo ngại.”

Còn TS. BS Bùi Chí Thương (Giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) thì khẳng định tới thời điểm hiện nay chưa có bằng chứng nào khẳng định gây tê tủy sống gây đau lưng hay tê liệt chân.

Cũng nói thêm về đề nghị của Bộ Y tế cấm sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với những trường hợp có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm…, TS. BS Bùi Chí Thương đã có những giải thích chi tiết hơn về ưu nhược điểm của 2 phương pháp gây tê tủy sống và gây mê nội khí quản với sản phụ sinh mổ, để chị em có thêm những hiểu biết nhất định.

 san phu keu dau lung, te liet chan vi gay te tuy song khi de mo, bac si noi gi? - 3

TS. BS Bùi Chí Thương (Giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)

Ưu nhược điểm của phương pháp gây tê tủy sống

Theo chia sẻ của TS.BS Bùi Chí Thương, phương pháp gây tê tủy sống là phương pháp sinh không đau bằng vô cảm được nhiều sản phụ lựa chọn trong những năm gần đây. Đa số thai phụ bình thường được gây tê tủy sống vì phương pháp này an toàn, tiện lợi, mẹ tỉnh táo để được ôm con da kề da, thân thiện, tạo mối dây tình cảm trong giây phút đầu đời với con yêu.

“Gây tê tủy sống có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, chính xác, ít gây tác hại trên thai. Đồng thời, thai phụ tỉnh táo để có thể làm phương pháp da kề da, giảm nguy cơ mẹ bị hít dịch dạ dày gây viêm phổi. Phương pháp này cũng có những nhược điểm như có thể gây tụt huyết áp, buồn nôn, nhức đầu.

Những nhược điểm này đều có thể khắc phục ngay sau đó như tụt huyết áp được khắc phục bằng cách truyền dịch, nằm nghiêng trái, hoặc khi lấy thai ra khỏi tử cung thì tử cung thu hồi nhỏ lại, bớt chèn ép lên tĩnh mạch chủ nên huyết áp sẽ phục hồi ngay; buồn nôn được khắc phục bằng thuốc chống nôn và bác sĩ sẽ thao tác nhẹ nhàng, tránh kéo nhiều tử cung hay thành bụng; còn nhức đầu được khắc phục bằng kỹ thuật chọc tủy sống bằng kim nhỏ, thay đổi góc chọc kim vào tủy sống, sản phụ uống nhiều nước sau mổ”, bác sĩ Thương cho biết.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện cho thai phụ bình thường còn chống chỉ định với những thai phụ có nguy cơ hay đang chảy máu nhiều như nhau tiền đạo, nhau bong non, rối loạn đông máu, gù vẹo cột sống, nhiễm trùng vị trí cột sống, tiền sản giật nặng hay bệnh lý tim mà bác sĩ gây mê quyết định không gây tê tủy sống.

 san phu keu dau lung, te liet chan vi gay te tuy song khi de mo, bac si noi gi? - 4

Gây mê nội khí quản có ưu điểm là giúp sản phụ vô cảm nhanh, có thể tránh tụt huyết áp… (Ảnh minh họa)

Ưu nhược điểm của phương pháp gây mê nội khí quản

Cũng chia sẻ vể phương pháp gây mê nội khí quản cho sản phụ được Bộ Y tế khuyến cáo các đơn vị y tế trên toàn quốc áp dụng, bác sĩ Thương phân tích: “Gây mê nội khí quản có ưu điểm là giúp sản phụ vô cảm nhanh, có thể tránh tụt huyết áp… tuy nhiên có nhược điểm là mẹ hít dịch dạ dày, đặt nội khí quản khó do đường thở phù nề lúc mang thai.

Không những vậy, nếu từ lúc gây mê đến lúc bắt em bé ra khỏi tử cung quá 8 phút hoặc từ lúc rạch tử cung đến lúc bắt bé ra khỏi tử cung quá 3 phút, em bé có thể bị ảnh hưởng thuốc mê. Đặc biệt, mẹ có thể tỉnh và đau khi đang mổ”.

“Đối với phương pháp gây mê nội khí quản với sản phụ, nếu đặt nội khí quản khó, bác sĩ phải dùng mask thanh quản. Bên cạnh đó, với phương pháp này, bác sĩ cũng phải mổ nhanh để tránh thuốc mê qua em bé. Vì vậy, trường hợp tiên lượng mổ khó như dính phải vô bụng lâu…. thì nên gây tê tủy sống”, bác sĩ Thương cho biết thêm.

Phương pháp gây tê tủy sống là gì?

Gây tê tủy sống là phương pháp sinh không đau bằng vô cảm. Đa số thai phụ bình thường được gây tê tủy sống vì phương pháp này an toàn, tiện lợi, mẹ tỉnh táo để được ôm con da kề da, thân thiện, tạo mối dây tình cảm trong giây phút đầu đời với con yêu.

Ưu điểm của phương pháp gây tê tủy sống

– Gây tê tủy sống có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, chính xác, ít gây tác hại trên thai.

– Thai phụ tỉnh táo, giảm nguy cơ mẹ bị hít dịch dạ dày gây viêm phổi.

Tác dụng phụ có thể xảy ra của phương pháp gây tê tủy sống

– Nhược điểm của phương pháp này có thể gây tụt huyết áp, buồn nôn, nhức đầu.

Theo Khám phá

Leave a Reply

Or