Nỗi sợ hãi của trẻ tuổi chập chững

Khi trẻ lớn lên và thông minh hơn, thế giới dường như “đáng sợ” hơn rất nhiều.

Trẻ có thể sẽ “ghi nhớ” những khoảnh khắc đáng sợ hoặc đau đớn (khi tiêm ngừa, ngã khi chơi đùa…). Một số bé sợ những thứ đặc biệt như sâu bọ, chó, bóng tối, thậm chí cả máy hút bụi. Một số bé khác sợ các tình huống mới hoặc sợ gặp người lạ. Các bé sẽ hết sợ khi cảm thấy an toàn hơn và làm quen với môi trường xung quanh.

Vậy bạn sẽ làm gì để trấn an con của mình?

Bạn nên giải thích cho bé hiểu

Khi bé sẽ hết sợ hãi nếu bạn giải thích nỗi lo sợ của bé một cách đơn giản và hợp lý. Ví dụ, bé sợ ngã xuống cống rãnh, bạn có thể giải thích với bé rằng nước và bong bóng có thể chảy xuống cống, nhưng trẻ con thì không thể rơi vào trong cống được. Hoặc nếu bé sợ tiếng còi hú, bạn hãy giải thích rằng những chiếc xe cứu thương phải hú còi thật to để xe khác tránh đường. Bé sẽ yên tâm hơn khi tận mắt nhìn thấy máy hút bụi hút cát, bụi và những mảnh vụn nhưng nó không thể nuốt chiếc tàu hoả của bé hoặc những ngón chân của bố vào trong…

Nỗi sợ hãi của trẻ tuổi chập chững - 1
Bạn nên giải thích và tăng cường sự tự tin cho con.

Không nên phớt lờ nỗi sợ hãi của trẻ

Bạn hãy nói rằng bạn hiểu bé sợ điều gì. Nếu bạn bảo đảm và an ủi bé, bé sẽ hiểu rằng không có gì xấu hổ khi sợ hãi một điều gì đó. Bạn hãy nói chuyện về nỗi sợ đó bởi vì bé sẽ không bao giờ hết sợ hãi một thứ gì đó nếu như bạn cố tình phớt lờ chúng.

Tăng cường sự tự tin với những cuốn sách

Bạn sử dụng những quyển sách hình dễ hiểu để giúp trẻ làm quen với những tình huống khiến bé sợ hãi. Bé có thể hết sợ các nhân vật phù thuỷ nếu bé xem một quyển sách hoặc một đĩa phim nói về những bà phù thuỷ tốt, các con ma tử tế hoặc những con mèo đen thân thiện.

Giữ khoảng cách an toàn cho bé

Bạn còn có thể giúp con bạn tìm hiểu về những thứ khiến bé sợ ở một khoảng cách an toàn. Bạn cho bé nhìn bạn hút bụi từ xa hoặc bé ở trong vòng tay của bà, bố .. . Nếu bé sợ động vật, bạn hãy cho bé đi tham quan vườn thú, nơi mà mọi người vuốt ve và cho thú ăn.

Để bé tự trấn an mình

Dùng những đồ vật yêu thích. Một số bé hai tuổi có những đồ vật thân thiết như một cái chăn hoặc một con gấu nhồi bông sờn cũ. Những đồ vật này an ủi bé khi bé cảm thấy lo lắng, đặc biệt trong những thời gian có thay đổi như đi trẻ hoặc ngủ riêng.

Đừng tiếc lời khen ngợi

Nếu bé có thể khắc phục được nỗi sợ hãi của mình, bạn nên dành nhiều lời khen ngợi bé.

 

 

theo: eva

Leave a Reply

Or