Sai lầm khi cho trẻ ăn cháo xay nhuyễn hỗn hợp khiến con chậm lớn, mẹ Việt cần thay đổi ngay!

Hầu hết các mẹ Việt đều chọn cháo xay nhuyễn với đủ rau củ, thịt, cá hỗn tạp làm món ăn cho trẻ ăn dặm. Nhưng điều này lại khiến con chậm phát triển.

1. Cả giai đoạn ăn dặm chỉ duy nhất một món cháo xay hỗn hợp

Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, sau khoảng vài tháng ăn bột, mẹ bắt đầu chuyển sang cho con ăn cháo. Cứ thế cho đến khi trẻ 2 tuổi, hầu hết các mẹ đều chọn cháo xay là món ăn duy nhất cho trẻ. Thậm chí, nhiều mẹ ngại tập cho trẻ ăn cơm, nên để con cháo đến tận 3, 4 tuổi. Ngày qua ngày, trẻ được mẹ nhồi nhét hết mức có thể duy nhất một món cháo, với đủ các thứ rau, củ, thịt, cá hỗn độn. Mẹ nhét mọi thứ vào máy xay và nghiền nát tới khi không còn nhận ra thứ gì nữa, rồi đổ vào nồi và nấu lên cho con ăn.

Nhiều mẹ tâm sự thật lòng, bón cháo cho con ăn nhưng nếu mình phải ăn thì cũng không nuốt nổi. Đến người lớn còn ăn không nổi thì làm sao trẻ có thể thích thú được với món cháo này?

Đó là lý do vì sao con lười ăn và chậm lớn. Thực tế không phải trẻ lười ăn, mà bữa ăn của trẻ quá nghèo nàn, không một chút hấp dẫn. Hãy thử tưởng tượng ngày nào bạn cũng phải ăn duy nhất 1 món thì liệu bạn có còn muốn ăn hay không?

Tất nhiên, trẻ sẽ phải trải qua đủ các giai đoạn khi bắt đầu ăn dặm. Đầu tiên là ăn bột, rồi đến cháo xay, cháo lợn cợn, cháo nguyên hạt, cơm nhả cho đến cơm bình thường. Như vậy, cháo xay chỉ là 1 giai đoạn nhỏ trong quá trình ăn dặm của con mà thôi. Vì thế, nếu mẹ cứ lạm dụng món cháo xay này và cho con ăn hàng ngày, hàng tháng không chỉ khiến con phát ngán, mà còn khiến con chậm phát triển cả về thể chất, sức khỏe và tư duy.


2. Biến bữa ăn của con thành cực hình

Nhiều mẹ vì muốn con lớn nhanh và khỏe mạnh, không tiếc tiền mua những loại thực phẩm đắt tiền như cá hồi, tôm hùm, thậm chí bào ngư, tổ yến… về để nấu cho con ăn. Nhưng những đồ bổ dưỡng và cao cấp ấy mẹ cũng nhờ đến máy xay sinh tố để chế biến thành món cháo thập cẩm cho trẻ. Kết quả là con vẫn không chịu ăn, vẫn khóc lóc mỗi khi phải ăn.

Thấy con không ăn, mẹ càng lo lắng và cố gắng ép con ăn bằng được. Hết dỗ dành, đến quát nạt, thậm chí nhiều mẹ còn dùng biện pháp mạnh, cố nhét thìa cháo vào miệng để con nuốt vào. Dần dần, bữa ăn trở thành cực hình với trẻ, con sợ ăn đến mức chỉ cần nhìn thấy chiếc thìa và bát cháo trẻ đã khóc thét lên.

Cuối cùng, dù mẹ thành công trong việc nhồi hết bát cháo ấy vào bụng con, thì cũng chẳng có mấy dinh dưỡng được hấp thụ. Bởi sự ức chế về tinh thần, sự hoảng sợ và căng thẳng của trẻ khiến cơ thể không tiêu hóa tốt và khó hấp thụ dưỡng chất. Điều tất yếu xảy ra trẻ vẫn còi cọc, vẫn chậm lớn. Hoặc nếu như có trẻ nào may mắn hơn, ăn món cháo xay của mẹ mà vẫn mập mạp, bụ bẫm thì mẹ cũng đừng vội vui mừng và cho rằng mình đã đúng.

Bởi bữa ăn còn quyết định cả sự phát triển trí tuệ của con nữa đấy. Con bạn bụ bẫm, nhưng liệu bé có thông minh và não bộ được phát triển toàn diện với chế độ ăn nghèo nàn như vậy?


3. Cho trẻ ăn cháo xay là cướp đi cơ hội phát triển trí tuệ của con

Chắc hẳn không nhiều mẹ thực sự hiểu tầm quan trọng của bữa ăn đối với sự phát triển trí tuệ và não bộ của con. Mẹ nào cũng mong con mình thông minh và dùng đủ mọi cách ép con học từ nhỏ để con giỏi hơn. Nhưng ngay cơ hôi học hỏi dễ dàng và cần thiết nhất là từ chính bữa ăn của trẻ thì mẹ lại cướp mất bằng món cháo xay nhuyễn hỗn hợp của mình. Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy trẻ nhỏ có thói quen đưa tất cả những đồ vật chúng cầm được lên miệng.

Thông thường, chúng ta sẽ lôi ngay vật đó ra khỏi miệng con vì sợ mất vệ sinh. Nhưng bạn có tự hỏi, vì sao trẻ lại như vậy? Câu trả lời là, trẻ đang khám phá cuộc sống và thế giới xung quanh. Ở độ tuổi nhỏ, nhận thức của trẻ còn rất mơ hồ và non nớt, nên con khám phá mọi thứ bằng các giác quan: sờ, nắm, ngửi, nếm…

Điều này lý giải vì sao bữa ăn trở nên quan trọng. Khi con nếm thử các món ăn khác nhau, con sẽ tự cảm nhận được mùi vị, màu sắc, độ cứng, mềm, giòn hay dai của thức ăn. Điều này sẽ kích thích não bộ tư duy và ghi nhớ những thông tin mà giác quan cảm nhận được. Việc được tư duy từ nhỏ sẽ khơi dậy khả năng nhận thức và đưa não bộ phát triển đến mức cao nhất. Nhưng với món cháo xay nhuyễn và chiếc thìa, con không cảm nhận được bất cứ mùi vị khác nhau nào ngoài sự chán nản, ngấy ngúa và sợ hãi.

Con cũng không được cầm, nắm vào thức ăn, không được tự mình cảm nhận và khám phá việc ăn. Việc duy nhất con làm là dán mắt vào tivi hay món đồ chơi nào đó, há miệng và nuốt. Vô tình, thói quen này làm đầu óc trẻ trì trệ hơn. Trong khi giai đoạn từ 0-3 tuổi là thời gian vô cùng quan trọng trong sự phát triển trí não.

Nhiều mẹ sẽ biện minh rằng, con tôi ăn cháo xay suốt mà vẫn lanh lợi, nhanh biết nói thế nghĩa là con tôi thông minh. Điều đó chỉ là nhận định chủ quan của bạn thôi. Bởi thành công của một đứa trẻ quyết định bởi nhiều yếu tố, sự thông minh, lanh lợi, sáng tạo và hiểu biết. Thử hỏi với thực đơn nghèo nàn, cả năm chỉ có một món ăn như vậy con bạn liệu có đủ sáng tạo và hiểu biết về thế giới xung quanh? Như vậy liệu có gọi là một đứa trẻ thông minh lanh lợi? Mẹ cần biết rằng, sự hiểu biết và sáng tạo chính là yếu tố hàng đầu thúc đẩy trí não ngày càng phát triển và con bạn sẽ giỏi giang hơn.


4. Ăn cháo xay nhuyễn kéo dài khiến con chậm biết nhai

Hiển nhiên là khi mẹ xay nhuyễn toàn bộ thức ăn và đưa vào món cháo thì con chỉ có một việc duy nhất là há miệng và nuốt. Việc làm này vô tình cướp đi cơ hội tập nhai của trẻ. Dẫn đến tình trạng, nhiều trẻ đến khi đi học mẫu giáo vẫn không thể ăn được cơm. Ngoài ra, khi thể trạng lớn hơn, trẻ cần được ăn phong phú các loại thực phẩm để phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn. Nếu chỉ ăn duy nhất món cháo xay sẽ không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, mà còn tác động trực tiếp đến khả năng tiếp thu và học hỏi của trẻ.

5. Cách cho trẻ ăn dặm khoa học

Mẹ có biết vì sao người Nhật được đánh giá là thông minh hàng đầu thế giới không? Đó là vì ngay từ nhỏ, những đứa trẻ Nhật đã được nuôi dạy một cách rất khoa học. Bữa ăn dặm của trẻ Nhật không bao giờ chỉ có một món duy nhất trộn lẫn tất cả các nguyên liệu như trẻ Việt.

Thông thường, mẹ Nhật thường làm nhiều món cho con ăn và mỗi món chỉ một lượng nhỏ, đủ để con không cảm thấy ngấy. Những loại nguyên liệu khác nhau được chế biến riêng, để trẻ cảm nhận và học cách phân biệt mùi vị, màu sắc ngay từ khi còn rất nhỏ. Cách chế biến món ăn cũng rất đa dạng, không chỉ duy nhất một cách xay nhuyễn, mẹ Nhật sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau để nghiền, mài, giã nát, băm nhỏ… Trẻ Nhật cũng được cho ăn thô từ sớm và được tự do lựa chọn cách ăn, có thể cầm, nắm, bốc hay tự xúc. Bữa ăn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị các màu sắc, mùi vị…

Mặc dù được mặc sức khám phá món ăn, nhưng trẻ cũng được học những nguyên tắc ăn uống nghiêm chỉnh ngay từ nhỏ. Mẹ Nhật không bao giờ bế con đi rong ruổi khắp nơi với bát cháo trên tay. Khi ăn trẻ được đặt ngồi cẩn thận trên ghế, không tivi, không đồ chơi… trẻ chỉ tập trung duy nhất cho việc ăn mà thôi. Mẹ Nhật cũng không ép con bằng được, mà thường cho con tự lựa chọn dừng lại khi đã cảm thấy chán.

Có thể khi áp dụng cách này, bạn sẽ không thấy con tăng cân nhanh. Nhưng về lâu dài, khi lớn lên con sẽ có chỉ số cơ thể BMI chuẩn theo khuyến cáo của chuyên gia.


Cho con ăn dặm kiểu Nhật được đánh giá là cách làm khoa học và có lợi cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của con. Mẹ nên bỏ qua tâm lý, học kiểu ăn của Nhật là khác người hay sính ngoại. Bởi đó là cách ăn được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên áp dụng để tốt cho con. Cũng có mẹ cho rằng, tôi là người Việt nên tôi phải cho con ăn kiểu Việt, hoặc bố mẹ chúng ta cũng ăn đồ xay nhuyễn suốt mà vẫn giỏi giang đấy thôi. Chúng ta không phủ nhận những thành quả của người đi trước, nhưng phải chăng bạn cần có cái nhìn rộng hơn về thế giới?

Bạn có biết thế giới đang thay đổi theo từng giây, không ngừng phát triển với những thành quả khoa học vĩ đại. Điều đó nghĩa là bạn cũng cần thay đổi, không phải chạy theo xu hướng mà là học hỏi những điều tốt nhất, khoa học nhất. Nếu bạn cứ nhìn vào quá khứ để nuôi con, thì lớn lên con bạn sẽ khó theo kịp được sự thay đổi chóng mặt của thế giới mới. Chúng ta không loại bỏ hoàn toàn những quan điểm cũ, chúng ta chỉ học hỏi và phát triển trên nền tảng của văn hóa cũ mà thôi.

Theo myeava

Leave a Reply

Or