Rắc rối thường gặp khi cho con bú

Đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ, việc cho con bú không hề dễ dàng như bạn tưởng, thậm chí còn gây đau và căng thẳng. Dưới đây là 8 vấn đề mẹ nào cũng thường phải đối mặt và cách khắc phục.

1. Đau rát núm vú

Đau ngực khi cho con bú là điều thường xảy ra trong vòng một tuần cho đến 10 ngày đầu tiên sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 1 phút sau mỗi lần cho bú. Đối với những người lần đầu tiên cho con bú, hiện tượng này rất phổ biến. Nhưng nếu ngực bạn bị đau rát kéo dài và trong suốt quá trính cho con bú thì tốt hơn là các mẹ nên điều chỉnh lại vị trí bé ngậm ti.

rac roi khi cho con bu 1

Cách khắc phục:Nếu khi bú, bé làm bạn cảm thấy rát thì hãy dùng một ngón tay nâng bầu vú lên gần cằm bé. Nhẹ nhàng đẩy cằm bé xuống. Điều này sẽ đẩy lưỡi bé xuống phía lợi và lưỡi sẽ không véo vào núm vú của bạn nữa và cũng giúp bé bú được nhiều sữa hơn.

2. Nứt núm vú

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt núm vú như do nấm, da khô, vắt sữa không đúng cách hoặc do các vấn đề khi cho bé bú. Trong tuần đầu sau sinh, núm vú sẽ bị chảy máu khi cho bé bú hoặc khi bạn vắt sữa. Nếu trong sữa có một ít máu không đáng kể sẽ không có ảnh hưởng gì lớn tới sức khỏe của bé.

Cách khắc phục: Kiểm tra vị trí bé nằm và bú mẹ. Tốt nhất là đặt bé sao cho miệng bé ngậm trọn hết vùng quầng thâm xung quanh vú. Bạn nên cho con bú thành nhiều bữa và trong thời gian ngắn hơn. Trong quá trình rửa ngực trước khi cho con bú tuyệt đối các mẹ không dùng xà phòng hay bất kì loại nước rửa có hóa chất vì chúng sẽ làm cho vùng da ở quanh núm vú bị loại bỏ chất nhờn bảo vệ sẽ khiến núm vú bị nứt. Các mẹ chỉ cần rửa sạch ngực bằng nước ấm trước khi cho con bú là đủ. Cố gắng để lại một chút sữa trên đầu vú sau khi cho bé ăn, khi chúng khô lại sữa có thể chữa lành những vết rạn nứt.

3. Tắc nghẽn tuyến sữa

Là tình trạng bầu vú của mẹ dày lên, tắc nghẽn do sữa không thể thoát ra ngoài khi con bú. Bạn có thể cảm nhận được một khối gần như u cương cứng trên ngực khiến vùng da xung quanh ngực đỏ lên và khiến bạn đau nhức. Nếu các cơn đau nhức đi kèm với sốt, đó là dấu hiệu bạn bị nhiễm trùng và bạn nên tới ngay bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Một chiếc áo con quá chặt đôi khi cũng là nguyên nhân gây tắc tuyến sữa. Với những mẹ lần đầu tiên sinh con, áp lực cuộc sống cũng có thể ảnh hưởng tới tuyến sữa.

Cách khắc phục: Bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ và thư giãn cơ thể. Ngoài ra, nên dùng gạc ấm để mát xa ngực bạn, xoa bóp nhẹ nhàng để kích thích sự lưu thông của sữa.

4. Căng sữa

Việc căng sữa gây khó khăn cho việc bé bú vì bầu ngực mẹ cứng và không vừa với miệng bé.

Cách khắc phục: Trước khi cho bé ăn, bạn nên mát xa bầu ngực để chúng mềm đi và vừa với miệng bé hơn.

5. Viêm vú

Viêm vú là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở ngực, nó có các triệu chứng giống như cúm và gây ra sốt cũng như các cơn đau ở ngực. Bệnh này thường xảy ra trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh (đôi khi viêm vú cũng xảy ra sau khi bé cai sữa) là hậu quả của một tình trạng cương tức tuyến vú hoặc tắc ống dẫn sữa trước đó mà không được xử trí một cách hiệu quả.

Cách khắc phục: Cách duy nhất có hiệu quả với căn bệnh này là sử dụng kháng sinh, gạc nóng và vắt kiệt sữa sau mỗi lần cho bé bú. Việc hút sữa ra ngoài sẽ có tác dụng làm những phần bị tấy đỏ dịu lại. Bạn cũng có thể yên tâm việc cho con bú khi bạn đang bị viêm vú là hoàn toàn an toàn.

6. Nấm

Nấm trong miệng bé có thể lây sang vú của mẹ. Nấm khiến bạn luôn thấy ngứa, đau nhức và thậm chí nổi mẩn.

Cách khắc phục: Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn loại kháng sinh phù hợp để điều trị đồng thời cả núm vú của bạn và miệng của bé. Nếu bạn không điều trị đồng thời cả hai, thời gian điều trị sẽ dài và không thể diệt trừ tận gốc căn bệnh.

7. Ít sữa

Không cho trẻ bú thường xuyên chính là nguyên nhân thông thường dẫn đến việc mẹ có ít sữa.

Cách khắc phục: Nếu người mẹ ít sữa do mệt mỏi, stress… có thể cho bé bú nhiều hơn, vắt cạn sữa sau khi cho bú để kích thích tạo sữa mới. Người mẹ cần nghỉ ngơi, ăn uống, bồi dưỡng, uống nhiều nước, kể cả nước trái cây và sữa để kích thích tạo sữa cho con bú.

8. Bé ngủ trong khi bú

Bé rất dễ ngủ trong mấy tháng đầu sau khi sinh vì vậy mà việc bé ngủ trong khi bú mẹ là khá phổ biến.

Cách khắc phục: Hãy xem bé đã bú đủ chưa. Mẹ nên nhẹ nhàng đánh thức bé bằng cách cho bé bú sang bên vú bên kia. Nếu bạn thấy bé bú chậm lại, đôi mắt có xu hướng khép lại bạn nên bế bé ra khỏi ngực, cù chân bé, nhẹ nhàng nói chuyện với bé trong khi vuốt nhẹ lưng bé. Khi bé lớn lên, bé sẽ tỉnh táo hơn và bạn sẽ không còn băn khoăn nhiều về vấn đề này nữa.

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or